Theo dõi trên

Lễ hội Dinh Thầy Thím năm 2019

14/10/2019, 17:26 - Lượt đọc: 78

BTO- Hàng năm tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi lại long trọng tổ chức Lễ hội văn hóa du lịch Dinh Thầy Thím vào rằm tháng 9 âm lịch, năm nay lễ hội kéo dài từ 12 – 14/10, diễn ra vào dịp kỷ niệm 24 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10).

Lễ hội Dinh Thầy Thím là dịp để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ công đức của Thầy Thím với những gì đã làm cho vùng đất Tam Tân, đây là một trong 5 lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn bảo tồn, phát triển để phục vụ du lịch ở địa phương. Lễ hội là sản phẩm văn hóa tinh thần được duy trì từ nhiều năm, diễn ra trong không gian văn hóa đặc trưng, thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách hành hương từ mọi miền đất nước về dinh để tham quan, dâng hương cầu bình an, sức khỏe cho bản thân gia đình và xin lộc trong làm ăn kinh doanh được thuận buồm xuôi gió. Thời tiết năm nay khá thuận lợi và ngày lễ trùng vào những ngày nghỉ cuối tuần, nên lượng khách đến hành hương đến dinh khá đông so với mọi năm.

Ngày xưa, ở Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, thường có những nghĩa cử cao đẹp rất được dân làng mến mộ. Vì giúp dân làng dời ngôi đình khang trang thờ thần Hoàng ở làng kế bên về, thầy bị vua xử phạt “Tam ban triều điển”, phải rời làng quê cũ lưu lạc vào làng Tam Tân. Thầy Thím rời làng quê cũ bằng dải lụa vua ban để khép tội chết mà khi đến tay thầy bỗng hóa thành rồng. Thầy Thím cưỡi lên dải lụa rồng ấy mà bay vào phương Nam. Làng Tam Tân trở thành nơi dừng chân của nhà đạo sĩ có tài và chuyên giúp dân lành. Thầy dùng phép thuật để chữa bệnh, đóng ghe thuyền cho ngư dân, trấn áp bọn gian thương để cứu giúp dân nghèo… Công đức của Thầy được truyền tụng trong dân gian, gợi mở những điều tốt đẹp và lương thiện trong đối nhân xử thế cho đến ngày nay.

 

Dù chỉ tìm hiểu về Lễ hội Dinh Thầy Thím qua phương tiện truyền thông nhưng du khách nước ngoài đã háo hức tìm đến với lễ hội, để chứng kiến các nghi lễ dân gian độc đáo, cảm nhận về các giá trị tích cực của truyền thống nhân văn “uống nước nhơ nguồn” cũng như giá trị tâm linh đang được gìn giữ, bảo tồn.

Ngoài các nghi lễ dân gian truyền thống như lễ nghinh thần, rước sắc phong và bằng công nhận di tích, lễ nhập điện an vị. Người dân địa phương và du khách thập phương còn tham gia, cỗ vũ các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc trưng xứ biển, qua các phần thi kéo co hấp dẫn mang lại tiếng cười, reo hò từ người xem. Hay hội thi làm bánh chưng, bánh đòn…với kỹ thuật gói điêu luyện của các đội thi để cho ra những chiếc bánh bảo đảm tính thẩm mỹ đẹp mắt; thi khiêng thúng ra khơi, gánh cá và biểu diễn lân - sư - rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình ca múa nhạc, tạp kỹ với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ từ TP.Hồ Chí Minh.

Thông qua lễ hội khách giúp khách hành hương thỏa mãn nhu cầu tâm linh trong đời sống tinh thần, củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ… Lễ hội Dinh Thầy Thím còn thể hiện nét văn hóa truyền thống gắn liền với tâm linh của người dân Tam Tân. Lễ hội Dinh Thầy Thím đã góp phần quảng bá, thu hút lượng lớn du khách đến với du lịch địa phương.   

H.C – N.L



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ hội Dinh Thầy Thím năm 2019