Theo dõi trên

Hướng về đất Tổ

02/04/2020, 10:00

BT- “Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”.

Câu ca dao ấy vẫn được những người con Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ) lập nghiệp tại Bình Thuận khắc ghi và hàng năm đều có các hoạt động tưởng nhớ về cội nguồn. Năm nay, thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp, không được tề tựu bên nhau, nhưng trong tâm khảm của mỗi người con đất Tổ, vẫn da diết nỗi nhớ, hướng về quê hương.

 Nhớ về nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt có từ hàng ngàn năm nay và trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của những người con đất Tổ. Đặc biệt khi rời xa quê hương đến vùng đất mới lập nghiệp, họ không quên mang theo những nét đẹp văn hóa địa phương, với triết lý “Con người có tổ có tông”, để làm điểm tựa tinh thần bền vững, gắn kết cộng đồng.

“Với những người con Vĩnh Phú ở Bình Thuận, ngày mùng 10 tháng 3 được xem như ngày hội lớn để anh em, con cháu từ khắp nơi trong tỉnh hội ngộ, chia sẻ, tâm tình cho vơi nỗi nhớ quê hương, nguồn cội. Dẫu địa điểm tổ chức Giỗ tổ hàng năm không cố định, mà luân phiên giữa các chi hội nhưng luôn đảm bảo đầy đủ nghi thức và sự trang trọng. Sản vật dâng lên vua Hùng có trái cây, hoa tươi, xôi gà và không thể thiếu cặp bánh chưng, bánh giầy. Phần nghi lễ có ôn lại lịch sử dựng nước của các vua Hùng, tưởng nhớ cội nguồn để tri ân công đức tổ tiên, những bậc tiền nhân có công lập quốc. Báo cáo tình hình hoạt động và thành tích của hội trong năm. Sau đó thành kính dâng nén tâm hương lên Quốc Tổ và cầu cho quốc thái dân an, cho đất nước thanh bình, gia đình hòa thuận, tài lộc”, ông Trịnh Quốc Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng hương Vĩnh Phú cho biết.

Riêng năm nay, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, hội đồng hương không tập trung tổ chức ngày Giỗ tổ, nhưng hầu như các gia đình đều làm mâm cơm tại nhà dâng lên tổ tiên. Như gia đình ông Bình, mấy chục năm xa quê nhưng các thành viên vẫn giữ thói quen đến ngày này tập trung đông đủ để nghe ông kể về truyền thống gia đình, dòng họ, để được nghe khuyên bảo về đạo đức, lối sống và thi đua, phấn đấu trong học tập, làm việc.

 Giúp nhau cùng phát triển

Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Bình Thuận là một tổ chức tự nguyện. Ban đầu do ban liên lạc điều hành, đến năm 2005 được UBND tỉnh cho phép thành lập hội. Đến nay có 10 chi hội/120 hội viên. Ngoài nhiệm vụ giáo dục đạo đức, tư cách phẩm chất cho hội viên, thế hệ trẻ là con em trong các gia đình hội viên, xây dựng ý thức trách nhiệm cho con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì hội còn tổ chức các hoạt động khuyến học, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Cụ thể những năm qua, Tỉnh hội và các chi hội rất quan tâm đến đời sống gia đình hội viên. Đó là kề vai sẻ chia ngọt bùi, đắng cay với hội viên lúc ốm đau, bệnh tật, hiếu hỷ hay tang gia. Tặng quà, trao thưởng cho con em khi bước vào năm học mới. Xây dựng quỹ hội hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ thế trong hội đồng hương Vĩnh Phú không còn hộ khó khăn. Tiêu biểu như chi hội Hàm Thuận Nam, có 31 hội viên, nhưng bằng sự cần cù, thông minh, 80% trong số đó đã vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu. Các hộ như ông Vũ Duy Giáp, Vũ Duy Việt, Nguyễn Văn Hoàng, Đoàn Văn Thành, bà Nguyễn Thị Bảy xây được nhà cửa khang trang, sắm sửa vật dụng đắt tiền. Con cái của họ cũng rất lễ phép, học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Ông Trương Quang Huy - Chi hội trưởng tự hào nói, chúng tôi giúp nhau bằng cách cho vay vốn lãi suất thấp, mỗi hộ được vay tối đa 50 triệu đồng. 3 tháng chi hội tổ chức sinh hoạt 1 lần, nhờ đó thuận lợi để các thành viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm sản xuất thanh long, chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi thích hợp.

Giữa một nơi xa lạ, những người con xa xứ lại càng ý thức hơn về nguồn cội, về quê hương đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của cha ông hay mỗi thành viên. Chính sợi dây kết nối ấy giúp họ xích lại gần nhau hơn, sống hòa hợp và chung tay xây dựng quê hương thứ 2 ngày càng phát triển.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng về đất Tổ