Theo dõi trên

Thương lắm áo dài ơi!

05/03/2020, 10:23

BTO- Mấy hôm nay, trên các phương tiên thông tin đại chúng lẫn trong sinh hoạt đời thường, bằng nhiều hình thức khác nhau, người Việt Nam đang diễn ra các hoạt động nhằm tôn vinh “Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam” khiến tôi bùi ngùi nhớ lại một kỷ niệm không thể nào quên đối với chiếc áo truyền thống tuyệt vời này.

 Thật không ngoa để nói rằng: Chúng tôi là thế hệ nữ sinh đầu tiên của Trường Phan Bội Châu Bình Thuận sau ngày miền Nam được giải phóng, và được vinh dự khoát lên mình chiếc áo dài trắng tinh khôi đến lớp.Sau ngày đất nước thống nhất, chiếc áo dài chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trên lịch tết hay một đôi lần trong lễ hội nào đó.

 Những người được diễm phúc mặc chiếc áo đầy gợi cảm nhưng lại vô cùng nền nã này là những phụ nữ thuộc gia đình có điều kiện hoặc quyền cao chức trọng nào đấy! Chiếc áo truyền thống của phụ nữ Việt Nam bỗng trở nên xa xỉ trong thời buổi khoai sắn thay cho gạo cơm. Những bà, những mẹ những cô thời ấy hầu như lam lũ trong những tấm áo bạc phếch thậm chí vá vai trong cuộc nhọc nhằn mưu sinh của thời ăn đong từng bữa.

 Mẹ tôi cũng từng tha thướt áo dài, nhưng rồi sau ngày giải phóng, bà ngậm ngùi xếp lại, cho vào một túi ni lông kèm theo một vài viên long não để tránh côn trùng. Thỉnh thoảng, mẹ lại lấy ra, nâng niu, vuốt ve những chiếc áo như vuốt ve những kỷ niệm của một thời đứng trên bục giảng đã lùi xa.

 Chúng tôi - những đứa trẻ lớn lên trong thời bao cấp khốn khó, bữa cơm hàng này thường độn thêm bằng ngô, khoai sắn triền miên. Và việc cho con em đến trường trở thành một điều vô cùng khó khăn đối với một số gia đình. Sự túng thiếu khiến cho các bậc mẹ cha ngày ấy phải đứt ruột chấp nhận việc cho con mù chữ.

Khi ấy, được đi học là một diễm phúc nên dẫu áo quần có nhếch nhác, vá gấu đắp vai thì chẳng vấn đề gì. Cái cặp đầu đời của tôi thật ra chỉ là bao xà bông Việt Nam được mẹ giặt sạch, đựng cuốn vở trắng nhưng trang giấy đen thui, một cuốn sách tập đọc, một tập toán quăn queo cả góc được truyền từ đời anh cả đến đời anh hai và một cây bút chì ngắn tủn!

Nguyên cấp I, bọn trẻ chúng tôi có gì mặc nấy đến lớp, chẳng có khái niệm gọi là đồng phục học sinh. Lên cấp II, tình hình sáng sủa và quy củ hơn, chúng tôi được mặc quần xanh áo trắng như học sinh bây giờ. Và đến năm lớp 10, vẫn không có quy định nào mới về trang phục, nghĩa là vẫn áo trắng quần xanh!

 Hồi ấy, khu vực Phan Thiết và mở rộng theo bán kính Mũi Né, Mương Mán, Hàm Đức duy nhất chỉ có một trường cấp III là Phan Bội Châu nên ai đó thi vào lớp 10 không đậu thì chỉ còn đi lính hoặc lấy chồng mà thôi!

Chúng tôi thuộc niên khóa 1989-1992 của trường. Tôi còn nhớ như in cái buổi chiều của học kỳ II năm lớp 10, lớp trưởng đi họp về thông báo: Nhà trường khuyến khích ở học kỳ này nữ sinh mặc áo dài đi học để tạo bước đệm cho năm học sau chính thức bắt buộc nữ sinh phải mặc áo dài đến lớp!

 Khỏi phải nói, bọn con gái chúng tôi hoan hỉ đến nhường nào. Thật không ngờ cũng có ngày mình được mặc chiếc áo trong mơ. Lớp trưởng (là con gái) họp kín 11 đứa con gái trong lớp, vận động từng bạn về xin mẹ cho may áo dài để đồng loạt mặc cho cả trường bất ngờ. Sở dĩ phải vận động vì gia cảnh mỗi người khác nhau. Để có chiếc áo, ngoài tiền vải ra thì tiền may cũng không phải rẻ vì quan niệm thời ấy áo dài là một thứ trang phục đài cát nên tiền công phải cao hơn một chiếc bình thường. Tim rộn ràng, tôi về thỏ thẻ xin mẹ. Cứ ngỡ mẹ từ chối nhưng may thay bà lại đồng ý một cái rụp. Phải chăng mẹ muốn tìm lại hình ảnh thiếu nữ thướt tha áo dài qua chính tôi?

Thế là hội con gái chúng tôi cùng rủ nhau mua vải. Mỗi đứa may một nơi. Đứa nào có điều kiện đến Xuân Hải, Xuân Ảnh – hai tiệm may áo dài vang danh ở Phan Thiết lúc bấy giờ. Tôi, phận con nhà nghèo nhưng lại may mắn được mẹ bật máy tự tay may cho. Hằng đêm, nghe tiếng chân đạp máy may loạch xoạch của mẹ; nhìn cái vẻ chăm chú chắt chiu từng mũi chỉ đường kim, tôi vừa nôn nao vừa cảm kích mẹ vô cùng. Và rồi ngày ấy cũng đến - ngày mà 11 đứa con gái lớp 10A1 chúng tôi cùng trình diện áo dài trước toàn trường. Cái cảm giác đợi chờ, hồi hộp và vỡ òa hạnh phúc khi mặc chiếc áo trắng tinh khôi ấy với tôi thậm chí còn hơn cả cái cảm giác ngày tôi được mặc áo cô dâu!

Để cho con gái rượu có kỷ niệm đáng nhớ trong ngày đầu tiên mặc áo dài, chiều hôm trước mẹ đã cất công xuống Chợ Lớn sắm cho một đôi guốc, một chiếc nón lá với quai nhung màu tím và nội y cho phù hợp.

Áo dài là một thứ trang phục lạ lùng. Nó vốn dĩ là một thứ phục trang tinh tế nên người mặc buộc cũng phải tinh tế, phải duyên dáng, ý tứ từ việc lựa chọn nội y sao cho tiệp màu, không khêu gợi đến việc đi đứng phải nhẹ nhàng, thướt tha, uyển chuyển. Chiếc áo nhẹ nhàng, tinh khôi mà lại vô cùng kiêu kỳ này không dành cho những kẻ kém duyên bởi nếu không tinh ý thì mọi thứ sẽ phô phang ra trước mọi ánh nhìn.

Hôm ấy, mẹ tôi nghỉ hẳn một bữa chợ chăm chút cho tôi như một cô dâu chuẩn bị về nhà chồng. Sau khi cho tôi mặc đủ một combo từ áo đến guốc, mẹ hào phóng mở tủ lấy sợi dây chuyền vàng - bảo vật của bà ngoại truyền lại cho mẹ - trịnh trọng đeo vào cổ tôi kèm theo lời dặn dò phải tuyệt đối gìn giữ.

Tôi khi ấy vốn là con bé nhà quê, thường ngày nhếch nhác, có phần nam tính bỗng dưng thoắt cái hóa thành một thiếu nữ dịu dàng, e ấp, phổng phao. Những đường nét thanh tân tuổi 16 trăng tròn thiếu nữ bỗng nhiên phô ra hết dưới tấm áo dài. Tôi bẽn lẽn, thẹn thùng nhưng vẫn không kém phần kiêu hãnh. Tôi nhìn trong gương cứ ngỡ đó là một gái khác chứ không phải là mình. Cao ráo, thon thả, nữ tính. Kỳ diệu thay. Mẹ tôi rơm rớm nước mắt, suýt xoa bảo: con mặc áo dài đẹp lắm!

Ngày ấy đang mải miết trong sự phấn khích, tôi nào đâu hiểu được những giọt nước mắt của mẹ mình, nào đâu tôi biết để có tấm áo cho bằng bạn bằng bè, mẹ ba tôi phải hy sinh nhiều đến thế! Tôi cứ tận hưởng niềm vui, rộn ràng chào song thân đi học mà thoáng bắt gặp ánh mắt lấp lánh của ba. Mẹ ra tận ngõ cặn dặn đủ điều, lần này không phải là việc giữ sợi dây chuyền vàng mà cách lên xuống xe sao cho phù hợp, cách đi đứng, vén tà sao cho nữ tính, an toàn và không thô lỗ. Áo dài là tinh!

Bọn con gái chúng tôi hẹn nhau trước cổng trường cùng một thời gian và đồng loạt tiến vào sân trường. Hóa ra ai cũng như tôi, rộn ràng với guốc, nón lá… dây chuyền vàng! Và ai cũng như tôi, bẽn lẽn, e ấp mà kiêu hãnh. Chúng tôi như một bầy thiên nga trắng ríu rít dắt xe vào trường, vành nón lá nghiêng che. Bỗng nhiên trên hành lang tầng lầu một ai đó hét lên: “Ê, tụi bây!Ra coi tụi con gái A1 mặc áo dài nè”. Thoáng chốc, hành lang dãy A đặc kín người. Mọi người chỉ chỏ, thích thú, tán thưởng. Chao ôi, bao nhiêu năm rồi áo dài mới quay lại trường học! Bao nhiêu năm rồi mới thấy cảnh "tung bay tà áo tung bay" ở sân trường, hỏi sao mà không phấn khích, sao mà không lạ lùng !

Chúng tôi đã về lớp trong ánh nhìn đầy ngưỡng mộ của mấy anh bạn trai và cái nhìn đầy ghen tị của các bạn nữ cùng khối. Còn mấy anh chàng cùng lớp quá ngạc nhiên đến mức phải ngây ra vài giây, rồi sau đó quay đi giấu nụ cười tủm tỉm, có một chút gì đó dường như là tự hào dâng lên trong ánh mắt.

 Một điều hết sức bất ngờ ngoài dự tính là 11 chiếc nón lá không biết để vào đâu. Sau một hồi loay hoay, chúng tôi quyết định để lên bậc cửa sổ. Giờ học môn Lý, một cơn gió mạnh thốc vào, thổi tung 11 chiếc nón xuống sân. Hai cậu bạn trong lớp xin thầy xuống sân trường nhặt nón. Và tuyệt làm sao, buổi học ngày hôm sau, vách tường cuối lớp xuất hiện 11 chiếc đinh được đóng theo dạng hình sin. Khỏi phải nói, bọn con gái chúng tôi cảm động đến nhường nào vì sự ân cần, lịch lãm của mấy cậu trai.

Sau phát súng đầu tiên của lớp chúng tôi, các lớp khác trong học kỳ 2 năm ấy cũng lần lượt mặc áo dài. Và năm học sau việc mặc áo dài đến lớp là một quy định bắt buộc với các nữ sinh cho đến tận bây giờ.

Dù vậy, theo chủ quan của tôi, các nữ sinh ngày nay dường như không mặn mà gì đến bộ áo quốc phục này. Họ thờ ơ với áo dài. Mặc áo dài mà mang giày bata, dép lê, đội mũ lưỡi trai và luôn trong tình trạng cuốn hai tà vào thắt lưng, thậm chí nội y kém duyên không đồng bộ.

Chiếc áo thanh tao bỗng dưng xấu xí đến tội nghiệp. Người mặc áo dài cũng không còn ý tứ khi mặc nó, không chú trọng đến sự uyển chuyển, thướt tha. Cứ đi đứng hùng hục hoặc nằm sóng xoãi ra bàn mặc cho lườn áo giật lên phô da thịt.

Điều đáng nói là các em sợ mặc áo dài, thậm chí ghét cả áo dài. Chúng ta như nhân danh thời hiện đại, con người phải năng động hoặc ta cứ vin vào lí do mặc áo dài nóng, vướng víu và muốn bỏ nó đi thay cho đồ tây hoặc váy. Tất nhiên, chúng ta không cực đoan đến mức cho rằng : mặc áo dài mới yêu nước, mới tôn trọng văn hóa dân tộc. Thế nhưng, nếu ai đó quyết định đưa nó hoàn toàn ra khỏi khuôn viên nhà trường thì đó là hành vi bức tử văn hóa ! Hãy nâng niu áo dài như nâng niu văn hóa Việt!

NGUYỄN KHUÊ TÚ

Ảnh minh họa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương lắm áo dài ơi!