Theo dõi trên

Nhớ rặng tre làng

20/03/2020, 09:51

 BT- Tôi lớn lên ở một vùng quê phía nam Phan Thiết. Ở quê tôi, mỗi năm theo ước tính của nhiều người đã có đến vài trăm tấn măng tươi và khô tung ra thị trường phục vụ cho cuộc sống; chỉ riêng ở xã tôi thôi đã có hàng trăm gia đình biết lấy măng theo dọc bờ sông trước nhà mình hoặc chí ít cũng trên các công đất của mình chạy dọc bờ sông và men theo triền đồi để tăng thêm thu nhập bên cạnh việc làm ruộng, làm rẫy của người nông dân. Tôi là người được cây tre nuôi lớn vì tre đã ngăn dòng nước lũ khỏi sụp lở đất ven sông để cha mẹ tôi trồng cây nông nghiệp, tre còn cho măng để gia đình có thêm thu nhập cho tôi học hành. Tôi còn có biệt danh: “Sinh viên khoa văn – mới vừa rời gốc tre”. Ở quê tôi còn có nghề làm măng chua, nó có tự bao giờ chẳng ai rõ, nhưng ai cũng mong cũng nhớ, cũng thèm món măng chua, nhất là với những người con đi xa làm ăn nơi đất khách quê người như tôi.

Những cơn mưa giông cuối mùa xuân, đầu mùa hè là lúc dân quê tôi chuẩn bị hành trang đi “bẻ măng”, có người còn gọi là “cậy gốc tre”. Việc lấy măng đã có từ lâu đời; chủ yếu mỗi nhà lấy vài chục kg măng tươi phơi thành vài kg măng khô để tết kho với thịt heo và từ những năm thập niên 80 thì việc cung cấp măng chua cho thị trường bắt đầu được mở rộng. Vào thời gian có măng, khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch thì cũng là lúc mùa cá nục ở biển. Món canh cá nục nấu với măng chua vào những ngày nắng nóng oi bức thật sự là không cầu kỳ, không sang trọng mà mộc mạc như tâm hồn người Bình Thuận. Làm món măng chua không thật sự khó khăn và cũng không dễ chút nào; măng lấy về được bào mỏng cho vào những cái khạp, cái lu làm bằng sành, sứ cho một lượng nước và muối vừa phải để ủ vài hôm cho đủ độ chua, những lần tiếp theo cứ cho vào nước đã ủ trước và thêm một lượng nước muối vừa phải thì 2 đêm có thể đem đi sử dụng được. Tre làng tôi còn cung cấp một lượng chất đốt đáng kể cho nông dân. Tôi còn thuộc mãi bài ca ngân nga của ông nội khi tôi lấy măng về:

“Trồng tre đừng có bẻ măng

Để cho măng lớn, măng quằn thành tre

Sau này thiếp nói chàng nghe

Củi sông chụm đụn, củi tre mau tàn”.

Thời gian trôi qua, ngày nay nghề lấy măng tre cũng không còn khi các rặng tre xanh dọc theo hai bên bờ sông đã nhường chỗ cho các công trình bê tông hóa. Mỗi lần về thăm quê sau bao ngày tháng xa cách, tôi lại hồi tưởng nhớ về những rặng tre, vì tôi có một khoảng thời gian tuổi thơ gắn liền với cây tre; lúc bấy giờ tre là một phần cuộc sống của chúng tôi và cây tre đã nuôi nhiều người ăn học thành tài. Tôi nhớ về nơi chất chứa bao kỷ niệm vui buồn, tôi thèm được sống cảnh làng quê thanh bình mà đằm thắm, dù đời sống vật chất còn bộn bề gian khó mà cuộc sống vẫn ăm ắp tiếng cười và tình người đôn hậu. Vậy mà bây giờ hàng tre không còn nữa, tôi chạnh lòng nhớ lại một khoảng trời tuổi thơ bên cạnh những hàng tre. Tôi mong sao khi xây dựng những công trình để thay đổi cuộc sống ở nông thôn, mọi người nhớ bảo tồn và giữ lại những hàng tre. 

Đỗ Văn Cường



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh thăm chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), chiều 23/4, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn TP. Phan Thiết.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ rặng tre làng