Theo dõi trên

Nghề chụp ảnh lưu niệm: Mưu sinh và yêu cái nghiệp

31/07/2017, 09:03 - Lượt đọc: 18

BT- Không thể phủ nhận một điều là vào những năm cuối thập niên 80, đầu 90 là thời kỳ vàng son, hưng thịnh của nghề chụp ảnh lưu niệm.

                
Ông Lê Minh Dũng đang chụp ảnh cho khách.

Đỉnh cao…

Học lại nghề từ một người bạn, ông Lê Minh Tuấn (60 tuổi), ngụ KP1 phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết cho biết, ông ra nghề từ năm 1983 với một chiếc máy ảnh chụp bằng phim, giờ thuộc hàng “cổ lỗ sĩ” nhưng lúc đó là rất “oách”. Với chiếc xe Dame 50 phân khối cà tàng, hoặc có khi đi bằng xe lam, xe khách… ông tung hoành ngang dọc khắp các địa chỉ du lịch trọng điểm của Phan Thiết – Bình Thuận lúc đó như: Chùa Núi, Dinh Thầy Thím, đá Ông Địa… Phong trào chụp ảnh lưu niệm lúc ấy khá sôi động, thợ nhiều nhưng du khách cũng đông nên việc sinh sống bằng nghề đã chọn khá dễ dàng, nuôi được 2 con ăn học đàng hoàng, nhiều tiện nghi trong gia đình cũng được sắm sửa. Thấy ông “sống được”, hai người em trai là Lê Minh Dũng, Lê Minh Tâm cũng nối gót, bắt đầu sự nghiệp cầm máy sau đó mấy năm và cả 3 gia đình đều sống ổn định với nghề. Ông Tâm (50 tuổi), kể: “Hồi đó, dịp lễ tết anh em tụi tui chạy rát mặt khắp các điểm, mỗi ngày chụp được 5 - 7 cuộn phim (mỗi cuộn 36 pô ảnh), cỡ ảnh thông dụng là 10 x 15, trắng đen cũng có nhưng khách chuộng ảnh màu hơn. Mỗi tấm ảnh lời được hơn 5.000 đồng, một ngày giao ảnh 2 lần, bỏ túi vài trăm ngàn đồng là chuyện thường”.

Lớp người có tuổi ở thành phố biển này hiện nay cũng đã từng ít nhiều ghi nhận cảnh nhộn nhịp ở bãi tắm Thương Chánh, Đồi Dương, Tháp nước Phan Thiết… vài thập niên trước. Bất luận sáng, trưa hay chiều, tối, từ bãi trên xuống bãi dưới đông nghịt người tắm, vãn cảnh, hóng gió biển và nhu cầu chụp ảnh lưu niệm trước những thắng cảnh nổi tiếng của Phan Thiết là không nhỏ. Một người thợ chụp ảnh dạo khá nổi tiếng, hiện ngụ ở phường Phú Thủy, đã nhớ lại “ánh hào quang”: “Thời đó, một mình chụp không xuể, thường bị khách than phiền, tôi quyết định huấn luyện cho bà xã vốn chỉ biết nội trợ. Chúng tôi đã ăn nên làm ra nhờ nghề”. 

…Và “thoái trào”

Khoảng 5 năm trở lại đây, máy kỹ thuật số rồi điện thoại thông minh với nhiều chức năng, trong đó có chức năng chụp ảnh. Không chỉ chụp cho nhau nếu đi cả đoàn hoặc nhờ chụp nếu chỉ một mình, selfie với camera trước không ngừng được nâng cấp… Trong khi “thượng đế” hài lòng vì nhờ có chiếc điện thoại “bất ly thân” mà có thể “tự sướng” mọi lúc mọi nơi, giảm được nhiều “ngân quỹ” từ việc chụp hình lưu niệm khi đi tham quan, du lịch thì những người thợ chụp ảnh lưu niệm méo mặt vì… ế ẩm. Cả ngày làm việc của họ ở nhiều điểm du lịch thường là  đọc báo, tán gẫu hay lặng lẽ ngồi nghĩ về bao nỗi lo mai kia… bởi số người có nhu cầu nhờ thợ chụp ảnh rất ít. Vì sinh kế, một thời, họ còn chụp ảnh đám cưới, đám tang, sinh nhật… nhưng cũng không dài hơi vì “đa số khách trẻ thường chọn các studio hiện đại”.

                
Ông Lê Minh Tuấn đang đợi khách.

Vẫn không thể rời xa chiếc máy ảnh đã từng nuôi sống gia đình mình mấy chục năm qua. “Kiếm được đồng nào mừng đồng đó”, ông Tuấn nói. Vì lớn tuổi không dễ rẽ sang hướng khác, chụp ảnh là công việc khá nhàn đối với người tuổi cao, thời gian làm việc cũng thoải mái… là những lý do khiến họ ngày ngày vẫn có mặt ở các điểm du lịch. Nhưng thật ra, sâu thẳm trong lòng mỗi người, tình yêu nghề lớn hơn tất cả bởi nhiều nỗi buồn vui, sướng khổ với chiếc máy ảnh  gắn bó với họ tính ra đã hơn nửa cuộc đời.

Hình ảnh những người chụp ảnh dạo cuối cùng đã góp phần giúp cho bức tranh du lịch Phan Thiết – Bình Thuận vừa hiện đại, phóng khoáng nhưng cũng không kém phần thăng trầm.

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề chụp ảnh lưu niệm: Mưu sinh và yêu cái nghiệp