Theo dõi trên

Đưa văn hóa về cơ sở !

21/05/2019, 08:33

BT - Phú Quý, những ngày tháng 5 biển chẳng hiện hữu những con sóng giữ. Mặt nước trong veo như hồ, nằm thoai thoải giữa trùng khơi. Lần này, không như những chuyến tàu khác đưa và đón du khách. Trên những con tàu hiện đại ấy, có hành trình của những người làm văn hóa, mang theo những điều yêu thương để đến với biển, đảo tiền tiêu.

Hành trình đưa văn hóa về cơ sở, đưa những điều tưởng như bình thường nhất: văn hóa. Gói gọn trong chuỗi hoạt động đan xen: Triển lãm ảnh, thư viện sách, giao lưu văn hóa văn nghệ, dọn vệ sinh bãi biển… Đảo bình yên, bỗng nhiên sôi động với những con người lạ hoắc. Đã nhiều lần đến, rồi đi với mảnh đất này, nhưng biển đảo vốn như là máu thịt trong dải đất hình chữ S. Dù hôm nay, Phú Quý có thể trong nhịp bước phát triển đô thị. Đi đâu cũng nghe nói về giá đất, bàn về chuyện cò đất, nhà nhà bán đất. Vẫn có một Phú Quý sâu thẳm thiếu thốn về tinh thần, những điều tưởng chừng là rất cần thiết giữa bộn bề cuộc sống.

Chuyến đi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị trực thuộc, đã mang hơi ấm đất liền đến với hải đảo. Khó hình dung, mảnh đất nhỏ bé giữa trùng khơi ấy lại là nơi lưu giữ 11 di tích văn hóa. Trong đó, 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Đền thờ Bạch Mã Thái Giám (thôn Phú Mỹ, xã Ngũ Phụng, Phú Quý) là di tích được công nhận lần này. Nơi đây, từng là minh chứng cho hành trình di cư của các bộ phận dân cư vùng Trung Trung bộ đến đảo Phú Quý khai khẩn đất đai, lập làng vào cuối thế kỷ XVIII. Ngôi đền này là nơi thờ thần Bạch Mã Thái Giám cùng các bậc tiền nhân có công trong việc lập làng, dựng đền ngày trước và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Hiện tại đền lưu giữ nhiều di vật, hiện vật, tư liệu Hán Nôm quý có giá trị về lịch sử, văn hóa. Trong đó có 5 sắc phong của các đời vua Triều Nguyễn phong tặng cho thần Bạch Mã Thái Giám truyền chỉ cho dân làng thờ phụng, cùng với nhiều câu đối, hoành phi, bài vị… “Là người dân Phú Quý, em cũng cảm thấy vui khi quê hương có thêm di tích được công nhận, để thế hệ trẻ thêm tự hào, để những di tích ấy được sống, được gìn giữ và bảo tồn những giá trị lâu đời” - Thanh Hiệp - thanh niên xã Ngũ Phụng cho biết.

“Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, tôi đề nghị UBND huyện Phú Quý, thông qua Phòng văn hóa xã, UBND xã Ngũ Phụng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để Ban quản lý, giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích vào việc giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống của nhân dân và phục vụ nhu cầu tham quan, khám phá, tìm hiểu của du khách” -  ông Võ Thành Huy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết. 

Phú Quý hiện đang là điểm “xanh”, nhưng ở đây nguy cơ về môi trường khi mà lượng du khách đến đảo theo lũy tiến. Hành trình đưa văn hóa về cơ sở cũng mang thêm một thông điệp giữ cho Phú Quý ngày cành xanh hơn trong mắt du khách. Muốn giữ quê hương tươi đẹp, xanh trong thì ý thức cộng đồng vẫn là tiên phong nhất, chính vì vậy vai trò của người dân trong việc giữ xanh, sạch đẹp cho Phú Quý là cần thiết.  “Chương trình đưa văn hóa về cơ sở lần thứ X - 2019, dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có nhiều hoạt động thiết thực như chiếu phim truyện, phim tài liệu, phim 3D, triển lãm ảnh, làm sạch môi trường biển, giao lưu văn hóa văn nghệ… đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, phát triển kinh tế biển, giữ vững quốc phòng và chủ quyền của đất nước. Chương trình đã mang đến món quà ấm áp nghĩa tình cho Phú Quý” -  ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa văn hóa về cơ sở !