Theo dõi trên

Nghĩ về “Ông giáo làng trên tầng gác mái”

27/12/2019, 10:12

BT- Nguyễn Thế Vinh, người có thể biểu diễn 2 nhạc cụ cùng một lúc guitar và harmonica khi chỉ có 1 cánh tay, đã rất nổi tiếng trong những năm qua, là một người con sinh ra tại quê hương Bình Thuận. Anh đã từng cho ra mắt tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái”. Tự truyện với 14 chương, 351 trang sách, với sự chấp bút của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, ghi lại những quãng đời đã qua của anh.

 Cảnh ngộ không may và những nỗ lực trong học tập, luyện đàn

Lần theo những lời kể của anh, bạn đọc biết anh sinh ra tại Phú Trinh, Phan Thiết, năm 1970. Anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. 4 tuổi, anh mất cha. 7 tuổi, mẹ anh qua đời, trong một cảnh ngộ vô cùng đau xót. Sống với ông bà ngoại ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận, 9 tuổi, trong một buổi đi chăn bò, anh bị ngã xuống đất từ trên lưng bò. Tay phải anh bị gãy, và một tuần sau, cánh tay ấy bị hoại tử hoàn toàn, buộc phải cắt bỏ. Liên tiếp những biến cố xảy ra trong đời anh, từ thuở còn thơ.

Được sự đùm bọc, nuôi dạy của ông bà ngoại, anh đã phải lam lũ, làm nhiều việc từ nhỏ để phụ cùng ông bà mưu sinh: chăn bò, gánh nước, trồng dưa lấy hạt, trồng khoai, bẫy dông, dạy kèm… và sau này, khi ông ngoại mất, nương tựa nơi dì Bảy, phụ việc với dì, có cả việc đi buôn đường dài.

Sáng dạ, dù hoàn cảnh khó khăn, anh cũng đã thi đậu cùng một lúc 2 trường: Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đại học Tài chính – Kế toán TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 1989, anh đã theo học ngành quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, hệ chính quy, và anh đã tốt nghiệp đại học.

Cùng với việc học, từ năm 11 tuổi, anh mê đàn guitar khi nghe cậu mình đánh đàn. Song, do chỉ có tay trái, việc học đánh đàn của anh vô cùng gian nan. 3 năm thất bại để giúp anh tìm ra cách đánh đàn guitar theo cách của mình: trở ngược bàn tay lên mặt trên cần đàn, gảy bằng ngón trỏ, ngón cái và bấm bằng 3 ngón khác. Đến năm học lớp 12, anh bắt đầu tập hợp âm và sau 2 năm bền bỉ luyện tập, mới đánh thành công. Từ đó, nhiều đêm, anh hòa đàn cùng người bạn của mình. Ngón solo guitar của anh ngày càng nhuần nhuyễn.

Ngoài guitar, anh còn học thổi kèn harmonica. Khi học đại học, những ngày mưa buồn, anh ôm cây đàn ra đánh, rồi mang kèn ra thổi. Ý tưởng vừa tập thổi kèn và đánh đàn cùng lúc đến với anh và anh lao vào tập, hết sức chật vật lúc đầu. Bởi, khi anh thổi kèn thì quên tay đánh đàn; còn khi đánh trúng đàn thì miệng quên thổi kèn. Nghĩ ra cái giá đỡ kèn trong lúc tay đánh đàn, miệng thổi harmonica là một sáng tạo của anh, đến với anh lúc anh gặp khó trong khi chơi 2 nhạc cụ cùng một lúc. Anh lại kiên trì tập thổi và đàn, đồng thời từng nốt rồi mới tập từng nhịp, rồi tập ráp các nhịp với nhau cho hoàn chỉnh một bài hát. Cuối cùng, anh cũng thành công.

Phải thật sự yêu đàn, yêu âm nhạc, phải thật kiên trì, khổ luyện, sáng tạo trong cách đánh mới giúp anh sử dụng cùng một lúc 2 nhạc cụ thành công. Điều mà ngay cả những người bình thường cũng không dễ dàng vươn tới.

 Duyên với âm nhạc

Năm 2003, sau lần gặp gỡ với mấy người bạn quê Bình Thuận, anh ghé vào quán cà phê Văn Nghệ ở đường Lam Sơn, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Từ sự thôi thúc của nội tâm, nhu cầu được trình diễn, anh đã đề nghị với anh ôm đàn guitar  cho mượn đàn, đàn một bài. Người đánh đàn hôm ấy đã cho anh cơ hội đầu tiên trong đời: Anh bước lên sân khấu biểu diễn cho nhiều người xem. Khán giả tán thưởng bởi lần đầu họ được nghe tiếng đàn của người chỉ có 1 tay. Anh tìm thấy niềm hạnh phúc của mình ở đấy.

Anh đã thổ lộ trong tự truyện của mình: “Với tôi, trong rèn luyện nghệ thuật không có sự thông cảm… Tôi luyện tập đàn rất nghiêm túc. Như một vận may, tôi được gặp những tên tuổi âm nhạc lớn ngay trong những bước đầu tiên đến với âm nhạc, được dẫn dắt hết cái duyên này đến cái duyên khác”.

Cái duyên ấy, đầu tiên từ nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch, chủ quán cà phê Văn Nghệ; dẫn dắt đến với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Rồi chú Nguyễn Ánh 9 giới thiệu anh đến với ca sĩ Ánh Tuyết, chủ phòng trà ATB ở TP. Hồ Chí Minh. Ca sĩ Ánh Tuyết đã nghe anh đàn. Và rồi, chị đã đi đến một quyết định. Quyết định ấy, nhẹ nhàng đối với một ca sĩ, chủ phòng trà nhưng lại là một cơ duyên rất lớn đối với Nguyễn Thế Vinh: Anh được đi cùng ban nhạc ATB, đi diễn khắp nơi trên đất nước ở rất nhiều chương trình lớn. Ca sĩ Ánh Tuyết đã có những dòng viết về anh khi hồi tưởng lại ngày anh đến gặp chị lần đầu: “Thực sự thì khi đó anh chơi đàn còn hơi yếu. Tôi lặng lẽ quan sát Vinh và nhận ra ở Vinh có gì đó rất đặc biệt, nó toát ra từ con người Vinh. Tôi nhủ thầm mình sẽ nhận Vinh, hãy trao cho Vinh một sự tự tin vì trực giác tôi mách bảo Vinh sẽ làm được những điều rất to lớn cho cuộc sống này. Tôi quyết định mời Vinh về ATB. Vinh  chơi hay lên mỗi ngày. Điểm mạnh nhất của Vinh là cảm xúc nên âm nhạc của Vinh cũng ngập tràn cảm xúc… Khán giả rất thích Vinh, không chỉ do Vinh chơi guitar và thổi kèn quá hay mà còn ở ý chí, nghị lực và tâm hồn Vinh”.

 Chăm lo cho những mảnh đời khốn khó

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, rồi biến cố dẫn đến phải bị cưa tay, anh đã có những ngày tháng thiếu tình thương của cha mẹ, và có nhiều lúc anh rất buồn. Rải rác ở 14 chương của tự tuyện, người đọc nghe anh nhắc đến nỗi buồn thẳm sâu từ trong lòng. Làm nhiều nghề để kiếm sống, trong đó, anh đã có 3 năm dạy các em học sinh cấp 3 các môn toán, lý, hóa và dạy luyện thi đại học. Cũng chính thời gian này, anh biết hoàn cảnh có những em học sinh rất khó khăn. Anh đã tâm sự trong tự truyện: “Trong quá trình dạy học, tôi không thu học phí những học trò nghèo, mồ côi và khuyết tật. Tôi như nhìn thấy tuổi thiếu niên của mình trong hình ảnh các em, luôn chật vật, đau đáu giữa cuộc mưu sinh và giấc mơ vào đại học”.

Trong anh, mơ ước về một ngôi trường cũng là nơi các em nghèo, mồ côi, khuyết tật trú ngụ, được nuôi nấng, được cho học hành, học lên đại học, có công ăn việc làm, đóng góp gì đó cho cộng đồng luôn là những niềm canh cánh. Năm 2009, anh viết dự án về ngôi trường ấy, với tên “Cơ sở Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương”.

 Ngân hàng Đức tại Việt Nam thống nhất đầu tư cho dự án Trường Hướng Dương 1 tỷ đồng/năm, kéo dài 5 năm. Cùng việc cho mượn 715m2 đất ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương của một gia đình có lòng hảo tâm, Trường Hướng Dương đã được xây dựng trong năm 2010.

Anh Vinh đã đi chiêu sinh khắp các vùng đất khác nhau của đất nước. Anh tìm đến những em khuyết tật, mồ côi… Tìm hiểu hoàn cảnh khoảng 30 em/năm, để chọn lại mười mấy em nhận mới vào trường mỗi năm. Trường nhận các em từ học cấp 2 trở lên. Khi vô Trường Hướng Dương, các em theo học văn hóa ở trường công, đồng thời luyện học nâng cao ở Trường Hướng Dương để thi đại học. Anh đã nuôi hàng trăm cháu tại trường… Anh luôn mong các em khi rời trường, có thể tự lập và trưởng thành. Nhờ những chuyến đi Nhật biểu diễn, anh đã tìm được những người có thể giúp học trò Trường Hướng Dương sang Nhật du học. Đến năm 2017 có 31 em du học tại Nhật.

 Đôi điều đọng lại

Đọc trọn 351 trang, gấp sách lại, tôi lại nhớ về hình ảnh của Nguyễn Thế Vinh biểu diễn trên những sân khấu khác nhau trong nước và nhiều lần ở Nhật, ở châu Âu, Mỹ… Anh vẫn từ tốn trả lời các phỏng vấn của các nhà báo, các kênh truyền hình với một giọng nói hiền hậu, chậm rãi.

Tôi nghĩ mãi về một người sinh ra trên quê hương Bình Thuận, gặp cảnh ngộ khắc nghiệt, vẫn mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực học tập, học giỏi, nỗ lực làm việc kiếm sống, nỗ lực đến với niềm đam mê âm nhạc và được nhiều người lắng nghe, yêu thích. Nghe anh kể chuyện mình, để thấy Bình Thuận chúng ta vẫn không hiếm người giàu nghị lực. Trên đường đời, anh vẫn gặp được những người tốt. Trong số những người tốt ấy, có nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ca sĩ Ánh Tuyết đã cho anh cơ hội đến với âm nhạc, biểu diễn trước nhiều người, để nhiều người biết đến anh; để anh có nhiều mối quan hệ mới. Từ đó, có những người đã có những cách khác nhau, giúp đỡ cho “Cơ sở Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương” của anh.

Anh lại tiếp tục giúp đỡ những em mồ côi, khuyết tật, có chí hướng để các em được ăn ở, học hành, thậm chí đi du học, tự lập và trưởng thành. Đọc những dòng kết của tự truyện, với câu chữ của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, người chấp bút cho những lời kể của Vinh, tôi rưng rưng với những lời giản dị của chị, khi chị viết về Nguyễn Thế Vinh, với món ăn mộc mạc của quê nhà của người Bình Thuận chúng ta: “Vinh ngủ rất ít, làm rất nhiều, suốt 365 ngày trong 1 năm đều như vậy, năm kế tiếp cũng sẽ như thế… Các bạn trẻ lớn lên, đi về muôn hướng, lập thân, lập nghiệp. Vinh vẫn ở lại ngôi Trường Hướng Dương đấy, như mãi mãi ở lại với một lý tưởng mà anh đã chọn… Có những ngày Vinh mệt rũ, nằm trên căn phòng gác mái, chỉ thèm ăn cháo trắng với ít cá khô “theo kiểu Bình Thuận” mua của người quen…”.

Bạn đọc chờ nghe những thành quả tiếp theo của Nguyễn Thế Vinh ở Trường Hướng Dương, thành quả của những lứa học sinh được anh đưa về, nuôi nấng, chăm lo việc học hành. Những ai trong số các em sẽ trở lại Trường Hướng Dương để cùng thầy Vinh tiếp tục chăm lo cho những đàn em kế tiếp?

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ về “Ông giáo làng trên tầng gác mái”