Theo dõi trên

Người Bình Thuận xưa làm quan dưới Triều Nguyễn

31/07/2020, 09:40 - Lượt đọc: 72

Kỳ 5:  Tuyên phủ sứ Nguyễn Song Thanh 

 Được làm việc bên cạnh vua hàng ngày

BT- Tháng 7/1828, Triều Nguyễn tổ chức kỳ thi Hương tại 3 trường thi Thừa Thiên, Gia Định và Nghệ An. Tại trường thi Gia Định, một người quê ở làng Thanh Giang, phủ Hòa Đa(1), dinh Bình Thuận thi đỗ cử nhân, đó là ông Nguyễn Song Thanh. Ông bước vào chốn quan trường với chức Hàn lâm viện kiểm thảo. Kiểm thảo là chức quan văn làm việc trong Hàn lâm viện, chuyên trách lưu giữ, biên khảo hoặc soạn thảo văn thư, giấy tờ của triều đình, trật tòng thất phẩm.

                
      Bản Dụ của vua Minh Mạng về việc thành lập Nội Các.    (luutruquocgia1.org.vn)

Một năm sau, tháng 7/1829, Triều Nguyễn thành lập cơ quan Nội các, là nơi vua Minh Mạng duyệt và tham vấn các ý kiến về các văn bản như chiếu, chỉ, chế, dụ, cáo sắc mệnh…(như Văn phòng Chính phủ hiện nay). Ông Nguyễn Song Thanh cùng một số cử nhân quê từ Quảng Bình vào Gia Định, được chọn kiêm Hành tẩu Nội các do “văn học giỏi giang, hạnh kiểm khá khen, chữ viết ngay thẳng, tính toán tinh thông”. Hành tẩu là chức quan nhỏ không có chuyên nhiệm, làm các công việc phục vụ trong các văn phòng ở các bộ, viện, như văn thư lưu trữ hiện nay. Ở đây, ông Nguyễn Song Thanh kiêm thêm chức việc Hành tẩu cơ quan Nội các, tức là hàng ngày được làm việc bên cạnh và phục vụ vua Minh Mạng. Đó là điều mà không ít quan lại triều đình ước muốn.

 Tham gia dẹp loạn khởi nghĩa Lê Văn Khôi

Các tỉnh Long – Tường (Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp hiện nay), An Giang đã lâu không có tin tức báo về Huế làm vua Minh Mạng lo lắng. Tháng 6/1833, ông Nguyễn Song Thanh dâng sớ xin đi dò thám. Vua chuẩn y, phái ông theo đường trạm về Bình Thuận, dùng thuyền nhẹ vượt biển vào trong Nam dò thám tình hình, rồi nhanh chóng mang tin về. Đồng thời, vua cũng phái quan khâm sai triều đình dẫn quân đi thuyền vượt biển vào các tỉnh này, nếu gặp chiến sự thì ở lại hợp sức cùng quan quân địa phương, rồi báo tin về.

Một tháng sau, ông Nguyễn Song Thanh xong việc quay về báo tin, các tỉnh Nam kỳ có biến. Đó là thời điểm xảy ra việc người con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi lãnh đạo binh lính chiếm thành Phiên An (Gia Định), chống lại vua Minh Mạng.

Tháng 7/1833, triều đình Huế tập hợp 3 đạo quân hùng hậu lên đường vào Nam đánh dẹp nghĩa quân. Tháng 12/1833, vua bổ đổi ông Nguyễn Song Thanh làm Cai đội cấm binh, vì lúc đi do thám các tỉnh Nam kỳ, ông có tập hợp được một lực lượng hương binh các làng. Vua cho sung lực lượng này vào quân triều đình đi đánh dẹp nghĩa quân. Khi tham gia dẹp loạn nghĩa quân Lê Văn Khôi, ông chỉ huy binh lính lẻn leo lên thành Phiên An, lấy được những khúc lôi mộc (vũ khí phòng thủ thành) và súng hồng y cương pháo (một loại súng thần công). Thành tích đó được vua Minh Mạng thăng Phó Quản cơ, thưởng 5 đồng Phi long kim tiền hạng lớn, là loại tiền chỉ dùng để ban thưởng mà không có giá trị trao đổi hàng hóa.

Sau đó, vua triệu Phó Quản cơ Nguyễn Song Thanh về Huế, bổ làm Lang trung các bộ Binh, Lại, Hộ, rồi về lại bộ Binh, chuyển đi thự Bố chánh tỉnh Bình Định. Lúc làm Binh bộ Lang trung, ông được vua Minh Mạng ban súng thạch cơ điểu sang (một loại súng cá nhân) và khen rằng, Binh bộ Lang trung Nguyễn Song Thanh xuất thân khoa bảng, xin đi đánh trận, từng cầm súng điểu sang lập công, nên đặc cách thưởng cho, để khuyến khích các quan văn. 

Khi làm thự Bố chánh tỉnh Bình Định, vào tháng 9/1937, ông Nguyễn Song Thanh dâng lên vua tập thỉnh an bàn về việc binh lính giả vờ ốm để được sa thải, trốn tránh đi đánh trận, nên ở các cơ, vệ thuộc tỉnh đến khi điều động thường thiếu quân. Vua bèn chuẩn định, đầu năm binh lính họp hết lại, có người đau ốm thì cho ở lại trại lính, bắt thân nhân bảo dưỡng, không được xin nghỉ về quê.

 Tuyên phủ sứ Hải Tây và sự cố bang giao 

Năm 1836, do sự suy yếu và lệ thuộc của Chân Lạp nên vua Minh Mạng đổi vùng này làm Trấn Tây thành, sáp nhập vào Đại Nam. Việc sáp nhập là chuyện bắt buộc phải làm, vì nếu không, Xiêm La sẽ gây ảnh hưởng lên Chân Lạp và phần đất biên giới phía Nam của Đại Nam sẽ đặt trong tình trạng luôn bị đe dọa, quấy nhiễu.

Tháng 12/1837, ông Nguyễn Song Thanh được bổ nhiệm làm Tuyên phủ sứ Hải Tây, thuộc Trấn Tây thành do đại thần Trương Minh Giảng quản lý. Làm quan Tuyên phủ sứ một thời gian, ông dẹp loạn quý tộc Chân Lạp hậu thuẫn bởi Xiêm La, được vua Minh Mạng trọng thưởng, tăng thêm một phẩm trật, 1 đồng Phi long kim tiền hạng lớn.

Sự thần phục của Chân Lạp với Đại Nam buộc Xiêm La không để yên, phải xen vào. Từ tháng 7/1840 đến tháng 12/1840, liên tiếp xảy ra nhiều sự việc đối với ông Nguyễn Song Thanh. Ông được thăng Bố chánh (không còn thự), trật chánh tam phẩm, vẫn làm Tuyên phủ sứ Hải Tây. Nhưng rồi bị giáng xuống 1 cấp do sơ hở trong quản lý, bố phòng, để thám tử Xiêm La trà trộn vào phủ thành. Tiếp đó, hậu duệ hoàng tộc Chân Lạp nổi dậy tấn công các phủ, huyện thuộc Trấn Tây thành. Ông cùng quan Đề đốc chỉ huy biền binh đánh lực lượng này chạy vào rừng.

Vừa dẹp loạn xong thì một vạn quân Xiêm La tiến đánh phủ Hải Tây. Lực lượng đối phương mạnh, sau vài trận giao tranh thất bại, ông Nguyễn Song Thanh cùng quan Đề đốc đóng cửa thành phòng thủ, chờ viện binh. Đối phương dựng đồn trại vây chặt thành, đóng quân các đường thủy, bộ nhằm chặn cứu viện. Một hôm, quân Xiêm La treo thư ngoài thành, muốn giảng hòa. Ông trả lời việc này không dám tự tiện, phải báo lên quan tổng trấn.          Quân Xiêm La nã súng thần công vào thành làm nhà cửa tàn phá, người dân thương vong và đòi quan giữ thành ra gặp, mới không bắn phá nữa. Để bảo toàn tính mạng quân sĩ, người dân, ông Nguyễn Song Thanh cùng quan Đề đốc phải ra gặp mặt, tạm hòa giải với điều kiện cho Chân Lạp thần phục, cống nạp Xiêm La và Đại Nam. Việc giảng hòa được cấp báo lên Tổng trấn Trương Minh Giảng và chạy trạm đưa tin về Phú Xuân. Vua sai Tổng trấn Trương Minh Giảng đánh dẹp quân Xiêm La, đồng thời phán tội ông và quan Đề đốc, khi có trách nhiệm giữ đất, quân còn 2.000 người, chưa đến nguy cấp mà không giữ vững thành, lại cùng Xiêm La giao hòa. Phải lấy quân pháp nghiêm trị tội, nhưng xét thấy quân binh trơ trọi, không cứu viện, nên cách chức, sung quân để chuộc tội. Sau đó, ông được phục chức Tri phủ(2).

Việc bảo hộ Chân Lạp đến năm 1842 thì vua Thiệu Trị cho bỏ tất cả các chức quan ở Trấn Tây Thành. Đầu năm 1847, quân Nguyễn rút hết về An Giang, chấm dứt một thời gian dài 40 năm (1807-1847) bảo hộ Chân Lạp. Ngay khi quân Nguyễn rút hết về, Xiêm La liền tăng cường ảnh hưởng lên Chân Lạp, đem quân sang quấy phá vùng đất phía Tây Nam của Đại Nam. Vua Thiệu Trị phải vất vả mới dẹp yên. 

Khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha tiến đánh bán đảo Sơn Trà, ông Nguyễn Song Thanh cũng có mặt trong đội ngũ quân Nguyễn phòng thủ mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Tổng chỉ huy Nguyễn Tri Phương cho quân đắp lũy dài ven biển từ Hải Châu đến Thạch Giản, đào hố, cắm chông để bao vây địch. Tháng 12/1859, 600 quân Tây dương đánh Thạch Giản. Tổng chỉ huy Nguyễn Tri Phương được tin báo, phái ông Nguyễn Song Thanh đem 300 quân tiếp ứng, cùng quan quân nơi này cố sức đánh, giặc phải thua. Vua ban khen, thăng chức hàm, thưởng ngân tiền cho người bị thương (16 người), bị chết (5 người) có thứ bậc khác nhau.

 Vĩ thanh

Ông Nguyễn Song Thanh có một đời quan nghiệp kỳ lạ nhất trong các quan lại quê Bình Thuận. Ông là quan lại Bình Thuận có khoảng thời gian làm việc hàng ngày cận kề bên vua; được bổ nhiệm qua 3 Bộ với chức Lang trung: bộ Binh, Lại, Hộ rồi quay lại bộ Binh; được vua ban súng thạch cơ điểu sang (một loại súng ngắn); làm quan ở ngoài biên giới Đại Nam, chức Tuyên phú sứ Hải Tây (thuộc trấn Tây Thành, nay là tỉnh Pursat, Campuchia).

Hiển hách, vinh hoa là thế, nhưng chỉ vì một sai lầm trong quá trình bang giao, ông bị vua cách chức sung quân để chuộc tội, sau phục chức Tri phủ. Từ đỉnh cao quyền lực rơi xuống chỉ còn là chức quan Tri phủ, thì sử sách cũng chẳng để tâm ghi chép lại hành trạng. Cuối cùng, không biết ông sống chết thế nào, khi chỉ biết được vài thông tin ngắn ngủi qua việc mang quân chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. 

Hà Ngân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Bình Thuận xưa làm quan dưới Triều Nguyễn