Theo dõi trên

Tôn tạo, bảo tồn khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận

27/11/2017, 08:58

BT- Tỉnh ủy Bình Thuận đã thống nhất chọn khu vực Sa Lôn thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc để xây dựng Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (thay cho địa điểm tại Căn cứ km36 thuộc quốc lộ 28) với các lý do: Khu vực Sa Lôn là nơi ghi lại nhiều dấu ấn, nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rõ tính chất ác liệt, gian khổ của cuộc kháng chiến; là nơi có nhiều cơ quan, đơn vị được thành lập trong kháng chiến; đồng thời nơi này cũng diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận với các dấu tích lịch sử như hầm, hào, lán trại, bếp ăn và nhiều hiện vật.

                
   Đo đạc, lấy số liệu các khu vực trong khu    căn cứ Sa Lôn.

Từ tháng 3/2017, dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành, nhiều đợt khảo sát thực tế để tìm kiếm, kiểm chứng, xác minh các di tích gốc như hầm hào, lán trại, bếp ăn, các hiện vật…tại suối Chín Khúc, nhà Tam Cấp và mở rộng ra một số địa điểm mà Tỉnh ủy đứng chân trong khu rừng Sa Lôn. Thông qua các đợt khảo sát, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lần hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến các vị lão thành cách mạng, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đảng, nguyên lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác tại Sa Lôn, để nhìn nhận vừa đa dạng, khách quan nhất về tính chất quan trọng đặc biệt của căn cứ Sa Lôn qua các giai đoạn lịch sử.

Để có căn cứ khoa học, tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì việc nghiên cứu các chứng cứ, ghi chép lịch sử… để hoàn thành hồ sơ khoa học của di tích lịch sử - cách mạng Sa Lôn. Nhiều cán bộ công tác trong lĩnh vực văn hóa – di sản liên tục tiếp cận thực tế với nhiều đầu công việc như: nghiên cứu lịch sử Đảng bộ tỉnh, phỏng vấn lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ từng hoạt động tại Sa Lôn, lấy ý kiến người dân địa phương, xác định, đo đạc các dấu tích, tìm kiếm các hiện vật còn sót lại, xác minh ý kiến…

“Phải đưa các cụ, các vị lão thành về lại căn cứ Sa Lôn để xác định chính xác các khu vực. Có nhiều cụ do lớn tuổi nên trí nhớ cũng không tốt, chúng tôi phải xác minh, lục lại tư liệu khắp nơi để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Phải mất 4 tháng, hồ sơ khoa học mới cơ bản hoàn thành”, anh Nguyễn Ngôn, chuyên viên Bảo tàng Bình Thuận cho biết.

Theo hồ sơ, bước đầu đã xác định được 10 hầm (đã bị vùi lấp, biến dạng) là nơi trú ẩn, làm việc của căn cứ, 1 bếp ăn tập thể (thiết kế theo kiểu bếp Hoàng Cầm), khu lán trại 2 mái lợp lá trung quân tại khu vực suối Chín Khúc. Tại khu nhà Tam Cấp, đã xác định được 3 hầm, 3 giao thông hào, bếp Hoàng Cầm. Tất cả các hệ thống hầm trú ẩn, giao thông hào đều được bao phủ bởi rừng cây cổ thụ…

Đến nay, Ban chỉ đạo tỉnh xây dựng Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ đã thống nhất quy hoạch 2 khu vực gồm khu di tích (diện tích 48.000m2) với các hầm trú ẩn, lán trại, bếp ăn… và khu xây dựng các hạng mục phụ trợ (49.855m2), giao cho Sở VHTT&DL đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích về lâu dài theo hướng giữ nguyên hiện trạng, không tác động đến cây rừng và môi trường hiện hữu.

 Bên cạnh đó, đối với các khu căn cứ Tỉnh ủy còn lại tại các địa bàn cũng cần tổ chức khảo sát, định vị, lập bản đồ phân bố, cắm Địa chỉ đỏ. Riêng căn cứ Tỉnh ủy tại Km 36 quốc lộ 28 thuộc xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc nên tiến hành xây dựng bia lưu niệm.

Việc giữ gìn, phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị các điểm Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ nói chung và Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận tại Sa Lôn nói riêng là việc làm hết sức cần thiết và ý nghĩa để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng và bất khuất của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận cho các thế hệ đương thời và mai sau. 

Chí Bình



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôn tạo, bảo tồn khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận