Theo dõi trên

Trải nghiệm thể loại báo chí

21/06/2017, 10:42

BTO- Phóng sự, điều tra, bút ký… là những thể loại khá “gai góc” đối với người làm báo, đặc biệt là những phóng viên trẻ mới bước vào nghề. Và để viết cho ra thể loại quả thật không dễ dàng, người viết ngoài “dấn thân” còn phải hội tụ thêm nhiều yếu tố kỹ năng nghề, sự tinh tế, văn phong, kiến thức xã hội…

Để nâng cao chất lượng tờ báo Đảng, Ban Biên tập Báo Bình Thuận thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên. Hàng tháng, trong cuộc họp cơ quan cũng thường xuyền lồng ghép sinh hoạt nghiệp vụ. Nhờ vậy, chất lượng các tác phẩm báo chí Báo Bình Thuận cũng được nâng lên. Ngày xuất hiện càng nhiều tác phẩm dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực để bênh vực lẻ phải. Và cả những trang viết theo đuổi dòng sự kiện kinh tế - xã hội của tỉnh mang đẫm hơi thở cuộc sống và chạm đến trái tim bạn đọc. Đặc biệt, gần đây những cuộc thi viết phóng sự, điều tra, ký sự,… do Báo Bình Thuận tổ chức đã thu hút cả những cây bút chuyên nghiệp cũng như cộng tác viên trong và ngoài tỉnh tham gia. Trong số các tác phẩm đoạt giải luôn có những gương mặt phóng viên trẻ.

6 năm tôi gắn bó với mái nhà chung Báo Bình Thuận, tôi cũng như các đồng nghiệp trẻ khác khá “say sưa” khi thử sức với các thể loại báo chí. Sự nỗ lực đó, bước đầu cũng tặng lại cho chúng tôi được những mùa quả ngọt khi những “đứa con tinh thần” đoạt giải báo chí của tỉnh, các cuộc thi viết do cơ quan tổ chức. Lãnh đạo phòng vẫn thường nhắc nhở tôi “những bài viết thể loại mới nâng cao được tay nghề”. Quả thật vậy, bởi khi viết một bài thể loại phóng sự, điều tra, bút ký…phải cần sự đầu tư thời gian, công sức vượt bậc và cả sự đam mê cháy bỏng. Ở mỗi thể loại dù có nét đặc thù riêng, cái khó nhất vẫn “săn” đề tài. Khi tìm được đề tài thì cách thể hiện như thế nào lại là yếu tố quyết định sự thành công của tác phẩm. Một Biên tập viên có nghề cũng từng dặn dò: “Con đi 1 ngày, 2 ngày sao viết cho ra được thể loại, phải sống với nhân vật thì mới viết hết được”. Con đường đến với bài báo hay cũng cần có những bước đi trải nghiệm. Thực tế, mỗi tác phẩm thể loại viết ra là những lần phóng viên chúng tôi lăn lộn dài ngày ở cơ sở. Phải gặp gỡ nhân vật nhiều lần, có thể mỗi câu chuyện cùng với nhân vật cũng hé lộ thêm nhiều tình tiết cho bài viết. Trong quá trình tác nghiệp, kể cả những cử chỉ “phi ngôn từ” phóng viên quan sát được có khi lại chính là chi tiết đắt giá bổ sung cho những nội dung đang được trình bày trong bài viết. Khi phỏng vấn, không được giấu dốt, nếu chưa hiểu phải hỏi đến khi hiểu mới thôi. Tác phẩm đã hoàn thành, tít là câu đầu tiên của bài báo, thu hút sự chú ý của độc giả vì vậy việc “giật tít” là vô cùng quan trọng…. Để viết tác phẩm chất lượng còn đòi hỏi người viết phải có vốn sống, vốn văn học, vốn từ ngữ và trong quá trình triển khai thực hiện bài viết cần có những bước chuẩn bị cụ thể, rõ ràng, chắc chắn. Việc thường xuyên tích lũy kiến thức từ đời thực, từ các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giúp những phóng viên trẻ chúng tôi đổi mới, trưởng thành trong cách viết bài.

Kinh nghiệm là những gì được mỗi cá nhân đúc rút từ sự trải nghiệm cuộc sống. Kinh nghiệm của các nhà báo đi trước chính là “hành trang” cho tôi và rất nhiều phóng viên trẻ học tập, tự tin trên những cung đường tiếp theo của nghề báo.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trải nghiệm thể loại báo chí