Theo dõi trên

Đón Tết Ramưwan ấm cúng tại nhà

27/04/2020, 08:53

BT- Ramưwan là tết cổ truyền quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bà ni. Nhưng năm nay, đồng bào đón tết trong thời điểm đặc biệt, khi cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Dẫu không được tổ chức nhiều nghi lễ quan trọng, nhưng bà con vẫn vui vẻ chấp hành nghiêm các quy định và đón tết tại nhà trong không khí ấm cúng, thân tình.

                
      Nghi thức cúng tổ tiên tại nhà. Ảnh tư liệu

Chuẩn bị đầy đủ món truyền thống

Về thôn Lâm Giang (xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc), nơi có gần 400 hộ đồng bào Chăm theo đạo Bà ni đang sinh sống. Trước đó các tuyến đường, ngõ xóm đều được dọn dẹp sạch sẽ để đón Tết Ramưwan. Tại các gia đình, mâm cúng ông bà, tổ tiên vẫn được chuẩn bị đầy đủ, với những món ăn truyền thống trên bàn lễ. Bà Thông Thị Hoàng cho biết: “Năm nay 3 chị em trong gia đình tập trung cúng một lần, tiết kiệm hơn, thay vì cúng rải ra từng nhà. Mâm cúng vẫn có đủ món mặn, trái cây, bánh gừng, chè và các loại bánh ngọt, tuy nhiên không thết đãi khách nên số lượng bánh, trái làm giảm lại”.

Tại nhà bà Thông Thị Tua, trên mâm cúng còn có thêm đĩa bánh tét, bánh cấp, bánh ít, đều là món truyền thống của người Chăm được gia đình nấu từ chiều hôm trước. Bà Tua chia sẻ: “Tết tuy không được tụ tập đông người nhưng chị em, con cháu vẫn khỏe mạnh bên nhau là mừng rồi. Dịch bệnh này chưa có thuốc đặc trị, nên mình cứ tuân thủ các biện pháp phòng, chống để đẩy lùi nó, như vậy mới yên tâm trở lại sản xuất, làm ăn”.

Còn tại thôn Vĩnh Hanh (xã Phú Lạc, Tuy Phong) nơi có khoảng 500 hộ đồng bào Chăm Bà ni sinh sống, không khí đón tết không náo nhiệt như các năm nhưng cũng rất ấm cúng. Ông Huỳnh Tấn Sinh – Chủ tịch UBND xã Phú Lạc cho biết: Được chính quyền địa phương tuyên truyền, bà con đã nâng cao nhận thức và tuân thủ phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc đông người. Các nghi lễ cúng tại nhà đều được chuẩn bị chu đáo.

Tuân thủ các quy định khi vào thánh đường

Tết Ramưwan diễn ra trong 3 ngày từ ngày 22 - 24/4, gồm nhiều nghi lễ truyền thống nối tiếp nhau như lễ tảo mộ, lễ cúng tổ tiên tại nhà, tháng chay tại thánh đường. Với ý nghĩa để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, người người an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Ngoài ra trong ngày tết còn diễn ra các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, hội thi mang đậm sắc thái người Chăm. Tuy nhiên năm nay ăn tết trong lúc dịch Covid-19, nhiều lễ nghi phải cắt giảm nhưng với đồng bào Chăm theo đạo Bà ni không vì thế mà kém vui.

Sư cả chùa Giang Mâu - Thông Trận cho biết: Vì sức khỏe, vì lợi ích chung của cộng đồng, nên các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đều hiểu rõ và tuân thủ nghiêm các quy định của Chính phủ, của tỉnh để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó dừng tảo mộ tại nghĩa trang; thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại gia đình; đồng thuận dừng triệt để nghi lễ tôn giáo tại các thánh đường; không tụ tập đông người để thết đãi thân tộc, bạn bè, khách mời tham dự. Nghi lễ cúng tại nhà chỉ có 1 - 2 thầy Char thay vì 3 thầy như trước và thời gian cúng rút gọn còn 20 - 25 phút…

Rất mừng là đến ngày 23/4, Bình Thuận không còn nằm trong nhóm nguy cơ cao của cả nước. Sau đó Sở Nội vụ có công văn hướng dẫn tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới phòng, chống dịch Covid-19. Các thánh đường của đồng bào Chăm Bà ni đã mở cửa và tuân thủ quy định mỗi thánh đường không quá 20 người tham gia cầu nguyện. Cùng với đó chính quyền các địa phương đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn các chức sắc thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc, đảm bảo tốt an ninh, trật tự. Nếu có dấu hiệu sốt, ho phải báo ngay với nhân viên y tế để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.  

    
      Bình Thuận hiện có 10 thánh đường, trên 300 chức sắc và hơn 20.000 tín   đồ Chăm Bà ni, sinh sống tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình,   Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh. Đa số bà con có ý thức nỗ lực vươn   lên giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần cùng địa phương xây dựng   nông thôn mới. 

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đón Tết Ramưwan ấm cúng tại nhà