Theo dõi trên

Nhà trưng bày Bảo tàng Bình Thuận: Điểm đến hấp dẫn cho du khách

27/02/2017, 16:55

BTO-  Nhà trưng bày Bảo tàng Bình Thuận với hơn 1.000 cổ vật quý hiếm, sau 1 năm khánh thành đã đáp ứng đúng nhu cầu nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa người dân và du khách.

 Lời giới thiệu rành mạch, lưu loát của cô thuyết minh viên như gợi mở cho bao du khách sự tìm tòi, khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử và đời sống tinh thần của cha ông ta từ thời tiền sử. Đã hơn một năm nay, Nhà trưng bàyBảo tàng Bình Thuận đã trưng bày, giới thiệu  hơn 1.000 cổ vật quý hiếm trong số hơn 5.000 cổ vật được Bảo tàng Bình Thuận khai quật khảo cổ và sưu tầm ròng rã hơn 40 năm qua để trưng bày theo 7 chuyên đề. Bên cạnh đó là đội ngũ nhân viên phục vụ du khách cũng được trang bị những kiến thức cần thiết về lịch sử, văn hóa, các niên đại của cổ vật gắn liền với giá trị của nó để đáp ứng nhu cầu tham quan thưởng lãm và nghiên cứu.

 

 Với diện tích trưng bày 400 m2, các cổ vật được sắp xếp một cách khoa học theo từng chuyên đề, niên đại nên rất thuận lợi cho việc tham quan, tiếp cận và nghiên cứu. Đầu tiên phải kể đến Văn hóa Khảo cổ học Sa Huỳnh có niên đại từ 2.500 – 3.000 năm trước. Văn hóa Sa Huỳnh ở Bình Thuận  phân bố dọc theo các triền cát ven biển từ Tuy Phong cho đến thị xã La Gi. Con người thời kỳ này đã biết chế tạo công cụ lao động bằng kim loại thay thế đồ đá, đồ trang sức rất đa dạng và phong phú. Tiếp theo là Văn hóa khảo cổ học Đa Kai được phát hiện từ năm 1977 – 1978. Đây là nền văn hóa cổ thuộc hậu kì đồ đá mới. Ở đó, khách tham quan có thể tìm hiểu về công cụ lao động, trang sức…thông qua các di vật là rìu, bàn mài, cuốc, đàn bằng đá cách đây gần 3.000 năm.

 Đến Nhà trưng bày Bảo tàng Bình Thuận, du khách còn khám phá được mối quan hệ giao thương tấp nập trên vùng biển Bình Thuận qua các Cổ vật Tàu Đắm trên vùng biển Cà Mau và Bình Thuận. Tại đây, khách tham quan có dịp nhìn ngắm những bộ bình ly, đĩa…bằng gốm sứ có niên đại từ thời Minh, thời Thanh của Trung Quốc và có cả gốm sứ của Thái Lan với những giá trị về kinh tế, văn hóa và nghệ thuật. Qua đó, chúng ta có thể hình dung ra con đường buôn bán tấp nập trên vùng biển Bình Thuận đã có từ nhiều thế kỷ trước.

Bình Thuận là địa phương có 34 dân tộc anh em, chính vì vậy những cổ vật được trưng bày tại đây như đầu tượng thần Shiva, vương miện của Vua và Hoàng hậu, bệ thờ Linga – Yoni, cồng chiêng, tượng phật, lễ hội cầu ngư… qua các chuyên đề được giới thiệu tại Nhà trưng bày bảo tàng Bình Thuận đã phần nào phản ánh đời sống văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, phong phú và đa dạng của đồng bào các dân tộc.

 Có thể nói, Nhà trưng bày Bảo tàng Bình Thuận là điểm đến thú vị và cũng là kênh quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em tại Bình Thuận trong quá trình hình thành và phát triển. 

H. Châu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà trưng bày Bảo tàng Bình Thuận: Điểm đến hấp dẫn cho du khách