Theo dõi trên

Suy tư cùng “Những ngày trở gió”

18/12/2019, 09:37

BT- Năm 2018, nhà văn Hồ Việt Khuê đã cho ra mắt bạn đọc tập truyện “Những ngày trở gió”. 23 truyện ngắn là những quan sát, cảm nhận, suy tư của anh trước những cuộc đời, những câu chuyện của những con người, của quê hương Bình Thuận trong suốt nhiều năm.

 Sự thấu cảm sâu sắc với những cảnh đời, phận người

23 truyện ngắn được Hồ Việt Khuê viết về nhiều mảng đề tài khác nhau: đất đai, quy hoạch, dự án, du lịch, phá rừng, môi trường, giáo dục, tệ nạn xã hội… Mỗi truyện chỉ gói gọn trong 5 đến khoảng 7 trang in; nhưng gợi đến biết bao chuyện đời, phận người.

Nhân vật trung tâm trong những truyện ngắn của Hồ Việt Khuê là những nông dân, ngư dân, những người lao động lam lũ trên biển, cùng biển, những phận người nghèo khó sống theo những nghĩa trang, những em học sinh; cùng những con người các thành phần khác: các chủ doanh nghiệp, người bảo vệ rừng, kẻ phá rừng, những thầy cô giáo…

Những nhân vật ấy với lời ăn tiếng nói, cách cư xử, những hành vi… được đưa vào những tình huống, cảnh trạng, chi tiết không nhiều lắm, nhưng đắt giá, để làm bật những điều tác giả muốn nói, gởi gắm đến người đọc.

Khá nhiều truyện trong tập sách được nhà văn Hồ Việt Khuê viết dưới loại hình truyện ngắn – kịch hóa. Điều ấy dễ thấy ở các truyện: Những ngày trở gió, Hoàn Cốt, Đêm đợi lũ, Ông Cuội cười, Cám ơn… ngựa, Cúng ao tôm, Ghẻ, Tại hũ rượu cá ngựa, Bà chem chép, Săn ánh sáng…

Mỗi truyện không dài nhưng nhà văn đã khéo léo dẫn dắt bạn đọc đến những chi tiết, tình huống làm bật lên tính cách nhân vật, thắt nút, mở nút rất khéo.

Đọc Hoàn Cốt, bạn đọc có để thấy được sự ngã giá giữa người bảo vệ rừng với kẻ phá rừng, khi người bảo vệ rừng bắt gặp kẻ phá rừng với tang vật là xe gỗ nặng do bò kéo.

Ở một truyện ngắn khác “Những ngày trở gió”, Hồ Việt Khuê đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện theo nghệ thuật đồng hiện. Chuyện của ngày hôm nay lại được kể lại cùng với sự tái hiện những tình huống của ngày xưa. Chuyện của ngày xưa ở cái làng biển ấy là phong trào vượt biển trốn ra nước ngoài. Để ngày nay, sau nhiều chục năm, người vượt biên năm nào, nay đã trở về thăm nhà, có cuộc gặp gỡ với những người quen cũ, trong đó có mặt cả những người đã tham gia trong đội trục xuất ngày xưa. Mọi người ngày nay điều biết rằng, đó là một chủ trương lớn của Nhà nước, mang tính nhân văn rất cao. Người Việt dù ở bất cứ phương trời nào, cũng là người Việt, miễn là bà con yêu Tổ quốc, hướng về quê hương.

Ở một bối cảnh khác trong truyện “Săn ánh sáng”, nhà văn Hồ Việt Khuê đã nhắc nhở mọi người về lẽ công bằng, sự bình đẳng, lòng tự trọng trong cuộc sống.

 Hồ Việt Khuê còn quan tâm đến những vấn đề về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước trong sản xuất của bà con nông dân. Anh đã viết trong Cúng ao tôm: “Mày đừng hối lộ vịt, xôi nếp, đô la địa phủ… vì thần ao tôm của mày không dám chứng đâu. Mày phải cúng bằng bia lon, thuốc cán họa may mấy ông thần… giám đốc công ty, xí nghiệp bên này sông thương tình mà bịt mấy ống cống thoát nước thải lại. Chính lượng nước thải của các nhà mày bên này sông đã làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước mà mày và bà con đã dùng để nuôi tôm…”

Nhà vệ sinh trong các trường học cũng là một đề tài cho sáng tác của nhà văn. Tác giả đã nêu một thực trạng ý thức giữ vệ sinh không tốt ngay tại nhà vệ sinh trường trung học cơ sở. Có khi, nhà trường quan tâm đến vấn đề lớn lao, mà quên đi mất, không có biện pháp đủ mạnh để giữ tốt khâu vệ sinh của trường học. Truyện “Ông thầy WC” là một minh chứng.

Ở rất nhiều truyện ngắn khác, tác giả gởi gắm những suy tư, thấu cảm, những sự chia sẻ đến với bạn đọc qua nhân vật trong tác phẩm: Không tìm thấy biển, Ông trời ngó nghiêng, Ghẻ, Lão nông ở nhà tầng, Thằng ma ám, Trăng vẫn bàng bạc biển quê nhà, Ngày đầu năm học…

 Nghệ thuật kể chuyện có duyên của nhà văn

Cùng với sự đa dạng về đề tài, những truyện ngắn của Hồ Việt Khuê ở tập sách “Những ngày trở gió” thể hiện những nét cao tay trong nghệ thuật kể chuyện của anh.

Hồ Việt Khuê viết truyện ngắn với giọng điệu riêng: Anh kể chuyện nhẩn nha, từ tốn; có lúc tưng tửng, châm chọc. Những câu chuyện anh đưa ra, nhiều chuyện đậm chất bi hài, phê phán hiện thực cuộc sống. Những điều anh quan sát được, nắm bắt một cách chính xác, anh kể bằng giọng điệu sâu cay.

Nhiều truyện trong tập sách mang đậm tính kịch, mở nút vào cuối truyện, đầy bất ngờ. Có truyện anh kể theo nghệ thuật đồng hiện, đan xen giữa hiện tại – quá khứ - hiện tại, thể hiện sự cao tay của người viết.

Lời ăn, tiếng nói của hầu hết nhân vật trong các truyện ngắn ở tập sách là lời ăn tiếng nói của bà con người Bình Thuận chúng ta, được Hồ Việt Khuê ghi lại, chân thật đúng như ngoài đời chúng ta vẫn thường nghe. Nhà văn cũng đưa nhiều đồng dao, những câu nói dân gian vào truyện, kể cả những lời nói tục của những nhân vật trong tác phẩm, khi cần.

Tôi tán thành ý của nhà phê bình văn học Nguyên An khi ông viết về tập sách “Những ngày trở gió” của Hồ Việt Khuê: “Truyện dẫu ngắn, mà đầy ắp chi tiết thực. Nhờ chúng, mà cả tập “Những ngày trở gió” này có giọng điệu, có cả bao nhiêu dáng vẻ, cái nhìn, câu nói, bước đi… của mỗi người riêng…”. “Lời quê – là hồn cốt của quê, ông cũng thuộc. Có lẽ đấy là nguyên cớ chắc chắn để truyện ngắn của ông dễ đọc, dễ vào”.

Đọc “Những ngày trở gió” của nhà văn Hồ Việt Khuê, để thấy nhà văn vẫn luôn không ngừng quan sát muôn mặt cuộc sống của chúng ta ngày nay, trên chính quê hương mình. Dẫu, trong tập sách, tác giả ít đề cập đến địa danh Bình Thuận; nhưng bàng bạc trên câu chữ, lời văn, giọng điệu của mỗi truyện, người Bình Thuận đọc, vẫn thấy đây đó, trên từng trang viết, hơi thở cuộc sống của bà con và quê hương chúng ta. Người đọc dễ đồng cảm với những nỗi niềm, những suy tư, những thấu cảm sâu sắc trước phận người, và cả những mong ước của nhà văn.  Qua “Những ngày trở gió”, bạn đọc, lẫn nhà văn vẫn mong quê hương mình tiếp tục đi lên trong những ngày mới, thịnh vượng, tươi sáng hơn nữa.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suy tư cùng “Những ngày trở gió”