Theo dõi trên

Đất quê sâu nặng đời người

14/11/2018, 09:18

(Đọc thơ “Quê” của Thái Thị Ngân Khang)

BT- Tập thơ Quê của Thái Thị Ngân Khang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành đã gây cho tôi ấn tượng khá mạnh ngay từ những trang đầu viết về mẹ, về miền quê quá đỗi ruột rà… Tác phẩm “Quê”, chỉ mỗi cái tựa đã là một bức tranh mộc mạc, diệu vợi và thiêng liêng. Tác giả lắp ghép những hình ảnh rất cụ thể, đời thường bằng sự biểu đạt đầy cảm xúc đã cho người đọc nhiều liên tưởng, đồng cảm cùng ẩn dụ về những gì đã từng gần gũi, trải nghiệm, thấm đẫm trong đời.

Người mẹ luôn là đề tài “huyền thoại” tuyệt vời cho những trang viết của bất cứ người sáng tác văn học xưa nay. Ngân Khang trải lòng: “Núi cao biển rộng xa gần/ Cũng không bằng một khoảnh sân vườn nhà/ Bao nhiêu bến nước con qua/ Dẫu trong dẫu đục chẳng qua bến người…” (Mẹ). Hình ảnh sân vườn, bến nước ở đây tác giả đã đặt để duyên phận đời mình trong nỗi khắc khoải, đồng cảm từ trái tim người mẹ thương yêu, dù biết rằng cũng sẽ có một ngày: “Hết xuân con lại về thăm mẹ/ Thăm cánh sen hồng nở rộ bàu sen/ Gió là thế, tả tơi là thế/ Hương cứ đầy quanh nhà mẹ chiều hôm” (Nhà mẹ). Rồi lại bồi hồi nhớ đến thời con gái của mẹ ngày xưa: “Quê chồng mẹ sao mà xa quá/ Đi nửa đời người tóc ngả màu sương”. Xa ở đây không phải tính bằng khoảng cách mà Ngân Khang đã sống lại thời khắc của mình khi bước lên xe hoa rạng rỡ, vừa lâng lâng hạnh phúc vừa cảm nhận cái khoảng cách “xa quá” của mẹ, sẽ đi suốt đời người!

Cũng là thân phận “đàn bà”, Ngân Khang viết về “Chị dâu” của mình hay cho ai đó trên đời này: “Thương nhau cũng phận má đào/ Biết đâu đời chị vận vào đời tôi/ Bập bềnh bèo dạt hoa trôi/ Hèn sang nào phải tại người đó chăng”… “Với tôi chị là chị dâu/ Với ai tôi cũng làm dâu, khác nào?”. Rất chân thật, hồn nhiên ở Ngân Khang khi cảm xúc sự biến đổi tự nhiên qua tâm trạng thuần khiết đến với mình đã bật ra những độc thoại tưởng đâu đó cho một không gian xa lạ, nhưng người đọc cũng sẽ thấy sức lay động, bàng hoàng.

Không những thế, với một tình yêu tinh khôi cho buổi ban đầu, cho quê hương mà trong thơ Ngân Khang đã ắp đầy trong câu chữ dung dị, xót xa. Đặc biệt với những bài lục bát rất mượt mà, ngọt dịu. Chẳng hạn: “Chùng chình lỡ một mùa cau/ Chùng chình lỡ một mùa trầu - Trầu không/ Xưa ai mỏi mắt chờ mong/ Giờ ai đời mỏi cả mênh mông đời” (Lời xưa)… Ở đó là hình bóng dẫu quen thuộc, thân thương nhưng được khám phá bởi một tâm hồn hệ lụy với món nợ “quê hương” sẽ không bao giờ trả hết. Những chi tiết nhỏ như thế này: “Tôi thèm quá một lời rao nước vối/ Uống từ xưa mà ngọt đến suốt đời” (Chợ quê); hay là: “Nếu em có về thăm phố biển/ Cho anh gửi theo một chút màu xanh/ Gửi theo em hương đồng gió nội/ Và gửi theo em cả một chút tình” (Em về phố biển).

Tập thơ Quê, với gần 60 bài thơ, phần nhiều viết từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước, tức cách đây gần 20 năm, tác giả Ngân Khang thật quá chỉn chu để coi đây là tác phẩm thơ đầu tay dù từng có nhiều sáng tác thơ, văn được đăng rải rác trên các tạp chí, tuyển tập trong và ngoài tỉnh lâu nay. Tôi chưa từng được trò chuyện với tác giả về văn chương, chuyện đời nhưng ngay từ tập thơ “Quê” này, đã cho tôi nhận ra một điều, chỉ có những tác giả nữ viết về mẹ, về giới nữ mới thật sự “tát cạn” được đáy lòng và bằng cái nhìn tinh tế vắt ra từ nỗi niềm thầm lặng của chính mình. Thật hiếm hoi, trong số rất ít những cây bút nữ ở Bình Thuận, Thái Thị Ngân Khang (Tuy Phong) đã mang đến vườn thơ quê hương một màu sắc mới, phong thái sang trọng và dịu dàng.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất quê sâu nặng đời người