Theo dõi trên

Người “giữ lửa” đờn ca tài tử

16/01/2020, 14:49 - Lượt đọc: 102

 BX- Suốt 36 năm qua, ông Huỳnh Văn Bảy, tên thường gọi là Bảy Đờn (SN 1958), khu phố Phú Thịnh, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc luôn giữ niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT). Ghi nhận sự cống hiến cho nghệ thuật của ông, tháng 8/2019, Nhà nước công nhận ông Huỳnh Văn Bảy là Nghệ nhân ưu tú (NNƯT), đây là thành quả ngọt ngào cho cả hành trình góp công gìn giữ một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

                
NNƯT Huỳnh Văn Bảy (ngồi bên trái) tại buổi    giao lưu ĐCTT.

Từ niềm đam mê…

Một buổi tối cuối tuần đầu tháng 12, chúng tôi tìm đến nhà NNƯT Huỳnh Văn Bảy. Trong con hẻm nhỏ của thị trấn Phú Long, đâu đó vang lên câu vọng cổ ngân nga, dìu dặt. Không biết tự bao giờ, ngôi nhà nhỏ của ông Huỳnh Văn Bảy trở thành địa điểm họp mặt của những người say mê ĐCTT trong thị trấn nhỏ này. Cùng tham dự một buổi sinh hoạt ĐCTT thật sự thì mới thấy được sức sống mãnh liệt của bộ môn nghệ thuật này. Từ già, trẻ, gái, trai đến những người lao động tay chân hay trí thức… tất cả đều phiêu theo tiếng đàn, câu hát. Có dịp thưởng thức và lắng lòng trước phần trình diễn của NNƯT Huỳnh Văn Bảy, nhất là những bài độc tấu nhạc cụ sẽ cảm nhận được “thần thái” trong tiếng đàn của ông. Mỗi khi chạm tay vào những dây đàn, NNƯT Huỳnh Văn Bảy gần như gửi cả tâm hồn mình vào đó. Ông Huỳnh Văn Bảy tâm sự rằng, nghệ thuật đờn ca là nghệ thuật dung dưỡng tâm hồn con người. Muốn đờn sao cho nghe được thì cũng phải nắn nót cho tiếng đờn hay, âm thanh đẹp, nhịp nhàng, bay bổng.

Trải qua 36 năm gắn bó, ông Huỳnh Văn Bảy luôn xem nghệ thuật ĐCTT là “món ăn tinh thần” không thể thiếu sau những ngày lao động vất vả. Tâm sự về niềm đam mê của mình, ông cho biết: “Tuổi thơ của tôi gắn liền với chiếc radio và những bài vọng cổ, càng nghe càng mê. Từ đó, nghệ thuật ĐCTT thấm vào máu thịt của tôi lúc nào không hay”. Vì mưu sinh, ban ngày ông lao động, những lúc rảnh rỗi, mọi người lại quây quần, cùng ngân nga vài bài vọng cổ. Những lúc ấy, ông thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, những vất vả, lo toan cũng dần tan biến. Theo NNƯT Huỳnh Văn Bảy, đôi khi chỉ cần một người đàn cho nhiều người hát cũng làm nên một buổi ĐCTT. Quan trọng là cái tâm của những người đam mê bộ môn nghệ thuật này. Bởi thế mà tại ngôi nhà của ông, những con người đồng điệu luôn gặp nhau hàng tuần vào tối thứ 4 và thứ 7. Họ san sẻ cùng nhau câu hát, tiếng đờn, vừa thỏa đam mê, vừa để thấy nghệ thuật truyền thống của quê hương vẫn dồi dào sức sống.

Sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng cái duyên và lòng đam mê vô tận đối với những cung bậc trầm bổng của tiếng đàn kìm, đàn bầu, đàn tranh… hòa nhịp cùng những lời ca đã “thấm” vào lòng ông từ năm 18 tuổi. Nhớ lại thời hoa niên, mặc dù đang trong quân ngũ, nhưng nhờ sự chỉ dạy đờn ghita tận tâm từ thầy NNƯT Đặng Long, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh, ông Bảy đã bắt đầu mê ĐCTT. Ban ngày, ông Bảy học tập nội quy, điều lệnh, sử dụng vũ khí, ban đêm ông đi bộ xuống Khu Văn Công nơi thầy Long ở, cách 6 km đều đặn trong một thời gian dài để học đờn. Xuất ngũ trở về địa phương, ông Bảy làm ăn sinh sống, tiếp tục học và chơi đờn. Ngoài ra, ông còn nhận được sự chỉ bảo của thầy Phạm Văn Vinh, nay sống ở phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết. Cứ thế, cuộc đời ông Bảy đi theo con đường nghệ thuật ĐCTT như một lẽ tự nhiên. Năm 1983, ông Bảy trở thành một trong số ít những tài tử đờn trẻ tuổi có triển vọng của tỉnh… Ngoài họp mặt đờn ca, ông Huỳnh Văn Bảy còn tham gia giữ gìn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể - ĐCTT, bằng việc tự thành lập nhóm ĐCTT Cát Trắng. Nhóm quy tụ các học trò và những người yêu thích ĐCTT ở địa phương sinh hoạt đờn ca định kỳ vào các tối cuối tuần. Hiện số học trò do NNƯT Huỳnh Văn Bảy truyền dạy là 60 người, với mong muốn bảo tồn và phát triển ĐCTT tại địa phương.

                
NNƯT Huỳnh Văn Bảy tại buổi giao lưu ĐCTT.

 Đến thành quả ngọt ngào

Là tỉnh cực Nam Trung bộ, nhưng phong trào ĐCTT ở Bình Thuận nhiều năm qua như mạch nước ngầm vẫn không ngừng tuôn chảy. Lần đầu tiên vào năm 2004, Liên hoan ĐCTT - Cải lương được tỉnh tổ chức với sự tham gia của 101 tài tử thuộc 13 nhóm ĐCTT trong tỉnh. Trong đó có sự tham gia của NNƯT Huỳnh Văn Bảy với nhiều tiết mục hòa tấu, độc tấu. Riêng tại Hội thi ĐCTT tỉnh lần 4, NNƯT Huỳnh Văn Bảy đã biên tập, dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật cho nhóm ĐCTT Cát Trắng tham dự đạt 7 huy chương và giải các loại như: huy chương vàng tiết mục đơn ca - Lời chị cho em; huy chương bạc tiết mục song ca - Tình đồng hương và hòa tấu nhạc cụ - Dạ khúc; huy chương đồng tiết mục độc tấu nhạc cụ - Xuân tình và tiết mục chặp cải lương - Đêm trắng miền quê mẹ.

Đặc biệt, NNƯT Huỳnh Văn Bảy đạt giải diễn viên xuất sắc trong Hội thi ĐCTT- Cải lương tỉnh lần thứ IV năm 2016. Không chỉ vậy, ông còn tham gia biểu diễn ĐCTT cho TP. Phan Thiết và Trung tâm Văn hóa tỉnh phục vụ nhân dân vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày tết cổ truyền. Tham gia các sân chơi sinh hoạt ĐCTT tại TP. Phan Thiết như nhóm Ánh Sao cổ nhạc, nhóm Bờ kè, Đường phố, Đoàn kết. Nhiều lần giao lưu và truyền dạy ĐCTT khắp các xã trong huyện, trong tỉnh… Hiện nay NNƯT Huỳnh Văn Bảy đang sử dụng 3 nhạc cụ gồm ghita, sến, kìm và đờn được 20 bài, bản Tổ của tài tử cùng những làn điệu của sân khấu cải lương. Mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều ở thầy Đặng Long về phương pháp dạy đờn và ca cho học trò nhưng NNƯT Huỳnh Văn Bảy đã vận dụng để sáng tạo ra phong cách đờn riêng, không bị ràng buộc vào khuôn mẫu nhưng vẫn giữ được cốt lõi căn bản của ĐCTT.

Với niềm đam mê, sự cống hiến cho nghệ thuật ĐCTT, tháng 8/2019, ông Huỳnh Văn Bảy được công nhận NNƯT. Ông Bảy cho biết: “Tôi nhận thấy danh hiệu cao quý này vừa là  vinh dự to lớn nhưng cũng là trách nhiệm để tôi tiếp  tục theo đuổi đam mê, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Hơn thế, tôi sẽ không ngừng rèn luyện ngón đàn nhằm đạt trình độ cao để tiếp tục cống hiến, bảo tồn và trao truyền “hồn cốt” của nhạc cụ dân tộc cho thế hệ mai sau...”.

Thu Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người “giữ lửa” đờn ca tài tử