Theo dõi trên

Khi trang viết đẫm tràn đời sống

16/06/2017, 09:26

BT- Anh biên tập Báo Bình Thuận cuối tuần hỏi tôi một câu: “Viết đông viết tây sao không viết gì đó cho quê nhà?”. Tôi khựng lại tự vấn trước câu hỏi ấy khá lâu. Tôi vẫn đang viết văn, vẫn đang lấy bối cảnh quê hương cho bao nhiêu truyện ngắn, bao nhiêu tiểu thuyết đấy thôi... Tôi vẫn đang viết những bài báo về người và đất Bình Thuận đăng trên các báo khắp nơi đấy thôi... Viết xong một tác phẩm bao giờ tôi cũng ghi cái câu quen thuộc “Chân núi Tà Cú, ngày tháng năm”, tức là một cách để quảng bá cho nơi mình đang sống đấy thôi...

                
      
Tổng Biên tập Báo Bình Thuận Lê Hồng Văn    (đứng thứ 3 bên phải sang) trao đổi với cộng tác viên nhân ngày    21/6. Ảnh: Lê Thanh

Nhưng quả thực câu hỏi của anh biên tập đã xoáy vào tôi bao nhiêu điều cần phải tự trả lời cho chính mình. Như thế nào là “viết gì đó cho quê nhà”? Làm cách nào để có những trang viết mang đậm mùi biển mặn đắng của quê hương Bình Thuận? Có cách nào đó để cắm rễ sâu hơn nữa vào những vỉa tầng đời sống của vùng đất khắc nghiệt mà cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của mình đây?... Mấy hôm sau, tôi nhận lời với anh biên tập, tức làm cộng tác viên thường xuyên, tức phân nửa quỹ thời gian vốn dành cho văn chương của tôi nay thuộc về những trang báo của Bình Thuận cuối tuần.

Từ đó đến nay, với nhiều bút danh khác nhau, những bài viết của tôi đã đăng trên Bình Thuận cuối tuần nếu gom lại cũng in được quyển sách khá dày. Từ những tản văn, tạp bút ngăn ngắn được bật ra từ cảm xúc dâng trào, không thể không viết ra, đến những ghi chép, ký sự in tràn trang báo lớn. Từ những mảnh đời hẩm hiu, buồn tủi đến những doanh nhân đột phá thành công trở nên nổi tiếng, những con người vượt lên hoàn cảnh khẳng định mình trước cuộc đời. Từ những bức xúc hiện trạng đến những thành tựu đáng ca ngợi, tôn vinh. Từ những mảnh đất heo hút tận cùng cực Bắc, cực Nam tỉnh đến những trung tâm, thị trấn, thị xã, thành phố, từ rừng già đến đảo xa... Tất cả những bài viết ấy đều thấm mồ hôi của những chuyến đi, những ngày thâm nhập thực tế, những tiếp cận, tìm hiểu, lúc cần sự tinh tế, nhẹ nhàng, lúc đòi phải đủ sức lực vượt suối trèo đèo, đội nắng vượt mưa. Bạn bè thấy tôi làm báo ở tỉnh quá khổ như vậy thường nói vui: “Viết được bài ký chạy ba quãng đồng”. Quả đúng như vậy thật! Khổ nhưng vui lắm! Vui phần vì cái kiểu kết hợp của tôi: Làm báo là cách đi thực tế để viết văn tốt nhất.

Có thể những bài viết của tôi đăng trên Bình Thuận cuối tuần trong nhiều năm qua, với ai đó, không giá trị gì mấy nhưng có một điều hiển nhiên vượt khỏi khả năng phủ nhận đó là những dấu ấn trong quá trình tác nghiệp đã mang lại cho người viết. Đó là những cái bắt tay lấm lem bùn đất nhưng nóng rực niềm tin yêu. Đó là những cuộc điện thoại rối rít cảm ơn lúc nửa khuya, khi đứng bóng, hơi vụng về một chút nhưng chân thành, thật thà. Đó là những ánh mắt ắp đầy ngôn ngữ sẻ chia, những giọt nước mắt hạnh phúc, những nụ cười đắng cay... Tự thân những giao cảm, những kỳ vọng, những đồng cảm ấy là một loại giá trị. Tự thân những đột phá, những mảnh đời cống hiến vô tư cho cộng đồng như chính họ mang sứ mệnh thiên sứ, những tiếng nói cần thiết của các phận đời thấp cổ bé miệng, những cách làm ăn hiệu quả cần được nhân rộng... chính là những loại giá trị phải được trân trọng.

Tôi viết những dòng này trong dịp kỷ niệm 21/6, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam không phải để kể lại, để bày tỏ quá trình làm báo của mình hay những thông điệp to tát gì, tôi viết để cảm ơn những thay đổi thầm lặng của bản thân tôi và của cả những bạn đọc quý mến của tôi thông qua việc viết và đọc trên tờ báo thương thuộc của tỉnh nhà: Bình Thuận cuối tuần. Cảm ơn sự nối kết thật cần thiết để tôi có được những trang viết thấm đẫm mùi vị biển mặn, thấm đẫm chất đời sống, thấm đẫm mồ hôi nước mắt của con người và vùng đất duyên hải khổ nghèo quê tôi!

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi trang viết đẫm tràn đời sống