Theo dõi trên

Độc đáo gốm Gọ !

23/04/2019, 08:49

BT- Nghệ nhân Lâm Hùng Sổi ở xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình là một trong hai nghệ nhân nam gắn bó với nghề làm gốm Gọ gần 35 năm ở làng gốm này. Từ năm 13 tuổi ông Sổi đã theo mẹ học làm gốm và giờ nó đã trở thành công việc cũng như nguồn thu nhập chính của ông từ nhiều năm nay. Sản phẩm gốm truyền thống hiện nay chủ yếu làm theo nhu cầu của thị trường, chủ yếu là nồi đất, lò, trả đất, lò bánh, lu khạp…  Nói về kỹ thuật làm gốm, ông Sổi cho biết, vì làm thủ công bằng tay nên để có một sản phẩm gốm rất công phu và qua nhiều công đoạn, từ nhào đất đến nặn tạo hình… Đất sét để làm gốm Gọ được lấy ở khá xa, tận xã Hải Ninh (huyện Bắc Bình). Đất sét đem về ủ nước trong 1 đêm, sau đó nhào đập và trộn với cát được sàng kỹ tạo nên một hỗn hợp rất dẻo và mịn. Mặc dù giờ đã có bàn xoay hiện đại nhưng hầu như người làm gốm Gọ đều dùng bàn xoay đứng. Nó đơn giản chỉ là một bàn gỗ nhỏ, cao tới bụng người. Đây cũng là nét riêng của gốm Gọ, bởi khi tạo hình, người làm gốm cứ xoay mình, đi vòng...

Kỹ thuật nung gốm lộ thiên là một nét đặc trưng hiếm có của gốm Chăm bởi nó mang tính cộng đồng rất cao. Khoảng 3 - 4 ngày bà con mới nung gốm 1 lần. Bãi nung là khoảng đất trống giữa, để đón nắng, gió và nằm gần mương nước. Từ sáng sớm, người gánh, xe chở gốm về đây tập kết để phơi nắng. Nung gốm phụ thuộc nhiều vào gió và nắng, thường vào khoảng 12 giờ trưa thì bắt đầu nung. Giữa cái nắng chan chát, cộng với sức nóng từ đống lửa đỏ rực, ai ai cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn thoăn thoắt tiếp củi, khơi lửa và canh gốm chín. Khoảng sau 1 giờ nung, gốm ở lớp ngoài sẽ chín trước và được lấy ra trước, lần lượt theo từng lớp. Theo nghệ nhân Lâm Hùng Sổi, gốm Gọ ngoài việc nhờ nguồn đất sét tốt, nung đủ lửa thì cách tạo hoa văn cũng khá “lạ”. Gốm sau khi nung vừa lấy ra khỏi lò được rảy lên một loại nước từ trái thị hoặc vỏ hạt điều ngâm, tạo ra những vết loang lấm tấm đen. Cách trang trí này khiến gốm Chăm khác biệt với các sản phẩm gốm khác.

Bà Lư Thái Tuyên, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bắc Bình cho biết: Từ thời các vua chúa đến nay, sản phẩm gốm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình người Chăm. Trung tâm đang lưu giữ và trưng bày hơn 1.500 hiện vật, trong đó có rất nhiều sản phẩm gốm Chăm cổ từ nhiều thế kỷ và các sản phẩm gốm truyền thống sử dụng hàng ngày.

Ngoài tổ chức gian hàng trình diễn làng nghề, trung tâm thường xuyên mời các nghệ nhân đến biểu diễn, hướng dẫn cách làm gốm cũng như tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm tại làng gốm Chăm.

ĐÌNH HÒA



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo gốm Gọ !