Theo dõi trên

Tất niên năm sau sẽ vẹn tròn!

11/02/2021, 09:29

BTO - Bữa cơm tất niên là dịp để cả gia đình quây quần sum họp bên nhau. Đây cũng là dịp để con cháu tri ân tới ông bà, tổ tiên đã phù hộ suốt 1 năm làm ăn phát đạt, học hành thuận lợi. Ý nghĩa của bữa cơm tất niên vì thế đã thành truyền thống trong nhiều gia đình Việt Nam. Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, ở nhiều gia đình giây phút ấy đã không trọn vẹn.

                
      Bữa cơm tất niên của gia đình Việt

Bữa cơm sum vầy!

Ngày 30 tết, hầu như nhà nào cũng chộn rộn, bởi đây là ngày cuối cùng của năm cũ nên mọi công việc phải được hoàn thành. Bữa cơm tất niên cũng được bày ra cúng tổ tiên sau khi mọi việc đã xong xuôi. Những người thân đi xa cũng trở về quay quần bên gia đình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, năm nay đã 75 tuổi. Bà cho biết từ khi lớn lên đã thấy bố mẹ năm nào cũng cúng tất niên vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Tùy theo kinh tế của từng năm mà mâm cơm cúng tất niên sẽ thay đổi nhưng lúc nào cũng phải đủ đầy những món ăn như bánh chưng, củ kiệu, măng kho, canh khổ qua…Những đứa trẻ thời đó luôn háo hức chờ ăn tất niên bởi đó là bữa ăn no đủ sau một năm vất vả.

Giờ đây đã già, tóc đã bạc nhưng bà Ngọc vẫn giữ truyền thống cúng bữa cơm tất niên. “Thông thường thì mọi người cúng tất niên vào ngày 30 tết. Tuy nhiên, để thuận lợi cho con, cháu nên có năm tôi tổ chức sớm hơn để ăn uống xong các con sẽ có thời gian trở về nhà mình lo tết riêng”, bà Ngọc cho biết thêm.

Không khí rộn ràng, ấm áp cũng đến với tất cả các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Lực, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc. Ông có 3 người con. Có người công tác và sinh sống ở xa. Song hôm nay, con, cháu trong gia đình đã về tề tựu đông đủ. Đây là giây phút đoàn tụ, sum vầy được ông mong chờ nhất trong năm. Sau những cái ôm, cái bắt tay mừng rỡ. Các thành viên trong gia đình đã cùng nhau chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. “Cả năm bận rộn với bao lo toan cho cuộc sống thường ngày, chỉ đến ngày này thì tất cả các thành viên trong gia đình ở gần, ở xa mới có điều kiện sum vầy,cùng nhau chia sẽ những khó khăn, những vui buồn để bước sang năm mới với nhiều niềm vui và hạnh phúc”, ông Lực chia sẻ.

         

Hẹn ngày này năm sau

Bên cạnh những gia đình con cháu sum vầy trong bữa cơm tất niên thì cũng còn có không ít gia đình niềm vui không trọn vẹn. Những ngày này, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang bước vào cuộc chiến với dịch Covid – 19, để đảm bảo an toàn nhiều nơi đã bị phong tỏa. Tại Bình Thuận, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nhưng nhằm góp phần đẩy lùi dịch bệnh nhiều người đã hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung, hẹn ba mẹ cái tết năm sau sẽ trở về.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết) đang khắc khoải nhớ về quê nhà ở Hải Dương. Như mọi năm, vào thời điểm này chị đã cùng chồng và các con có mặt ở quê cùng bố mẹ chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên. Thế nhưng năm nay là năm đầu tiên kể từ ngày chị vào Nam lập nghiệp không được về ăn tết cùng gia đình.  “Tôi cảm giác thấy thiếu thốn điều gì đó, nhất là cảm giác ấm cúng khi mà cả gia đình sum vầy bên bữa cơm tất niên. Khi đấy, bố mẹ sẽ hỏi han chúng tôi nhiều, nhất là về những chuyện diễn ra trong năm cũ. Và chúng tôi chia sẻ với bố mẹ về những vui buồn trong năm qua.”, chị Quỳnh tâm sự.

Cũng do dịch bệnh Covid 19 mà em Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, du học sinh tại Hàn Quốc không thể trở về đón Tết cùng gia đình tại huyện Tuy Phong trong mùa xuân năm nay. “ 3 năm đi học ở xa nhưng 2 năm đầu em đều thu sếp để trở về cùng ba mẹ. Năm nay dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, em phải ở lại nơi đất khách quê người. Không được cùng mẹ đi chợ ngày cuối năm, không được cùng mẹ dọn nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên em cũng rất buồn. Em rất mong dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt và nhanh chóng qua đi. Em hẹn gia đình mùa xuân năm sau vậy.” Hạnh cho biết.

Thời khắc đón giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đang đến gần. Vì lẽ đó bữa cơm tất niên vì thế mà để lại trong mỗi người cảm xúc thật khó quên. Tuy nhiên dù có bên gia đình hay tạm xa gia đình trong mùa xuân năm nay thì mọi người cùng nhắc nhau chú ý phòng dịch để có những cuộc sum họp gia đình vui hơn, an toàn hơn sau cái Tết đặc biệt này.

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tất niên năm sau sẽ vẹn tròn!