Theo dõi trên

Nhớ ngoại

02/04/2021, 14:38 - Lượt đọc: 6

BT- Ngoại tôi không biết đi xe đạp, cũng chưa bao giờ đi xe máy kể cả khi con cháu bảo chở đi chơi. Cuộc đời ngoại đi qua hai cuộc chiến tranh đầy gian nan cơ cực. Ngoại kể: Ngày xưa làm giao liên, chuyện đưa thư cho các dì, các cậu ở trong Bưng. Mỗi khi, có tin tức gì mới hoặc chuẩn bị vào chiến dịch thì đôi chân thô ráp của ngoại có ngày đi một quãng đường xa hút trong tiết trời mưa, nắng gió cát bụi bủa vây, nhiều lúc không kể ngày đêm, chỉ mong sao đưa lá thư đến đúng nơi, đúng người là được. Ngoại đi chợ, đi làm đồng, đi bán buôn, đi dự đám cưới, đi ăn đám giỗ… từ việc nhỏ tới việc lớn đều đi bộ. Đôi chân của ngoại đã đi mòn khắp tất cả các con đường làng.

Ngoại tôi ít học nên chỉ biết một vài con chữ, quanh năm ngoại giúp đỡ cha mẹ tôi chắt chiu, dành dụm tính trước lo sau, vun vén nhà cửa, nuôi nấng anh em tôi ăn học, trưởng thành. Ngoại tôi không biết đi xe. Nhưng những công việc hàng ngày từ xay lúa, giã gạo, gánh nước, giặt giũ, nấu ăn, chạy đồng, chạy chợ sớm hôm… đôi bàn chân nông dân của ngoại đều kịp thời đến được những nơi cần đến. Bàn chân ngoại từng lội qua sông dài, từng đi trên cát nóng, giẫm lên bao gian truân để sống một cuộc đời lương thiện, bao dung, yêu thương bằng tất cả những gì mà người phụ nữ nông thôn cần có. Khi tôi còn nhỏ, những lúc thức khuya học bài tôi thấy ngoại xoa dầu lên những ngón chân sưng tấy lên vì cả ngày lam lũ, bàn chân từng rướm máu do giẫm phải mảnh chai, mẻ chén, gạch, đá ngoài đường. Những ngày trở trời, khớp xương đau nhức, trong giấc ngủ của ngoại tôi nghe từng hơi thở không đều, có tiếng khò khè, thỉnh thoảng có tiếng kêu rên nhè nhẹ. Ngoại ngủ không nhiều, nhưng giấc ngủ rất sâu. Ngoại ngủ nhưng tôi biết những nhọc nhằn gió sương trong ngoại vẫn thức. Ngoại vẫn cảm nhận được những chuyển động âm thầm của bóng đêm bằng trực giác vốn có của một người phụ nữ nơi miền quê nghèo khó. Ít khi tôi thấy ngoại cười, ngoại chỉ vui khi bàn chân được thảnh thơi ngồi ăn trầu trò chuyện với con cháu sau buổi cơm chiều hoặc những ngày lễ, tết khi bàn chân được bước những bước mừng vui ra ngõ đón những đứa con, đứa cháu đi học xa trở về, chưa đi tới cửa nhà mà đã nghe tiếng gọi bà rối rít, lúc đó tôi thấy ngoại vui vô cùng. Bước chân của ngoại chỉ thực sự thảnh thơi, nhẹ nhàng khi được đặt trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, có tổ ấm yêu thương, có tình làng nghĩa xóm nồng hậu, tối lửa tắt đèn san sẻ cùng nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Rồi thời gian dần trôi mau, anh em tôi ngày càng khôn lớn, ngoài việc học cũng đã đỡ đần cho ngoại việc gánh nước, nấu cơm, xay lúa và những việc vặt trong nhà. Tôi đi học, ra trường làm việc xa nhà, lập gia đình riêng nên ít có thời gian gần ngoại; chỉ về thăm ngoại trong những dịp lễ, tết. Cuộc đời dài rộng dạy tôi biết mình phải trân quý, phải sưởi ấm yêu thương từ những điều giản đơn nhất. Mỗi lần về nhà, tôi muốn tự tay tỉ mẩn cắt từng chiếc móng chân cho ngoại. Khi ở bên ngoại, tôi mới thật là mình, những bão giông ngoài kia gói lại trong sự bình yên quá đỗi dịu dàng, ấm áp.

Ngồi trong ngôi nhà nhỏ của thời ấu thơ sống với ngoại; từng bước chân quen thuộc của ngoại, giọng nói của ngoại gọi các cháu thức dậy mỗi sáng sớm, nhắc các cháu ăn cơm, thay quần áo đi học cứ vang vọng, lởn vởn trong tâm trí tôi. Những giọt lệ tuôn trào, nhớ về một thời ấu thơ nghèo khổ, nhớ về ngoại mà bứt rứt đến nao lòng. Đôi chân quen thuộc với sự tảo tần hàng ngày đi chợ, ra đồng; lúc rảnh ngoại phơi khô những trái chuối chín sau tết để dành cho các cháu lót dạ khi đói lòng. Ngoại đã đi xa chúng tôi lâu lắm rồi. Mỗi lần nhớ ngoại, tôi thường về quê thắp cho ngoại  nén nhang; tôi thầm cảm ơn ngoại, thầm nghe niềm hạnh phúc êm dịu tỏa lan trong từng mạch máu vì có ngoại trong đời. 

Đỗ Văn Cường



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ ngoại