Theo dõi trên

Thư viết lúc nghỉ hưu: Thôi ta đứng lại nhường đường em qua (*)

28/12/2018, 10:20

* Tặng những người bạn, những cộng tác viên Bình Thuận cuối tuần.

 Tàu thời gian

BT- 40 năm trước, một buổi sáng, chuyến tàu ấy chạy qua nơi tôi ở... Tàu có rất nhiều toa.  Các toa đều đóng kín cửa nên từ dưới đường nhìn lên không thấy rõ mặt người. Tôi bước lên một toa khi tàu dừng. Cửa toa vội mở ra rồi đóng lại. Có khoảng chục người trong toa. Lớn có, hơn tôi vài tuổi có. Một ông mặt xương xương, mắt sắc, mày hơi rậm, mặc chiếc áo bộ đội bạc màu, ngồi trên chiếc ghế đặt giữa lối đi trên cùng của toa, gật nhẹ đầu như chào tôi. Gần ông này, có hai ông già khác, tóc hoa râm, mỗi ông ngồi ở đầu chiếc băng ghế.  Ông ngồi đầu  băng ghế thứ nhất, không quay lại nhìn tôi nhưng vẫn nói với ông già ngồi ghế trên cùng bằng cái giọng trầm trầm: “Thằng Tú lên rồi, anh à!”. Tôi há hốc miệng kinh ngạc: Trời ơi sao họ lại biết tên tôi khi tôi lần đầu tiên bước lên một toa tàu như thế này? Tôi đang định hỏi điều đó thì ông mặc áo bộ đội, tiếp: “Nó lên đây là đúng rồi! Không có duyên sao mà gặp gỡ được? Trong cuộc đời này cái gì tốt, chẳng phải do duyên? Chỉ khi không duyên, con người ta mới gặp bất trắc. Vợ chồng của các ông và tôi cũng vậy, không phải duyên, làm sao chúng ta gặp các bà ấy... hì hì...”. Vẫn tiếng của ông ngồi ở băng đầu: “Anh là nhà văn nên  lời nói dễ sinh văn. Bọn tôi thì quen ăn cục nói hòn. Mà thôi, để tôi giải thích với thằng nhỏ: Đây là toa Báo Thuận Hải, nhỏ à. Chúng ta ngồi trong toa này để làm nhiệm vụ là cung cấp các diễn biến của cuộc hành trình thời gian mà tàu chúng ta đi qua. Nhiệm vụ này quan trọng lắm. À mà quên nữa, phải giới thiệu đã chứ: “Chú ngồi trên cùng là Nguyên Nam, trưởng toa; còn chú là Xuân Thông, trước đi toa Báo Hà Nội mới, được tăng cường lên toa này. Còn chú ngồi ở đầu băng thứ hai là chú Thanh Đàm”. Tôi nghe và chỉ biết nghe vì mọi thứ còn quá lạ lẫm. Đúng lúc đó, trưởng toa hỏi: “Thằng nhỏ này, ông nào nhận nó?”. Ông Xuân Thông nói liền: “Để giao anh Thanh Đàm. Mấy thằng này để ông ấy kèm cho quen, khi nào nó cần tôi, tôi sẵn sàng!”.  

                
Ảnh minh họa.

Kể từ sáng đó, tôi được ngồi bên ông Thanh Đàm. Hằng ngày, ông Đàm giao tôi ghi chép sổ sách, những công việc mà ông trao đổi với mấy thanh niên khác trong toa. Những lúc rỗi việc, nhìn ra cửa kính toa tàu thấy mọi việc mờ mờ lướt qua vì dường như tàu chạy nhanh lắm. Đã có lúc tôi toan kéo cánh cửa sổ lên, nhìn cho rõ bên ngoài, ông Nguyên Nam nhắc: “Tàu thời gian không cho phép điều đó. Tàu thời gian yêu cầu mọi người tập trung làm việc khi còn ở trong toa”. Thế nhưng,  có một hôm tôi không thể không tò mò hỏi: “Chú ơi, có lúc chú và chú Xuân Thông  ngồi thẩn thờ nhìn ra ngoài là sao vậy?”. Trưởng toa Nguyên Nam đáp: “Đúng là có những lúc chú và ông ấy mỏi mệt vì thời gian làm việc không nghỉ đã quá lâu. Đây là thời gian chú và ông ấy chờ tàu dừng. Mà cháu hãy quên điều ấy đi vì thời gian làm việc trong toa của cháu còn dài, còn bọn chúng ta là một lũ già rồi, sức kiệt rồi”. Nói rồi trưởng tàu kín đáo thở dài. Tàu vẫn lướt nhanh, dường như sắp qua một ga nào đó…

 Thôi ta đứng lại

 Ấy thế mà tôi ở trên toa của chuyến tàu thời gian mấy chục năm. Ông Nguyên Nam, Xuân Thông đã xuống tàu từ lúc toa đổi tên là Báo Bình Thuận. Toa đổi tên đồng nghĩa với một số công việc có sự thay đổi, cũng như vất vả nhiều hơn. Một số người lại lên toa rồi rời đi mỗi khi tàu dừng lại ở một ga nào đó. Tôi cũng đã có những lúc nhìn ra  cửa kính toa tàu như hai người sếp cũ của tôi xưa.  Đến lúc nào đó,  tàu dừng lại và tôi sẽ bước xuống, nhường chỗ cho người khác, những người nhỏ tuổi hơn tôi. Lần này, có một ông bạn cùng làm việc trong toa lâu năm, hỏi tôi: “Có tiếc nuối gì không khi dừng lại? Tôi nhẹ nhàng. “Có. Nhưng đó là sự tiếc không còn gặp bạn bè, những người nhiều năm qua tôi gắn bó. Nhiều người trong họ đã dành cho tôi sự giúp đỡ, sự chân thành, đôn hậu. Tôi yêu họ. Họ là tất cả của tôi. Không gặp họ tôi nhớ. Ôi những người bạn thân thiết, từng đồng hành với tôi. Nhưng biết làm sao được, tàu thời gian có quy luật của nó.                  

Hà Thanh Tú

(*): Lời trong bài hát  “Chuyện ba người”.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thư viết lúc nghỉ hưu: Thôi ta đứng lại nhường đường em qua (*)