Theo dõi trên

Hương vị biển qua “Xị nước mắm cốt”

21/08/2020, 09:05

BT- “Xị nước mắm cốt” là tên một truyện ngắn của nhà văn Hồ Việt Khuê được ra mắt bạn đọc tháng 6/2020 trên Báo Bình Thuận cuối tuần (số ra ngày 19/6/2020).

                
      Những giọt nước mắm vàng  thơm lừng. Ảnh: Internet

Truyện ngắn này là sự tiếp nối những sáng tác của anh. Đề tài lần này, nhà văn viết về một chuyện tình cảm nhẹ nhàng của đôi cô cậu học trò trung học, với thời gian nhiều chục năm trước đây, cùng không gian ở làng chài với những ngư dân tháng ngày vật lộn với sóng gió trùng khơi và nghề làm nước mắm truyền thống.

“Xị nước mắm cốt” không xác định cụ thể địa danh nào. Song, với lời dẫn dắt trong truyện, trường trung học anh học ngày xưa ở trung tâm thị xã, cách làng anh ở năm cây số. Học sinh đi học thời ấy, có thể bằng xe ngựa, xe lam, xe đạp. Bạn đọc có thể hình dung, nơi anh ở là Phú Hài, một làng chài đã rất nổi tiếng với nghề đánh bắt, chế biến hải sản, đặc biệt là làm nước mắm. Đã có lần, Hồ Việt Khuê chia sẻ với những người bạn rằng: “Ngày xưa, mình cũng đạp xe đạp từ Phú Hài đi năm cây số đến học Trường trung học Phan Bội Châu. Tháng gió bấc là tháng đáng sợ nhất trong năm học vì gió mạnh và ngược chiều về, nhất là ngang quãng đường trống. Gió hốt cát bụi tạt vào mặt mũi, có khi phải nhắm mắt mà đạp”.

Cốt truyện xoay quanh tình yêu còn e ấp của cậu học sinh trung học - nhân vật chính của truyện, xưng tôi - nảy sinh khi được cô bạn gái cho quá giang xe Honda để đến trường kịp buổi học do bữa ấy xe đạp anh bị hư. Từ lần đi nhờ xe ấy, cậu học trò đã có những thay đổi trong suy nghĩ, cảm nhận về hương vị dịu dàng của nước mắm quê hương, sau khi được hít thở mùi hương bồ kết từ mái tóc của cô bạn học ngày xưa; bởi cô bạn ấy là con của một chủ nhà lều nước mắm giàu có ở làng anh. Xị nước mắm cốt chôn dưới đất lâu năm mà cô bạn học tặng cho anh ngày ấy, đã giúp anh vượt qua cơn đau bụng;  anh đã gói cẩn thận, chôn giấu xị nước mắm ấy, như trân trọng giữ gìn một tình cảm quý báu bạn dành cho anh.

“Xị nước mắm cốt” là một truyện ngắn rất giàu chi tiết về nghề làm nước mắm của Bình Thuận. Ở sáng tác này của Hồ Việt Khuê, một lần nữa, bạn đọc thấy được tài quan sát, cảm nhận của nhà văn về một trong những nghề đặc trưng của quê mình. Những chi tiết ấy là: “Thuở đó lều nước mắm còn ở trong khu dân cư… nên quê tôi bàng bạc trong không khí mùi cá mùi mắm đặc trưng của làng chài ven biển. Những trưa nắng nôi đổ lửa… hít thở mùi cá chín đã thành nước mắm thì còn chút an ủi khứu giác và buồng phổi, chớ hít thở mùi tanh tưởi của cá mới đổ vào thùng muối chượp thì chỉ thích… bán nhà đi nơi khác”.

Hồ Việt Khuê đã sống nhiều chục năm ở làng chài ven biển với nghề làm mắm để anh ghi lại những ấn tượng mạnh mẽ trong sáng tác của mình. Đó còn là mùi xác mắm lan tỏa trên đường khi các nhà lều bán xác cá sau khi đã lấy hết chất đạm. Xác mắm ấy được cho vào các bao đệm, chở đi bán cho các nơi làm phân bón. Song, tương phản hoàn toàn với những mùi tanh hôi của công đoạn cá mới bắt đầu muối; mùi của nước mắm đã đủ độ chín lại đậm đà hơn rất nhiều, mặn mòi hơn rất nhiều, và hấp dẫn người thưởng thức trong biết bao nhiêu bữa ăn, trong các gia đình, trong những bữa tiệc, từ bực trung, đến sang trọng, ở các quán ăn, nhà hàng.

Rất nhiều chi tiết của truyện ngắn “Xị nước mắm cốt” của Hồ Việt Khuê là những chi tiết có thật trong nghề làm nước mắm của bà con người Bình Thuận. Anh đã khéo đưa những chi tiết vào trong sáng tác lần này của mình theo những sắc độ khác nhau. Đó là mùi đặc trưng trên tóc, quần áo, trên người của những người hàng ngày tiếp xúc với cá sống, cá chín trong các nhà lều, trực tiếp làm ra những giọt nước mắm thơm ngon cho người dùng. Anh cũng nhắc đến dụng cụ đo độ mặn của nước mắm, (mà có nhà lều gọi là cái ống thủy), để giúp nước mắm làm ra đúng độ mặn, sẽ giữ được độ ngon dài lâu. Anh cũng đã viết về loại nước mắm cốt chôn dưới đất lâu năm mà cô bạn học cùng anh thời trung học đã tặng anh khi anh bị đau bụng.

Cô bạn học con nhà giàu, con chủ nhà lều làm nước mắm, đã dặn anh rằng: “Tôi sẽ tặng bạn một xị nước mắm cốt chôn dưới đất lâu năm. Loại nước mắm này trị đau bụng hay lắm, bạn uống một ly nhỏ là hết đau bụng ngay”.

Đọc đến đoạn này, người đọc có thể liên hệ đến phần Quá trình hình thành và phát triển nghề cá Bình Thuận trong tập sách “Địa chí Bình Thuận” . Trong đó, có đoạn: “Nước mắm cốt để lâu trên 10 năm ngư dân gọi là nước mắm lú. Những người thợ lặn thường uống nước mắm lú để chống lạnh dưới đáy biển; người ta còn dùng nó để chữa các chứng đau bụng, cảm lạnh, trúng gió, ho khan, viêm họng”.

Vậy thì, xị nước mắm cốt để lâu năm mà cô bạn học tặng, sẽ giúp cho cậu học trò là anh ngày xưa bớt bệnh nếu anh uống đúng cách. Nhà văn đã khéo dựng tình huống anh học trò nghe lời bạn dặn nhưng lại bị xây xẩm mặt mày vì uống nước mắm cốt để lâu năm khi bụng đang đói. Đó còn là chi tiết sau khi tặng bạn xị nước mắm cốt ấy rồi, cô bạn không còn lân la trò chuyện, không còn e thẹn cười mím chi khi hai người bạn gặp nhau. Điều đó đã khiến cậu học trò ôm mối ưu tư nặng trĩu trong lòng.

Kết truyện cũng là một điều bất ngờ, một trong những nét đặc sắc riêng của Hồ Việt Khuê, khi anh là một trong những nhà văn có kỹ năng kể chuyện theo loại hình truyện ngắn – kịch hóa.

Giọng điệu tự nhiên, dí dỏm, hài hước là một trong những đặc điểm của nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Xị nước mắm cốt” của Hồ Việt Khuê. Anh đã dẫn dắt người đọc theo những lời kể tự nhiên như khi bạn đọc gặp anh trò chuyện ở ngoài đời. Không ít học sinh trung học trước ngày giải phóng thường có trò đùa tinh nghịch khi gọi người bảo vệ, cũng là người đánh trống trường ngày trước, với cái tên đùa vui, như anh đã dùng lại trong tác phẩm của mình. Ở truyện ngắn lần này, nhà văn cũng đã sử dụng nhiều từ ngữ rất gần gũi với đời sống của học sinh, bà con ngư dân vùng biển quê anh.

Với truyện ngắn “Xị nước mắm cốt”, nhà văn Hồ Việt Khuê thêm một lần nữa, đem lại những điều thú vị đến với bạn đọc. Anh góp thêm một câu chuyện với rất nhiều chi tiết chính xác, đã từng có trong làng nghề làm mắm của Phan Thiết, của Bình Thuận xưa. Bình Thuận đã từng nổi tiếng cả nước về nghề làm nước mắm truyền thống thơm ngon. Dưới ngòi bút của nhà văn, có thể nhiều bạn đọc biết được các chi tiết mà chỉ có người làm nghề nước mắm mới thấu tỏ; và thứ nữa, là những người ở cùng chung xóm làng với những người làm nghề này trước ngày giải phóng mới cảm nhận được phần nào. Song trên tất cả, vẫn là tình cảm nồng ấm, tha thiết của cậu học sinh trung học - nhân vật chính của truyện - với làng chài mà anh đã sống, lớn lên, học hành; cùng với sự mơ mộng yêu thương người con gái đã tặng anh xị nước mắm cốt để lâu năm ngày ấy. Nước mắm truyền thống của Phan Thiết, Bình Thuận dẫu có trải qua thăng trầm, thì danh tiếng đó, vẫn mãi được ghi khắc trong tâm trí của những người con của quê hương Phan Thiết, Bình Thuận với niềm quý thương, trân trọng, tự hào.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hương vị biển qua “Xị nước mắm cốt”