Theo dõi trên

Không lẽ chỉ còn là nỗi nhớ!

15/08/2017, 08:56

BT- Ngày tôi còn nhỏ, khoảng 5 - 6 tuổi, nhà tôi ở Xóm Biển - Vĩnh Hảo. Nhà gần biển nên anh em tôi thường được tắm biển và thích nhất là lúc nước cạn theo má ra gành bắt ốc. Gành biển quê tôi nhiều ốc lắm. Ốc đủ loại, nào là ốc ngựa,  ốc quắn, ốc gai, ốc vôi… chưa kể những loại ốc lớn khác ở ngoài xa. Ốc bắt về luộc chín, lấy gai lăng châu (gai rừng) hoặc kim băng lể (khư) ra trộn gỏi với lá me non hay xoài sống, hoặc chấm với nước mắm me sền sệt ăn thì ngon tuyệt. Nhà tôi nghèo, ba tôi bị lưu đày biệt xứ ngoài Côn Đảo, bà nội già yếu, má và chị phải bươn chải lo cho cả gia đình, nên anh tôi hơn tôi  5 tuổi vào những ngày nghỉ học anh cũng theo dượng Bảy tôi đi câu (đi biển) để kiếm cá ăn, bữa nào nhiều cá thì cô tôi chia cho ít tiền. Tôi nhớ mỗi chuyến biển về hôm nào có sao biển, san hô mắc lưới, anh thường gỡ những con sao biển nhỏ nhỏ xinh xinh, hoặc mấy nhánh san hô đẹp về cho tôi. Nhưng thằng bé em tôi có chút xíu, mới 3 tuổi mà nó cũng theo giành, là chị nên phải nhường...

                
Ảnh minh họa

Sau này tôi thoát ly, lúc còn ở đội công tác xã Vĩnh Hảo (gồm Vĩnh Tân bây giờ), là tân binh nên rất nhớ nhà, chiều chiều ngồi trên tảng đá bàn nơi đội công tác đóng,  nhìn về làng buồn muốn khóc. Lúc ấy các anh bộ đội đóng quân xung quanh thường đến gặp đám tân binh tụi tôi động viên an ủi. Nhớ lúc đó có anh Dưỡng 490, anh Pha công binh cùng mấy anh nữa cũng đến ngồi cùng. Các anh nói: Vĩnh Hảo quê mình giàu và đẹp lắm phải không các em, có nguồn nước suối dồi dào nổi tiếng khắp nơi, nhưng mà mấy anh vẫn thích nhất là biển, biển đẹp vô cùng. Anh Dưỡng nói, mai mốt hòa bình cho mấy anh về Vĩnh Hảo ở với nghen. Hỏi thăm, biết các anh ở Duồng (Chí Công) tôi nói, biển ở Duồng cũng đẹp mà anh, cần gì phải về Vĩnh Hảo. Anh Pha nói, biển thì nơi nào cũng đẹp, nhưng biển Vĩnh Hảo có nét đẹp độc đáo, nước biển trong xanh, bãi biển sạch kéo dài từ Cửa Sứt (giáp Phước Thể) đến Bực Lỡ rồi kéo xa ra đến giáp eo Cà Ná. Mà đẹp nhất là từ bãi Hàn Nha đến eo Cà Ná, nơi có hai chiếc cầu bắc qua. Tụi anh đêm đêm đi công tác phía ngoài đó mê luôn biển quê em rồi... Biết ngày đó các anh nói là để động viên chúng tôi thôi, nhưng giờ nhớ lại vẫn thấy chạnh lòng. Nay các anh ấy đã hy sinh hết rồi, đâu còn sống để về quê tôi và biển bây giờ có còn sạch, đẹp nữa đâu để các anh về !

Còn nhớ năm 1972 lúc tình hình căng thẳng, địch chốt chặn các ngã đường, lương thực, thực phẩm thiếu trầm trọng. Các cơ quan huyện bị đói kéo dài, gạo chỉ để dành cho các em nhỏ và thương bệnh binh. Nhiều tháng liền phải ăn bắp, ăn củ mì, nhưng đến lúc cũng không còn bắp, mì, phải ăn măng, ăn củ nần. Lúc đó, bắp thì phơi khô lặt hạt rang lên phát mỗi người một lon/ngày. Măng chỉ luộc chấm muối, ăn xong bụng sôi sùng sục, lên võng nằm chúc đầu xuống đất cho nước dãi chảy ra. Nần ăn vào bị say có lần phải cấp cứu cả cơ quan. Nhưng rồi sau đó huyện cũng đã cùng đội công tác Vĩnh Hảo móc ráp được cơ sở bên trong đưa gạo từ Phan Rang vào đến địa điểm phía trong eo Cà Ná. Tối hôm đó một đêm trăng mờ, biển động nhẹ, tất cả các lực lượng đều tập trung nằm ém trong bìa rừng sau lưng các mõm núi nhấp nhô để chờ hiệu lệnh. Thời gian nằm chờ, từ trên sườn núi nhìn ngắm lại quê hương, một bãi cát rộng trắng tinh chạy dài ôm biển, sâu vào bên núi sát đường nhựa là hai chiếc cầu song song nằm xích gần nhau nối đường sắt, đường bộ Bắc Nam, bên dưới là những tảng đá trắng dựng chồng lên cát ôm quanh eo biển xanh ngắt càng tô thêm khung cảnh hữu tình của vùng biển Vĩnh Hảo. Giá mà đêm nay trăng sáng thì cảnh vật này càng tuyệt đẹp hơn. Rồi cũng đến giờ G. một chiếc xe tải chở mấy tấn gạo đã đến điểm tập kết, chúng tôi được lệnh chạy nhanh ra đường quốc lộ để chuyển gạo. Gạo rất nhiều, mỗi bao 50 ký. Mấy anh nam đưa lưng cõng luôn cả bao, mấy đứa nữ phải san ra bớt. Lợi dụng thời gian san gạo tôi chạy qua bên kia đường nhìn cho rõ hơn biển quê mình. Anh Mười Lớn chạy kéo tôi lại nói, tranh thủ mang gạo đi em, đừng qua đó nguy hiểm lắm. Tôi nài nỉ, cho em nhìn chút đi anh… Sau đó chúng tôi cũng chuyển hết xe gạo vào bìa rừng, vào sau lưng các dãy núi, mấy ngày sau chuyển dần hết về huyện. Sau đợt này, cơ quan được ăn cơm trắng mấy ngày, khí thế anh chị em phấn chấn lên. Anh Mười Lớn lại kể chuyện tôi chạy qua bìa đường ngắm biển. Tôi nói, em nhớ lắm, vì hồi nhỏ má em che chòi bán quán cho mấy ghe Quảng vào đánh cá và neo đậu ở bãi Hàn Nha, có nhiều lần em theo má  rồi ngủ luôn trên bãi biển. Sáng ra em thường chạy dọc bờ biển hò hét rượt đuổi theo mấy con còng gió, hoặc chạy lên động cát hái trái ma dương, cam đường ngọt lịm mà ăn, thích lắm, em nhớ lắm anh Mười ơi! ...

Cơ quan Huyện ủy Tuy Phong lúc đó cũng có nhiều người cả nam lẫn nữ, nhưng có bốn đứa con gái thân nhau nhất, đi công tác đâu về tụm lại là huyên thuyên, ồn ào không dứt chuyện, nên mấy chú, mấy anh chị cơ quan gọi là “tổ bồ chao”. Có người văn vẻ hơn lại đặt thơ: Trên rừng xanh có bốn nàng con gái / Nam, Lệ, Khải, Lài, ôi tình bạn đẹp sao... Có lần anh Tình ở đội  Liên Hương lên huyện công tác, ăn cơm xong ngồi nói chuyện chơi, anh hỏi hòa bình về mấy đứa thích sống ở đâu? Tôi với Lài nói về quê mình chứ đi đâu anh. Còn Khải (Bình Thạnh), Lệ (Liên Hương) thì nói muốn bốn đứa ở chung một chỗ. Anh Tình hỏi, vậy bốn đứa muốn ở đâu? Tôi nói trước, nếu bốn đứa còn sống tụi em sẽ về Vĩnh Hảo cất nhà ở chung trên mõm núi chỗ gần eo Cà Ná để sáng sáng nhìn ngắm biển và hít thở không khí trong lành từ trên cao; chiều về ngồi nhìn xe chạy, ngắm mấy đoàn tàu uốn lượn qua cầu sắt. Cả bốn đứa cùng nhao nhao lên đồng lòng, nhưng Khải và Lài muốn cất nhà phía biển, tôi với Lệ thì thích bên hướng núi. Lài nói đi kháng chiến ở trên núi đã rồi, hòa bình về phải xuống biển, ở gần biển mới hít thở không khí trong lành được chứ. Anh Tình nói vậy cho anh về ở với tụi em luôn nghen. Hứa, móc quéo luôn! Nếu anh em mình còn sống thì sẽ về cất cái nhà 5 tầng trên mõm núi chỗ eo Vĩnh Hảo - Cà Ná cùng ở, đứa nào thích đi biển thì cho ở tầng dưới. Tụi tôi lại đồng thanh nói, cho anh Tình ở tầng cao nhất, dưới này tụi mình nấu cơm ăn, nếu ảnh xuống không kịp thì cho nhịn đói luôn. Mấy anh em nói chuyện cười vui vẻ suốt buổi tối hôm đó… Chỉ là nói vui chơi vậy thôi, nhưng hòa bình 5 anh em đều đã trở về. Nhưng cuộc sống sau chiến tranh đâu thể như mình mơ ước, mỗi người đều có gia đình và công tác khác nhau. Hiện nay tôi với Lệ, Khải không về quê, anh Tình về công tác và sống ở thị trấn Liên Hương cho đến khi bị bệnh và mất. Duy chỉ có Lài là về sống đúng cái nơi mà nó ao ước, nó đã cất nhà ở hướng biển Vĩnh Tân - nơi mà bây giờ đang dậy sống vì môi trường. Tụi tôi cũng không biết nên vui hay buồn cho nó và cũng không biết nó có được ổn định để sống lâu dài trên chính quê hương mình nữa không! Vì nghe, đâu đâu trên đất Vĩnh Tân cũng đã, đang và sẽ bị giải tỏa để nhường đất “rước nhiệt điện về”. Đã có nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4, 4 mở rộng, rồi bao nhiêu nữa cũng chẳng ai biết được. Chỉ biết rằng người dân Vĩnh Hảo (gồm Vĩnh Tân) trước kia nghèo lắm, mọi nguồn lực đều dồn hết cho kháng chiến. Nhưng tiềm năng, rừng, biển quê tôi rất giàu và sạch - đã nuôi sống biết bao thế hệ người Vĩnh Hảo và những vùng lân cận… Còn nhớ tết năm 1967, bộ đội từ tỉnh, huyện về tổ chức “ăn tết” với đồng bào. Có anh cán bộ lên chúc tết và tặng mấy câu thơ: “Vĩnh Hảo cằn khô đã bao đời / Xuân về đất Vĩnh vẫn xanh tươi / Chất Xuân cách mạng truyền nhau bước / Ý Đảng lòng dân đẹp sáng ngời”… Từ ngày giải phóng đến nay đời sống nhân dân tuy có khá hơn, nhưng cũng chưa giàu có gì, cả Vĩnh Tân từ khi chia ra từ Vĩnh Hảo; Lài cũng vậy, nó vẫn nghèo. Mặc dầu vậy, nó và bà con quê tôi chẳng ao ước gì hơn là có một cuộc sống ổn định vươn lên làm giàu từ chính tiềm năng của quê hương mình. Muốn có không khí trong lành để thở, có con tôm, con cá sạch để ăn; có một môi trường sống tốt để khỏe mạnh mà lao động chăm lo cuộc sống gia đình và bảo vệ tương lai lâu dài cho thế hệ con cháu mai sau (kể cả môi trường xã hội). Và mong muốn lời người cán bộ chúc tết dân tôi trên 50 năm qua (1967 - 2017), nay vẫn còn nguyên giá trị.

Không lẽ những ước muốn bình thường giản dị này “sẽ chỉ còn là nỗi nhớ!”.   

 N.T.H.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không lẽ chỉ còn là nỗi nhớ!