Theo dõi trên

Một sáng đọc Kiều nghe sóng bạc

22/03/2019, 08:49

BT- Tôi đang định viết gì đó như một nhận thức về sự hữu hạn của đời sống con người thì con số mười lăm năm hiện lên ngẫu nhiên, không chỉ là số, mười lăm năm thường dùng như  thói quen để kết cho một giai đoạn trong đời sống con người. Có thể từ thực tế đời sống mà người xưa nghiệm ra nó quá đủ đầy gian truân cho một khúc đoạn người, rồi truyền từ đời này qua đời khác, nó không hẳn là cái kết, là điểm nối giáp vòng của một chu kỳ mà là điểm đánh dấu trong hướng còn mở ra, còn tiếp tục, còn phải sống cho hết kiếp đoạn trường. Cũng có thể thói quen ấy xuất phát từ sự ảnh hưởng của văn học, mà ở ta truyện Kiều đã đi vào đời sống khá sâu xa, cũng vì cái lẽ sống, nếp nghĩ và cả sự tài hoa của Kiều đã ăn sâu vào tâm tư tình cảm, ngôn ngữ, văn hóa của mọi người.

Nếu như trong truyện Kiều Nguyễn Du có đến hai mươi lần nhắc đến từ “mười năm” như một cách nói ước lệ về một quãng thời gian tròn trịa thì ông cũng có đến 4 lần nhắc đến cụm từ “mười lăm năm” như một con số ước lệ đánh dấu cái lẽ hợp tan ở đời.

Lần “mười lăm năm” thứ nhất, Từ Hải vì nghe lời Kiều mà mắc mưu Hồ Tôn Hiến đành chịu chết đứng “Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời” và thân Kiều sau khi rơi vào “tay chơi” quan lớn ấy, chán chê hắn lại gả Kiều cho tên thổ quan. Nghĩ mình “Giết chồng mà lại lấy chồng” quá ê chề nên Kiều đã quyết “Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang”. Nếu câu chuyện chỉ đến đó, “sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan” thì quả mười lăm năm là sự tổng kết thật, câu Kiều thứ 2643 là một dẫn chứng:

“Mười lăm năm bấy nhiêu lần,

Làm gương cho khách hồng quần thử soi”.

(Câu 2643)

Nhưng không, truyện Kiều có tới 3254 câu, vì vậy mà có lần thứ hai, thứ ba, “mười lăm năm” lại là ghi dấu một ngày đoàn tụ sau “Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay”, gặp lại Kim Trọng sau mười lăm năm lưu lạc. Cuộc hội ngộ lạ lùng nơi thảo am của sư Giác Duyên bên bờ sông Tiền Đường:

“Từ con lưu lạc quê người,

Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm”

(Câu 3020)

Và:

“Mười  lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!

Bây giờ gương vỡ lại lành,

Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.

Còn duyên may lại còn người,

Còn vừng trăng bạc còn lời nguyền xưa”.

(Câu 3070 – 3074)

Lần thứ tư, cũng trong cái ngày “cưới” hương đã bay bội phần, sắc đã tàn phai cuối mùa ấy:

“Những từ sen ngó đào tơ,

Mười lăm năm mới bây giờ là đây.

Tình duyên ấy hợp tan này,

Bi hoan mấy nỗi đêm chầy trăng cao”.

(Câu 3137 – 3140)

Cả bốn lần “mười lăm năm” tuy khác nhau về ý nghĩa, về nội dung nhưng đều là lời của Nguyễn Du kết sổ cho đoạn đường mười lăm năm lưu lạc, hết ngập ngụa trong cơn sóng này đến cơn sóng khác.

Xót Kiều tức là xót về cái thân thể, tâm hồn ẩn dụ lớn lao của một dân tộc! Đau cho Kiều bao nhiêu thì cũng đau cho xã hội bấy nhiêu. Các vấn nạn của con người bây giờ không chỉ xoay quanh chữ hiếu, chữ trinh, chữ thiện, chữ ác, con người ngày nay đang đối mặt từ nhiều phía với các thủ đoạn lừa lọc, ám hại nham hiểm, tinh vi hơn nhiều, bởi vậy mà sáng nay đọc lại truyện Kiều tôi như đang nghe sóng bạc tràn lên “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Càng ngẫm về cái ước lệ “mười lăm năm” của Nguyễn Du rồi liên tưởng đến đời sống  càng thấy thân phận con người mong manh quá đỗi.

Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một sáng đọc Kiều nghe sóng bạc