Theo dõi trên

Ký ức ngày mưa

05/07/2019, 09:00

BT- Ngày mưa. Phải, những ngày mưa ẩm mốc, u ám thường làm cho con người quay vào bên trong mình. Đã vậy mà xe tôi đang lao đi bỗng sựng lại vì bên hiên nhà tôi tối, nước từ mái đổ xuống ròng ròng kia, có một bà đội cái mê lá cũ kỹ đang ngồi bán một rổ sim. Thời này là thời nào mà  có người ngồi bán trái sim?! Chẳng phải những mảnh đất khô cằn, những đồi sim, đồi mua, đồi cây thấp, cây chồi dọc miền Trung này đã không còn nữa sao? Hình như đọc được thắc mắc của tôi bà già chủ động trả lời: “Con tui thả bò trong đất treo đất triết gì đó, nó hái về”. À, là dự án treo. Năm ngàn đồng 1 lon, loại lon sữa bò thường dùng đong gạo. Hai mươi lăm ngàn đồng hết chỗ sim đó. Bà già cười móm mém trút hết sim vào túi ni lông, tay thổ thổ cái rổ, các nếp nhăn dồn lên đôi mắt hấp háy vui.

                
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Những trái sim tim tím, chẳng biết tôi mua để làm gì, con thì lớn rồi, mình thì chắc không có thời gian để ngồi ăn chừng ấy sim. Tôi treo túi sim trên tay lái, lòng cứ bần thần mãi, có gì đó vừa gợi nhớ, vừa gợi thương, vừa gợi lên nỗi niềm xót xa. Túi sim đã làm cho xe tôi đi qua ngõ nhà mình mà không hay. Khi giật mình quay xe lại tôi mới hiểu mình vừa chạm lại cái vùng ký ức tưởng đã khuất lấp đâu đó trong chuỗi ngày “hành quân về cõi chết”, (tới tuổi nào đó tự dưng cái câu định nghĩa sống nghiệt ngã kia cứ ám trong đầu). Tôi mua ký ức, hai mươi lăm ngàn đồng 5 lon ký ức thì thật quá rẻ. Bà già bán ký ức, mà sao bán rẻ vậy, hái biết bao lùm sim, bụi sim mới có được chừng ấy trái?  Bán trái ký ức mà sao cứ như cho không?!

“Đói lòng ăn nửa quả sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương”.

Trường tôi ngày xưa nằm ở Dốc Tỉnh, đi ngược lên một đoạn là Đồi Sim, mỗi lần lên đây chơi chúng tôi hay đọc câu ca dao này, đọc khan khan hoặc là để trêu ghẹo hời hợt những rung động đầu đời của nhau vậy thôi chứ cũng chưa hiểu sâu cái chữ tình chất chứa trong ấy. Những buổi đi chơi ở Đồi Sim thường là vui, cả bọn chí chóe tranh nhau những trái sim chín tim tím ẩn kín trong các lùm lá rậm ri rậm rịt. Có mấy cặp lãng mạn hái tặng nhau mấy cành bông trăng trắng, cánh dày cui, mùi hăng hăng thơm thơm ấy và họ thường nhanh chóng trở thành trung tâm của những câu chuyện chọc ghẹo nhau. Có cô bạn học của tôi, chưa hết ngỡ ngàng vì được tặng hoa thì đã chảy hết nước mắt vì đám bạn thích chọc dai, “Ai biết, đưa thì cầm… chớ không có chuyện đó…”. Dù phân bua mãi vẫn cứ bị chọc tới tới, không chịu buông tha. Mắt đỏ hoe. Hai má ràn rụa nước mắt mà vẫn cứ bị ghép đôi với người tặng hoa xong chạy biến đi ấy, cô bạn tôi tức lộn ruột đòi nghỉ chơi với tất cả và đòi bỏ về trước. Ừ cái “chuyện đó” thời học trò cấp ba nó “trầm trọng” ghê lắm, có hai cô bạn gái rất thân chợt giận nhau ra mặt vì người kia một hôm tan trường có anh chàng cứ “đi theo Ngọ về”. Ôi, một thời học trò, một thời cứ như bầy chim non líu lo mà vô tư lắm lắm!

Là vô tư chuyện đó thôi chứ với các chuyện khác học trò thời chúng tôi “già đời” hơn học trò bây giờ nhiều vì đời sống quá cơ cực, vì đa phần phải “độc lập tác chiến”, tự sống, tự ngoi lên nên ít người vô tư phó mặc cho phép màu đời sống. Chừng ấy tuổi nhưng hầu hết đã “có sạn trong đầu” về việc kiếm miếng cơm trầy da tróc vảy như thế nào.

Mà lúc ấy, cả nước khổ chớ đâu chỉ mình ai. Học trò thời đó như trái sim trái mua lăn lóc gió sương chớ không phải được cha mẹ “cưng trứng mỏng” như bây giờ. Từ lớp 8 tôi đã tự lo mọi chuyện cho mình. Một mình ở trong căn chòi rẫy cũ, đi học trên vai phải có gánh rau lang để bán mua gạo mắm. Những đêm hết dầu đèn phải đốt cây mè khô lên mà học. Sang cấp ba, lên trường huyện, càng kinh khủng hơn, một năm trọ ba chỗ, cảnh ăn nhờ ở đậu không thể nào diễn tả hết được. Lúc nhận được công việc để có tiền mua gạo cứ gọi là mừng hết lớn, học về là lăn ra vẽ mành trúc cho Hợp tác xã thủ công- mỹ nghệ, có ngày chẳng còn sức đâu mà làm bài tập về nhà, sức đâu với vở, với bút. Thời ấy, những bạn có gia đình đàng hoàng, cuối tuần về nhà còn cắp lên được bao khoai khô, chai mắm, cái trứng, (sang hơn mới được vài lon gạo để gọi là khoai độn cơm), còn những đứa không ai nuôi như tôi thì phải tự bơi, tự xử. Sách mượn. Gạo mắm tự lo. Ở đâu, học hành ra sao mặc xác. Lớp tôi lúc đó hầu hết là con nhà nghèo khổ nhưng rơi vào đường cùng như tôi thì cũng không nhiều. Vậy đó mà rồi cũng qua! Cùng tắc biến, rồi ông Trời cũng có cách để ủng hộ cho từng thân phận sống tiếp. Giờ đây, đối với tôi, tất cả những ngày mồ hôi, những đêm nước mắt, những bầm dập một thời áo trắng ấy đã mang lại cho tôi những giá trị trải nghiệm đặc biệt, những cái mốc, cái ngưỡng của thương khó đã chạm, đã qua giúp con người ta mạnh mẽ và nhạy cảm hơn rất nhiều. Một sáng mở mắt ra biết mình còn sống trên cuộc đời này là một hạnh phúc lớn lao, là ơn phước từ tạo hóa và từ các đấng sinh thành. Cảm ơn cuộc đời! Cảm ơn những thử thách đã qua!

Chắc chẳng phải lỗi tại cơn mưa mà tôi lại chìm sâu trong ký ức đến vậy nhưng quả thật khung cảnh trời mưa dễ làm cho người ta mềm lòng. Biết vậy đó để mà quý mà thương cuộc sống này hơn, loay hoay, la cà đâu đó một chút là thấy tiếc thời gian, làm việc gì vô nghĩa là đêm nằm gác tay lên trán dằn vặt chính mình, là giận mình lắm lắm. Bởi khi qua 50, thời gian của người như chiếc đồng hồ đã bắt đầu bấm ngược, sống sao để khi kim đồng hồ dừng lại, môi mình nở nụ cười là được, phải không?!

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức ngày mưa