BT- Cứ tháng một lần, vợ tôi lại gọi điện đặt mấy chục ký gạo từ một đại lý quen ở miền quê ven sông La Ngà. Gạo chỗ nào cũng có, thế nhưng chỉ thích gạo quê, bởi “nó dẻo, thơm, cơm ngọt” dẫu không trắng, bóng như các loại bày bán ở nhiều cửa hàng trên phố, chỉ mấy bước chân là mua được. Mà mỗi lần đặt như thế cũng khá vất vả, cả người bán lẫn người mua. Người bán thì hì hục cân đong rồi mang ra bến xe gởi, còn người mua thì phải trả tiền “ship”, lại phải ra tận nhà xe lấy, xong còn í ới gọi điện xem đã nhận được hàng chưa thì mới yên tâm. Rồi cười vui rộn ràng, dường như chẳng ai nghĩ đến chuyện công cán, lời lỗ.

                
   Ảnh minh họa

Bao người ở phố tự nhận mình là dân bản địa? Chắc hẳn không nhiều. Đa phần xuất thân từ bụi tre, ruộng lúa nên tâm hồn luôn vương vấn về chốn cũ, nơi bao đời nông dân lam lũ trên đồng, làm ra hạt gạo đổi bằng cả gánh mồ hôi, nước mắt mới có được. Và khi lớp con cháu dần lớn lên, vùng quê ấy trong tâm trí phiêu bồng của tuổi trẻ dường như lại quá hẹp, nên vẫy vùng thoát ra khỏi lũy tre làng mà về phố thị thênh thang. Nhưng dẫu tấm thân có lẩn khuất trong con hẻm sâu hút, căn phòng thơm tho đượm mùi thị thành nào đó thì tâm hồn như vẫn bảng lảng giữa chốn quê, trong cái ngai ngái rạ rơm mùa gặt, cái long lanh sương mai nơi đám cỏ sau nhà, vạt khói lam nhòa nhạt triền núi buổi hoàng hôn... Rốt cuộc vẫn đón nhận những thảo thơm cố thổ như tiếng mẹ già ngồi đếm ngày tính tháng gọi đàn con cháu về.

Nhớ hồi còn ở quê, nhà ở ngay gần kho thóc dự trữ của Nhà nước, áng chừng chứa cả ngàn tấn. Một năm mấy bận, từng đoàn xe ùn ùn kéo đến đổ thóc vào, rồi lại hối hả lui tới bốc đi. Bà tôi bảo, người ta chở đi xay gạo cho dân thành phố. Sau này về phố thị, được ăn “gạo kho” mua theo tem phiếu, mỗi lần ngồi đãi sạn bên bể nước công cộng, tôi lại mường tượng về những chuyến xe xếp dài chờ đổ thóc vào kho, và nhận ra cái mùi quen thuộc của gạo phảng phất với mùi kho năm nào mà anh thủ kho vui tính mỗi lần mở ra xử lý kỹ thuật lại cho bọn trẻ đứng ngoài ngó nghía vào.

Vừa rồi về vùng lúa, tôi được nghe anh cán bộ khuyến nông “khoe” địa phương đang chuẩn bị thí điểm mô hình chất lượng cao mấy chục héc ta, sản xuất theo phương pháp sinh học, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập cao cho nông dân và đưa đến sản phẩm gạo “sạch” cho người tiêu dùng. Sự hồ hởi của anh khiến tôi vui lây, dẫu rằng đây mới chỉ là giai đoạn thí điểm, và diện tích dường như quá nhỏ bé so với một nơi được coi là vựa lúa của tỉnh. Và mừng khi thấy rằng, ý thức của người nông dân đã dần chuyển đổi, từ các loại giống có năng suất thấp đến cao; từ chăm bón sử dụng khá nhiều phân, thuốc hóa học chuyển dần sang hữu cơ, sinh học...

Thằng bé con tôi khi nhỏ dễ ăn, thường mỗi bữa chỉ cần cơm và nước mắm cá cơm là đủ. Tôi từ bao năm qua cũng vẫn ăn cơm là chính, vì thế mẹ cháu thương, thường mua loại gạo ngon, hai mấy ngàn đồng một ký cho cả nhà ăn. Mình vô tâm lại bảo “sao mua gạo đắt thế, đằng nào chả ăn vào bụng”, nhưng bà xã chỉ cười và nói: “Đồ ăn mới mắc, chớ gạo có bao nhiêu!”. Và rồi qua thời gian, con trẻ lớn dần, biết ăn thêm những thứ khác, còn tôi thì được cảnh báo về những bệnh liên quan đến đường, trong đó tinh bột là một trong những tác nhân thì lượng gạo tiêu thụ trong nhà giảm hẳn. Lúc đó bà xã lại quay trở lại mua gạo thường để ăn. Mà lạ, gạo này ăn đúng là... thường thật, định quay lại gạo cũ thì chợt một lần đi công tác, nghe lời giới thiệu của anh bạn, tiện xe mua thử vài chục ký “gạo quê” về ăn. Từ đó ghiền đến bây giờ...

Lần này đặt mua, chị chủ đại lý tặng thêm 5 ký gạo mới, nói rằng “ăn lấy thảo”. Khi mùi cơm chín tỏa ra khắp nhà thì cậu con trai miệng đã nhóp nhép. Nhòe trong làn hơi chiếc nồi gang vừa mở, hình ảnh những bữa cơm quê bình dị thuở xa xưa như mờ ảo hiện về.

THIÊN THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gạo quê