Theo dõi trên

Hoa phù dung

01/12/2017, 09:45

BT- Tôi đến Huế như một tình cờ giống như Tĩnh nói: “Nếu không có sự tình cờ, chỉ sống theo sự sắp đặt thì cuộc sống trên thế gian này nhàm chán biết bao nhiêu?”. Tôi yêu em, yêu Huế và yêu cả những đóa hoa phù dung em trồng. Để rồi từ năm đó hoa phù dung đã trở thành một loài hoa kỷ niệm không thể nào lãng quên đối với tôi. Loài hoa ấy được trồng trong vườn một ngôi nhà nằm dưới con dốc của một con đường ở Huế. Một ngôi nhà có một người con gái mà tôi hết lòng yêu thương.

                
Cây hoa phù dung có nhiều tên gọi như sương    giáng hoặc cự sương. Ảnh minh họa.

Ừ, bởi Huế của em lạ lắm. Lạ đến độ như ánh nắng cũng có thể trở thành một bài thơ. Và như mỗi con đường, mỗi địa danh đều đã trở thành một câu chuyện tình, và đã biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn khi đến Huế đã trút lòng mình thành những bài thơ và những bài hát đầy cảm xúc.  Tôi đến Huế của em khi con dốc có hoa phù dung kia đã có rất lâu rồi, em cũng đã trồng biết bao nhiêu đóa phù dung, chúng nở rồi tàn theo quy luật của đất trời. Để rồi lần ghé qua tình cờ tôi đã bị níu giữ chân bởi những đóa phù dung - em đã khiến cho tôi không thể nào rời khỏi Huế của em mà không tìm cách trở lại. Khi chia tay, tôi nói tôi sẽ “Về lại Huế.” Em cười buồn: “Huế có chi vui mà trở lại? Mưa  Huế buồn lắm”. Mưa Huế buồn thì tôi cũng biết. Mưa cứ rả rích cả ngày, mưa cứ làm cho không gian trắng đục một màu thương nhớ. Tôi thầm thì: “Ừ, tại vì mưa nên anh phải trở lại để che mưa cho em”. Em mím môi: “Con gái Huế không thích những người nói mà không giữ lời”.

Đó là lần đầu tiên tôi đến Huế. Cơ quan tôi đảm nhận việc khảo sát các kiến trúc thời Nguyễn dưới góc độ khảo cổ học. Một công việc gần như xa lạ với em. Trong chương trình chúng tôi có 3 tháng đến Huế làm việc. Phần lớn anh em trong cơ quan đều có gia đình nên rất ngại phải đi xa dài ngày, còn tôi thì vẫn độc thân nên khi cơ quan phân công, tôi là người tình nguyện đi, bởi một lý do nữa là tôi chưa hề đặt chân đến Huế bao giờ. Anh em dặn dò tôi: “Nè, Dĩnh có nghe câu này chưa? Học trò xứ Quảng ra thi. Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Tôi trả lời: “Như vậy lần này em sẽ đọc lại câu thơ như thế này: Chàng trai thành phố ra công tác. Công tác xong cô gái Huế theo về”. Anh Hiện - trưởng phòng vỗ vai tôi: “Ra đó kiếm một cô chằm nón bài thơ về làm vợ.” Gần 30 tuổi rồi mà vẫn chưa có mối tình nào thì người ta gọi là... trai ế.

Cuộc hành trình đến Huế của tôi thật ấn tượng. Khi xe vượt qua đèo Hải Vân, trên đèo những vạt cây xanh là hàng loạt chùm hoa màu vàng đồng của một loại cây rừng nở rộ. Tôi lạ lẫm với những lọ mắm sống được bày dọc theo con đường di qua dưới đèo, ngay khu vực Lăng Cô. Rồi Huế hiện ra trước mắt tôi như tôi hằng tưởng tượng, cầu Tràng Tiền với vòm mái uốn cong bắc qua sông Hương nằm sát ngay khách sạn tôi ở không xa. Tôi đã lang thang trong đêm Huế một mình dọc theo con đường ven sông, ngạc nhiên với những gánh hàng rong rất riêng của Huế. Tôi ngồi trong màu vàng Huế đêm kia, ăn tô bún bò Huế mà nghĩ rằng nếu có một cô gái Huế nào cùng dạo chơi với mình trong đêm Huế như thế này thì chắc là rất vui.

Ấn tượng lạ với Huế những ngày đầu rồi cũng trôi qua. Công việc lôi cuốn tôi. Tôi cứ đi đến mọi nơi, phát hiện ra là gần như những di tích Huế đều nằm dọc theo dòng sông Hương. Tôi lại phát hiện ra rằng dường như nước sông Hương chảy rất chậm, có thể bởi những giọt nước trong lòng sông đang nặng tình với thành phố cổ, cho nên chúng cứ níu mình chậm lại trong cuộc hành trình ra biển. Và ấn tượng Huế là em, Hằng Giang.

Hôm đó anh Hiện, người cùng đi công tác với tôi đi Đà Nẵng có công việc, còn tôi lại thích đi lang thang một mình. Tôi gọi điện cho Nghĩa, một họa sĩ đã từng triển lãm ảnh ở thành phố mà tôi có lưu số. Tôi gọi vu vơ vì số điện thoại của Nghĩa cho tôi đã vài năm nay rồi, tôi không hiểu Nghĩa có còn ở chỗ cũ? May mà Nghĩa nghe máy, giọng Nghĩa vui vẻ. Nghĩa chỉ đường cho tôi tới nhà anh. Tôi thuê một chiếc xe gắn máy, theo hướng dẫn mà đi. Đó là con đường mà ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử đã làm những câu thơ: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ. Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên?”. Đến thôn Vỹ Dạ, tôi cứ đưa mắt tìm kiếm những hàng cau của nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhưng tôi không hề thấy một bóng cau nào. Cuối cùng thì tôi đã đến được nhà của Nghĩa, cũng có nghĩa là nhà của Hằng Giang - ngôi nhà đang nở tràn ngập một màu hoa phù dung hồng xinh xắn.

Nghĩa  mở cổng, nói: “Sao mãi đến hôm nay mới gọi điện cho mình? Hôm nay đang bận phải làm mấy tấm panô cho bên ngành văn hóa. Hay là Dĩnh ở lại chơi với Hằng Giang đi. Nó làm việc ở bên bảo tàng đó. Dân bảo tàng gặp dân khảo cổ thì khối chuyện để mà nói.” Ngay phút đầu gặp Hằng Giang, tôi cảm thấy như mình đã bỏ phí bao ngày ở Huế.

Tôi không hiểu có phải vì tôi và Hằng Giang cùng chung sở thích mà có chuyện để nói với nhau không? Nhưng sau đó tôi và em đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Chuyến đi của tôi đã có thêm ý nghĩa vì tôi không còn phải tự mình ghé những hàng ăn Huế trong đêm một mình. Hằng Giang rất hồn nhiên ngồi sau lưng tôi, cùng tôi dạo qua biết bao nhiêu con đường Huế. Có em, tôi mới biết những nhà vườn mang dấu ấn riêng của từng gia tộc, mỗi cây trồng trong vườn đều trở thành thân thiết, cho nên khi chủ nhân của vườn cây qua đời, tất cả cây trong vườn nhà đều phải bịt khăn tang quanh thân cây. Tôi mới hiểu tại sao trái ớt Huế xinh xinh không thể thiếu trong các bữa ăn. Đặc biệt là ngoài những món ăn Huế như bánh bèo, bánh nậm,  cháo lòng, cơm hến... đích thân Hằng Giang đã mời tôi ăn một bữa thịt heo cuốn bánh tráng chấm mắm nêm. Những cuốn bánh xinh xinh được cuộn lại bởi đôi bàn tay trắng ngần của Hằng Giang trở nên ngon lạ. Trái tim tôi bắt đầu chao đảo từ những ngày đi cùng ấy. Ngôi nhà trồng hoa phù dung kia đã trở thành địa chỉ quen thuộc của tôi trong lòng Huế. Nghĩa cười khan khi ngồi uống cà phê với tôi bên vỉa hè: “Con gái Huế yêu ai là chung thủy suốt đời đó nghe chưa?”. Tôi cười cùng Nghĩa trong gió đang về có trộn hương hoa phù dung do Hằng Giang trồng.

 * * *

Tôi hẹn với lòng là sẽ trở lại Huế sớm hơn. Tôi sẽ đưa Hằng Giang theo cùng tôi về thành phố sau khi tôi và em thành chồng vợ. Lời hẹn ấy tôi chưa nói cùng em, dẫu trái tim tôi đã ở lại cùng Huế, cùng em và cùng cả màu hoa phù dung em trồng lâu lắm rồi. Em không tiễn tôi rời Huế ngày đó. Em nói: “Em rất sợ tiễn đưa, vì em không chịu nỗi sự chia lìa’’. Tôi buồn ngồi trong xe, cứ vô tâm ngắm nhìn cảnh vật từng thân quen với mình lướt qua mà nhớ em. Đến độ anh Hiện phải ngạc nhiên: “Yêu rồi phải không nhà khảo cổ?”. Tôi cười với anh mà không trả lời.

Rồi tôi trở lại Huế khi mùa mưa đang vùi trên những con đường. Mưa Huế buồn quá, nhưng lòng tôi vui vì sẽ gặp em. Tôi mang thật nhiều hạt giống hoa cho em trồng. Tôi dự định sẽ ngỏ lời cùng em trong đêm ở quán cà phê nhỏ bên bờ sông - nơi em đã đưa tôi đến lần đầu.

Lạ cho tôi chưa khi trong màu mưa trắng phủ, tôi nhìn thấy vườn hoa phù dung xác xơ. Và nữa, trên hàng cây vào nhà em có những mảnh vải bịt để tang. Tôi đã đến không kịp cùng em. Nghĩa đưa cho tôi nén nhang đã dốt, nói: “Hằng Giang vui lắm vì em đã tìm đến với nó.”

Tôi đã rải những hạt giống định đưa cho em dọc theo đèo Hải Vân. Tôi không hiểu có hạt giống nào cựa mình nẩy lộc cho hoa trên con đèo này không? Nhưng nỗi thương nhớ em trộn cùng cơn mưa Huế ở nơi có hoa phù dung kia với tôi đã là mãi mãi. Với tôi, hoa phù dung mãi mãi nở ở bất cứ nơi nào.                          

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoa phù dung