Theo dõi trên

Đi “phượt” dễ hay khó?

03/07/2019, 08:54

BT- Đừng tưởng đi chơi mà dễ, nhất là đi chơi dưới dạng “phượt” như lớp trẻ hiện nay. Sẽ rất dễ dàng nếu như cuộc đi chơi ấy được chuẩn bị kỹ càng, cả kiến thức sơ đẳng để xử lý các tình huống xấu lẫn sức khỏe của “phượt thủ”, đặc biệt là luôn cân nhắc trước các cuộc phiêu lưu mà người đi chơi sẽ phải đưa ra quyết định.

                
Du lịch Thác Bà cũng phải cẩn trọng.

Còn nhớ vào thời điểm này năm ngoái, các “phượt thủ” rỉ tai nhau về cung đường đẹp nhất Việt Nam Tà Năng - Phan Dũng (huyện Tuy Phong). Thế là từng đoàn người vào rừng khám phá với tâm thế sẽ chinh phục thiên nhiên hùng vĩ. Nhưng do không nắm vững kiến thức về địa lý của vùng núi rừng này, một “phượt thủ” đã tử nạn ở thác Lao Phào, khiến hàng chục người của các đội cứu hộ chuyên nghiệp ở các tỉnh đã phải mất nhiều ngày mới đưa được thi thể của người xấu số ra khỏi 3 tầng của thác nước này. Vào tháng 4 mới đây, một “phượt thủ” du lịch bằng xe máy cũng tử nạn tại cung đường này khiến nhiều người lo ngại chơi “phượt” vậy dễ hay khó? Hành trình đi “phượt” sẽ đối mặt với những tình huống khó lường trước được, do đó những bạn trẻ phải trang bị các kỹ năng sơ cứu, kỹ năng thoát thân nếu gặp nạn và nhất là khi bị lạc khỏi nhóm.

Tại Bình Thuận, các thắng cảnh ở một số huyện vùng cao, vùng xa đã trở thành địa chỉ để cho nhiều “phượt thủ” muốn thử sức bản thân như hồ Đa Mi, hồ Cà Giây, Mũi Yến... Tuy không hiểm trở như nhiều nơi, song cứ vài ba năm, Thác Bà (Tánh Linh) lại xảy ra những vụ chết người đáng tiếc. Khi thì trượt chân va người vào đá, lúc thì chết đuối do không sành về bơi lội, nhưng thích phiêu lưu. Ngay cả đi tắm ở bãi Đá Ông Địa, mà hàng năm vẫn có người chết đuối. Phải chăng, những người đi du lịch chủ quan, chưa trang bị cho mình những kiến thức sơ đẳng để xử lý tình huống xấu mà vẫn thích phiêu lưu, nên dẫn đến bi kịch.

Cuộc giải cứu đội bóng nhí ở Thái Lan bị mắc kẹt hơn chục ngày trong hang động cách đây không lâu cũng là minh chứng cho những kỹ năng sơ đẳng mà bản thân phải trang bị khi đi du lịch. Những cậu bé còn ở tuổi thiếu niên này cùng huấn luyện viên của mình đi vào hang động để thực hiện một nghi thức nhập tục địa phương. Theo đó, họ sẽ đến một địa điểm nào đó trong hang, mỗi người viết tên mình lên vách đá rồi quay trở lại, nhưng trận lũ bất ngờ đã phong tỏa lối ra của họ. Nếu không có sự tận tâm của những nhà thám hiểm và lực lượng cứu hộ thì số phận của 13 thành viên đội bóng nhí ấy đã kết thúc. Bởi vì họ đã phải uống nước cầm hơi trong suốt 9 ngày trước khi lực lượng cứu hộ phát hiện. Chỉ cần có chút ít kinh nghiệm về quy luật của mưa lũ vùng Đông Bắc Thái Lan, thì sẽ không dại gì luồn sâu trong hang để rồi bị mắc kẹt, gây lo lắng và hồi hộp cho cả thế giới như vậy.

Đang mùa hè nóng bức, là mùa cao điểm để các “phượt thủ” rong ruổi khám phá sự kỳ bí của thiên nhiên và cũng để khẳng định bản thân mình. Vì thế, rất cần một chút tỉnh táo trong quá trình “đi chơi” để khỏi gây ra những bi kịch đáng tiếc như các trường hợp kể trên.

Song Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi “phượt” dễ hay khó?