Theo dõi trên

Kỷ Niệm 75 Năm Ngày Truyền Thống Ngành Văn Hóa - Thông Tin (28/8/1945 - 28/8/2020)

26/08/2020, 09:19 - Lượt đọc: 72

Dấu ấn ngành văn hóa trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

BT- Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đến nay, quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị, khi đội ngũ cán bộ công chức trong ngành văn hóa - thông tin tỉnh đang đóng góp công sức, tâm huyết nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

                
      Sắc màu văn hóa được thể hiện trong các tiết mục văn nghệ dân gian    Chăm.

 Đưa văn hóa, văn nghệ về cơ sở

Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong Tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính phủ đã thành lập Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ đó ngày 28/8 trở thành ngày truyền thống của những người làm công tác văn hóa - thông tin.

Trong chiến tranh, cùng với nhân dân cả nước, hàng ngàn cán bộ, văn nghệ sĩ của ngành văn hóa thông tin đã một lòng vì nước, xả thân ngoài trận địa để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu và sản xuất, làm tăng thêm sức sống tinh thần của quân và dân ta với quyết tâm “Tiếng hát át tiếng bom”. Trang sử hào hùng của dân tộc càng được tô đậm hơn với biết bao mồ hôi và máu của hàng ngàn chiến sĩ văn hóa đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ngành văn hóa thông tin tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Từ chỗ chỉ có vài chục người, hội tụ nhiều nguồn, đến nay toàn ngành đã có trên 370 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đa số có trình độ đại học và sau đại học. Đội ngũ ngày càng trưởng thành về năng lực quản lý, khả năng chỉ đạo và tổ chức các hoạt động. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, phục vụ công chúng. Tiêu biểu các cuộc thi, liên hoan, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, như tiếng hát ngôi sao biển, liên hoan tình khúc Bolero, dạ hội điện ảnh… đăng cai tổ chức cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam. Khai thác vốn nghệ thuật dân gian của các dân tộc thiểu số trong tỉnh để sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên bản sắc riêng trong các chương trình biểu diễn.

Các hoạt động đưa văn hóa, nghệ thuật về cơ sở, mà trọng tâm là phục vụ địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được thực hiện thường xuyên. Trong nội dung biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim lưu động bao giờ cũng có phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…

 Giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa

Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà những giá trị lịch sử, danh lam, thắng cảnh, địa chất, địa mạo trên địa bàn tỉnh được giữ gìn và khơi dậy. Toàn tỉnh hiện có 28 di tích quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích, danh thắng được bạn bè trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến “không thể bỏ qua” khi về Bình Thuận. Đó là Trường Dục Thanh, tháp Pô Sah Inư, vạn Thủy Tú, Suối Tiên, Đồi Cát Bay (TP.Phan Thiết), dinh Thầy Thím (La Gi), chùa núi Tà Cú, hải đăng Kê Gà (Hàm Thuận Nam), Bàu Trắng (Bắc Bình), chùa Cổ Thạch, đình làng Bình An, lăng Ông Nam Hải, bãi đá Bảy Màu (Tuy Phong), huyện đảo Phú Quý…

Vinh dự khi tỉnh ta hiện có 2 di sản văn hóa phi vật thể là nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp (Bắc Bình) và lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú (TP. Phan Thiết) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, năm 2013 loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử của Bình Thuận cùng với 20 tỉnh, thành phố khác trong cả nước đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh vẫn luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, chống những biểu hiện lệch lạc về văn hóa. Đồng thời khơi dậy sức sáng tạo trong đội ngũ những người hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Thục Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ Niệm 75 Năm Ngày Truyền Thống Ngành Văn Hóa - Thông Tin (28/8/1945 - 28/8/2020)