Theo dõi trên

Tìm về câu hát quê xưa…

31/08/2019, 08:58

Bài 1: Chuyện mái đình và cây xoài…

BT- Thời nhà Nguyễn, trước năm 1945, Phú Tài, Đại Nẫm, Xuân Phong là 3 làng quê nằm liền nhau ở ngoại vi Phan Thiết thuộc tổng Đức Thắng và tổng Lại An, phủ Hàm Thuận, mà ngày nay là 2 phường Phú Tài, Xuân An và xã Phong Nẫm (ghép chữ Xuân Phong và Đại Nẫm) của thành phố Phan Thiết đang trên đường đẩy nhanh đô thị hóa. Trải bao năm tháng thăng trầm, 3 làng quê ấy còn mãi câu hát thuở nào đã trở thành di sản của một miền quê thương nhớ:

                
      
Làng xưa Phú Tài, Đại Nẫm, Xuân Phong nay    là phường Phú Tài, Xuân An và xã Phong Nẫm.

Tiếng đồn Đại Nẫm nhiều xoài

Xuân Phong cốm nếp, Phú Tài mạch nha.

 Chuyện mái đình và cây xoài…

Thuở trước, ông tiền hiền họ Phạm người Bình Định và các dòng họ Đỗ, Võ… vào quy dân lập ấp, lập làng, nhà Nguyễn đặt tên làng Đại Nẫm, mang ý nghĩa là vùng quê no ấm đẹp giàu. Dân cư đến sinh sống ở Đại Nẫm khá sớm, vào cuối thế kỷ XVI -  đầu thế kỷ XVII từ các tỉnh ngoài Trung… Mỗi vùng hình thành từng xóm nhỏ, các vị cao niên thường tìm hiểu chuyện xóm làng cho biết, là ông bà mang các câu hát ru em từ quê cũ vào quê mới rồi truyền lại cho lớp con cháu. Ví như, “Đèn nào cao bằng đèn cây Cốc/Dốc nào nhọc bằng dốc Mỹ Trung” là biết gốc Quảng Ngãi bởi dốc Mỹ Trung trên con đường từ cửa biển Mỹ A lên xã Phổ Cường thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Còn “Chiều chiều én liệng truông mây/Cảm thương chú Lía bị vây trong thành” là Bình Định vì chú Lía là một nông dân khởi nghĩa ở Bình Định. Hoặc “Chiều chiều mây phủ Đá Bia/Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng” thì là Phú Yên, bởi Đá Bia trên núi Hiểm có hình “Mẹ bồng con” trông chồng nhìn ra biển…

Nằm theo hai bên bờ suối Lạng có nhiều phù sa nên vùng Phú Hội - Đại Nẫm đất đai phì nhiêu, vườn tược cây trái sum suê, rau xanh tươi tốt. Nhiều nhất là bưởi, chuối và xoài, các cô gái lại giỏi giang, mỗi sáng sớm gánh rau về chợ lớn, làm các chàng trai dưới phố ngẩn ngơ: “Thò tay ngắt một cọng ngò/Thương em đứt ruột giả đò làm ngơ”. Trong dân gian vùng này cho đến giờ vẫn còn lưu truyền câu: “Đại Nẫm nhiều bưởi/Phú Hội chuối xoài/Phú Tài mạch nha/Xuân Phong cốm nếp”. Nhưng vì sao lại có câu: “Tiếng đồn Đại Nẫm nhiều xoài…”.

Thật ra vùng Đại Nẫm - Phú Hội liền nhau, bưởi liền xoài. Nhưng người ta nhắc đến xoài Đại Nẫm bởi một trong những lý do là thuở trước có một cây xoài mọc trước sân đình làng, mỗi năm cành lá mỗi sum suê trĩu quả ngọt thơm. Mái đình là biểu tượng của làng, lại có thêm một cây xoài cổ thụ nên không biết từ thuở nào cái xóm trung tâm làng được gọi xóm Cây Xoài Đình. Xuân thu nhị kỳ làng tế lễ, ông già bà cả, nam thanh nữ tú và cả trẻ nít tụ hội coi hát bội, trống giục đàn kêu rộn rã một miền quê. Ngày tết thì “rủ nhau đi đánh bài chòi, mặc cho con khóc mà lòi rốn ra”. Đặc biệt, đêm trăng thanh gió mát, trai gái trong làng say sưa hát đối, hát sai sàng. Trai gái thời nào cũng vậy, ngoài những câu hát tình tứ, tình cảm thì còn có những câu hát chọc ghẹo quá lỳ lợm dị hợm như có chàng trai hát: “Đi qua Đại Nẫm ghé chơi/Thấy cô con gái đang phơi dưới bàu/Dưới bàu có con cá tràu/Nó theo nó đớp làm sao không buồn”. Cô gái thì chẳng vừa gì, hát rằng: “Sáng trăng anh tới anh chơi/ Xăn quần em đái lội bơi anh về…”.

Rồi làng xóm ngày càng bị siết chặt trong vòng vây phong kiến thực dân. Nạn sưu cao thuế nặng làm người dân bần cùng nghèo khổ, tối tăm mày mặt. Có vụ lý hương căng nọc ở sân đình đánh dân bắt nộp thuế, ông bộ Thơ, người ấp Đại Hòa đã ứng khẩu mấy câu văn vần truyền đi khắp xóm: “Ép dân chưa ráo mồ hôi/Nằm lăn chờ chết, làng ơi là làng/Con thì đói rách lang thang/Vợ thì ốm yếu biết làm sao đây?”.

Chính vì vậy mà có một đêm 14 rạng ngày 15/8/1931, một lá cờ đỏ búa liềm phần phật bay trên ngọn cây xoài đình và dưới mặt đường làng rải rác có truyền đơn kêu gọi thợ thuyền, dân cày, học sinh, binh lính, người lao khổ đứng lên chống chính sách vơ vét thuộc địa của thực dân Pháp. Cùng lúc trên ngọn cây quao trước ga Phú Hội cũng có cờ đỏ búa liềm tung bay. Xa hơn thì cờ búa liềm tung bay trên cây me gần ga Ma Lâm, trên cây lim làng Dân Thạnh, cây bằng lăng trước đồn lính GI, trên nóc tôn gác đình làng Thiện Khánh (Rạng), cây bồ đề trước mộ thần Thái Giám ở Phú Hài… còn truyền đơn thì được rải trên tỉnh lộ 8 Phan Thiết - Ma Lâm và đường bản xứ (đường cái xứ) Phan Thiết - Phú Hài - Mũi Né…

Lần trang sử vàng của Đảng, ngay từ năm 1930 ở Đại Nẫm đã hình thành một nhóm đảng viên cộng sản. Đó là các ông Dương Chước (đảng viên từ Sở Muối Hòn Khói Khánh Hòa vào Bình Thuận xây dựng phong trào cách mạng), ông Lê Trọng Thiều (một sĩ phu yêu nước quê Hà Tĩnh tham gia phong trào Duy Tân bị Pháp khủng bố vào lánh nạn ở Đại Nẫm), ông Phan Đặng (một người giàu lòng yêu nước ở địa phương). Rồi ông Ngô Đức Tốn (là giáo học cũng quê gốc Hà Tĩnh, có quan hệ họ hàng với ông Thiều) vào kết nạp 2 thanh niên trong làng là ông Nguyễn Tỵ và ông Phan Xích (con trai ông Phan Đặng). Sau đó, ông Ngô Đức Tốn từ Đại Nẫm vào Hàm Tân tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản cho một số thanh niên địa phương và hình thành một chi bộ tại dốc Ông Bằng phía trên ngảnh Tam Tân (nay là Tân Hải), là chi bộ cộng sản đầu tiên cùa tỉnh Bình Thuận.

Rồi ngày 24/8/1945, ông Phan Lợi cùng người anh ruột là ông Phan Xích và một số cốt cán nhận trách nhiệm phát động nhân dân đứng lên khởi nghĩa ở Phú Hội và Đại Nẫm. Tại đình làng Phú Hội, hạ cờ tam tài xuống, thượng cờ đỏ sao vàng lên cột cờ trước đình làng, quần chúng tụ hợp đông hơn ngày hội làng, thuận tay ông Phan Lợi ném đồng triện xuống Bàu Sen báo hiệu chế độ phong kiến từ nay đã vùi lấp. Còn tại làng Đại Nẫm, cuộc khởi nghĩa diễn ra nhanh chóng, hừng hực khí thế bởi Đại Nẫm là nơi đã có sự hoạt động của Đảng từ những năm 1930, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cây xoài đình phấp phới.

Rồi kháng chiến chống Pháp, cây xoài đình là vọng gác để dân quân du kích canh gác phát hiện bóng quân địch ló dạng từ xa báo tin cho nhân dân gồng gánh đồ đạc đi tránh lánh. Và trong kháng chiến chống Mỹ, cây xoài đình cũng như làng quê Đại Nẫm phải trải qua bao trận bom cày đạn xới, sau Mậu Thân 1968, trong một trận địch phản kích dữ dội vào vùng bản lề Xuân Phong - Đại Nẫm phía bắc thị xã Phan Thiết, ngôi đình và cây xoài đình đã bị bom pháo địch hủy diệt.

 Sau giải phóng, tại vị trí ngôi đình và cây xoài đình xưa, xã Phong Nẫm xây dựng một công trình có ý nghĩa thiêng liêng khác. Đó là nhà Bia ghi danh liệt sĩ xã đã hy sinh qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nhớ về cội nguồn tổ tiên thời mở đất, trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, nhân dân Phú Tài, Phong Nẫm, Xuân An ngày nay quyết xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Ngày nay, các vườn thanh long Phong Nẫm nối tiếp hồng tươi… song câu ca “Tiếng đồn Đại Nẫm nhiều xoài” vang vọng mãi một miền quê. 

Làng củi lửa…

Với hàm ý là gió xuân mát mẻ trong lành, làng Xuân Phong được lập thành do ông tiền hiền họ Nguyễn, đình làng đặt tại Cống Bàu gần tỉnh lộ 8, sau dời về khu đất mới có cây to bóng cả (phía sau trụ sở phường Xuân An ngày nay) vì tiền hiền làng Xuân Phong cũng là tiền hiền làng Trinh Tường. Ngôi đình qua năm tháng và chiến tranh, nay không còn nữa.

Trải qua lịch sử thăng trầm, làng Xuân Phong bao lần sáp nhập. Sau Cách mạng tháng 8, tháng 9/1946, hợp nhất Xuân Phong và Đại Nẫm thành xã Phong Nẫm. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn chia 2 xã Đại Nẫm và Tường Phong (ghép Trinh Tường và Xuân Phong). Sau giải phóng 1975, năm 1979 lại ghép với xóm Gò Tranh của làng Tân An mà thành thêm 1 thôn có tên gọi Xuân An, đến năm 2011 thì trở thành 1 phường mới Xuân An của thành phố Phan Thiết. Vậy phường Xuân An có nguồn gốc từ Xuân Phong đến Trinh Tường và cả Tân An.

Đó là cách chia theo địa bạ hành chánh, chứ ông bà ta từ ngoài vào đã tụ cư ở một vùng đất thật đa dạng. Vùng đất thấp thì trồng lúa để cho ra đặc sản “Xuân Phong cốm nếp”, vùng gò cao thì đã có “lò gạch Trinh Tường” cung cấp gạch ngói cho cả vùng Phan Thiết - Hàm Thuận, còn có một “đồng muối Trinh Tường” đã cùng con cá nục, cá cơm mà làm nên “nước mắm Phan Thiết” nức tiếng cả 3 miền Nam, Trung, Bắc. Xuân Phong còn có nghề đúc đồng khá nổi tiếng với nhiều nghệ nhân bậc thầy đã góp phần rất lớn trong việc đúc các dụng cụ gia đình như nồi đồng, mâm đồng, thau đồng, cơi trầu, ống súc… và các đồ thờ cúng như chân đèn, lư hương, chuông… cho nhân dân địa phương.

Từ Xuân Phong nghề đúc đồng truyền lên tới Đại Nẫm, Phú Hội. Mỗi khi có đúc đại đồng chung, chuông lớn cho các đình làng, chùa chiềng trong vùng thì hàng chục lò đúc tập trung về Xuân Phong để nấu đồng và đúc. Thường thì các lò đúc đồng nằm rải rác hai bên bờ, để lại nhờ vào dòng nước của con suối Lạng. Có thể nói con suối Lạng là nguồn mát của làng. Người xưa kể lại, dòng suối mát bắt nguồn từ núi Ông có nhiều chi lưu là sông Bà Bích, Sao Ba, sông Ôi, Đá Mài, sông Linh dẫn về, đến Cây Ké bên trên đình làng Phú Hội thì chảy vào Bàu Sen rồi uốn khúc quanh co chảy qua Phú Hội, Đại Nẫm, Xuân Phong, xuống cầu sắt chảy ra cửa biển Phú Hài. Hàng năm bồi đắp phù sa bởi các cơn lũ lụt từ thượng nguồn đổ về. Tiếc thay, hiện nay suối Lạng chỉ còn là con nước cạn từ cây cầu đường sắt, gần nhà thờ Phú Hội chảy qua Phong Nẫm xuống cầu Sở Muối...

Nhiều lần đi điền dã ở Xuân Phong, góp nhặt từng chút câu chuyện kể, gặp mấy ông già vui tính: “Làng Xuân Phong của mình là cái làng củi lửa !?”. Hỏi sao vậy, thì được biết, Xuân Phong mình là nơi làm cốm nổi tiếng thơm ngon và nhiều nhà làm quanh năm, mà muốn cốm thơm ngon thì khâu đầu tiên phải rang nổ, củi lửa sao đó mà cho hạt nổ bung ra không cháy, rồi đến thắng đường thì lửa làm cho vừa độ mịn, không lại, 2 thứ đó trộn lại mới cho ra vị thơm giòn của cốm Xuân Phong. Rồi đến thợ đúc đồng, đúng là củi lửa chuyên nghiệp. Thợ lò gạch thì cũng vậy, củi lửa làm sao mà cho gạch ra lò không sống cũng như không chín quá, sống thì thành gạch non, mà chín quá thì thành gạch sành, chẳng ai chịu mua phải bỏ đống. Thuở trước theo liên tỉnh lộ 8 từ chợ Đồn, Trinh Tường đi lên tới cầu Sắt, Tân An, cả một vùng Tây Bắc Phan Thiết từng cuộn khói đen, khói trắng bốc lên bay cuồn cuộn trên nền trời xanh, dưới sân lò gạch người nhào đất, kẻ xén gạch, đưa gạch vào lò, ra lò, tiếng cười đùa hát hò vang lên rộn rã thật là vui. Đến những người làm muối hầm ở xóm Gò Tranh cũng phải biết củi lửa, lò hầm muối xây bằng gạch trét đất sét, đốt bằng trấu, hơi nóng chỉ ngún từ từ mà qua một đêm mở nắp khương ra thì những hạt muối sống đã nở bung ra thành muối hầm trắng mịn. Muối hầm đó ngoài chuyện kho cá nấu canh, còn trộn với bắp hột cũng rang đâm nhuyễn và đậu phộng, mè đen rang đâm nhỏ, cùng với đường cát… sẽ cho ra món muối mè ăn với bắp hầm ngon tuyệt. Lò nấu bắp hầm cũng vậy, bắp ở đây là “bắp giã chả vôi”, những hạt bắp đá đem ngâm với nước vôi qua 1 đêm đã nở bung, đem đãi sạch bớt, rồi đưa vào cối giã chân, một người ở đằng sau đứng giã, một người ngồi ở đằng trước bên miệng cối “dùa” (vùa) vào, một lúc sau thì vỏ và mày hạt bắp tơi ra, đem ra ảng nước đãi qua đãi lại nhiều lần thì vỏ và mày trôi đi, chỉ còn lại hạt bắp trắng tinh, ngâm và thay nước vài lần, đến chiều tối cho vào khương bắc trên lò hầm, tờ mờ sáng hôm sau thì đã có một món bắp hầm nóng dẻo thơm tho vào Phan Thiết. Tôi đoán chắc những người dưới phố Phan Thiết ai cũng nhớ về một món ăn dân dã một thời không xa lắm của những bà mẹ quê gánh xuống... Bắp và muối của Gò Tranh là vậy. Thuở xưa còn có xóm Động Cây Cám, một xóm nhỏ cuối làng Trinh Tường (nay thuộc phường Phú Thủy) chuyên trồng khoai làm muối, khoai đất cát động ở đây ngon nức tiếng, người ta truyền nhau câu ca: “Ai về Cây Cám ăn khoai/Đi lên Đại Nẫm ăn xoài chín cây”. Rồi các chàng trai Đại Nẫm ý tứ mở lời: “Khoai lang chấm muối khoai bùi/Lấy chồng Đại Nẫm biết mùi bưởi thơm”. Khoai muối đi lên, bưởi xoài đi xuống, năm tháng đi qua, trai gái nên duyên chồng vợ. Nhớ thuở ban đầu mở đất tụ cư: “Con quạ tha lá lợp nhà/ Con cu chẻ lạt, con Gà nấu cơm/Nấu cơm thì phải nấu canh/Bỏ ba hạt muối, xắt hành cho thơm”; nay có thêm gạch ngói mà xây cửa dựng nhà, lại có câu: “Tay bưng dĩa muối chấm gừng/Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”…

Bây giờ Xuân Phong, Trinh Tường, Gò Tranh, Kênh Bàu, Lò Gạch, Cây Cám… đã đô thị hóa, từ thôn xóm đã chuyển thành phường với nhiều khu dân cư mới. Lò gạch thủ công đã chuyển sang (khu) công nghiệp, chuyện đúc đồng đã trở thành chuyện kể ngày xưa, còn sót lại vài ngôi nhà xưa 3 gian 2 chái với mái ngói âm dương rêu phong ẩm mốc cùng lỗ chỗ dấu đạn chiến tranh, cột kèo long rệu… bị bao vây bởi những ngôi nhà lầu bê tông cốt thép. Cả cánh đồng muối Trinh Tường đã chuyển thành khu đô thị Bắc Phan Thiết, phố xá liền nhau, xe cộ ầm ào… Nhiều hàng quán mọc lên với bao món ngon vật lạ, có ai còn thèm gói bắp hầm với chút muối mè xưa!?. Có chăng, vào mấy ngày tết, nhà giàu hay nghèo, người phương xa hay người bản quán đều đốt nén nhang cắm lên bộ lư đồng ở giữa, 2 bên là bộ chân đèn được chùi lên nước đồng sáng bóng. Và mãi mãi vẫn còn những hộc cốm đơm đầy sắc màu rực rỡ, lòng người vẫn vui đón ngọn gió “Xuân Phong”.

VÕ NGỌC VĂN

Bài 2: Chuyện phủ thành…



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm về câu hát quê xưa…