Theo dõi trên

Chuyện chiến khu và con ếch òn

22/03/2019, 08:46

BT- Mỗi người chúng ta mang trong mình ít nhất một quê hương, có khi là thành phố, một miền biển, vùng cao nguyên núi non nào đó. Trong tim mỗi người vẫn đau đáu một miền quê đã ấp ủ, nuôi nấng và vỗ về ta.

Quê hương tôi, xã Hòa Thắng anh hùng, một miền quê cát bỏng, chằng chịt râm rừng, cái ăn, cái sống muôn vàn khó khăn, cực nhọc vì ít mưa thiếu nước. Chỉ với sức người lăn lộn, đào xới trên cát, buộc cát phải cho ra khoai củ, đậu mè. Sau ngày đất nước hòa bình, quê tôi từng bước đổi thay, bây giờ đời sống đã khá hơn nhiều, đường làng ngõ xóm thênh thang, nhà cửa khang trang sạch đẹp…

Tôi đi học ở Sài Gòn, 3 tháng hè về lại thăm nhà, hôm đầu tiên mẹ tôi đã chiêu đãi bữa tiệc bánh xèo với món nhân độc đáo - thịt ếch òn bằm xào với bông thiên lý. Mẹ bảo: Hôm nay có chú tư Đạt là anh họ của mẹ từ Phan Thiết về, trước chú ở đây và đã từng chiến đấu trong những năm kháng chiến, bà con gia đình chú vẫn sống tại đây, riêng chú vì công tác nên ở xa nay về lại thăm quê. Ba tôi cùng chú tư Đạt và hai người bạn ngồi ngay bộ ván giữa nhà, nhâm nhi ly rượu với thịt ếch òn xào bông thiên lý xúc bánh tráng nướng. Chai rượu gạo vừa vơi đi một nửa thì không khí bàn nhậu sôi động hẳn lên, chú tư Đạt chỉ vào dĩa mồi nhậu rồi khề khà bảo: Bây giờ thịt con ếch này chế biến nhiều món ngon, không phải như ngày xưa, ở đây chỉ có hai con ăn được là con dông và ếch. Món bình thường là luộc, nướng và phơi khô. Tháng 4, tháng 5 khi trời đổ mưa đầu mùa, ếch òn mới lên trên mặt đất để bắt cặp đẻ trứng và kiếm mồi ở những nơi có gò mối to. Từng đàn mối từ trong ổ bò ra, bay đảo năm ba vòng rồi rụng cánh bò đi trên cát là mồi ngon lý tưởng cho những chú ếch òn sau mấy tháng trời đùn mình trong cát. Bên cạnh những đồi, những trảng cát cao chạy dài theo những vệt râm rừng, thì cũng có những hồ, bàu, giếng có nước vào mùa mưa và cạn dần khô đáy vào mùa nắng, chỉ có số ít bàu, giếng thật sâu mới còn giữ nước. Trứng ếch bám đầy vào bờ lau, ngọn cỏ bập bềnh trên nước và sau đó từng đàn nòng nọc trồi lên, lặn xuống lăng xăng ven bờ, để rồi mai đây mọc chân, rụng đuôi lên bờ làm một cuộc hành trình duy trì sự sống và giữ lại dòng giống trên cái vùng cát khô khắc nghiệt này.

Bản năng sống của loài vật là vô cùng, khi cây mưa cuối mùa vừa dứt thì ếch đã về những vùng thấp còn nước, đến khi nước ở đó vừa khô thì ếch bắt đầu đào hang để núp. Cách đào hang của ếch òn cũng hết sức độc đáo, ếch ngồi ngữa dùng hai chân sau búng đẩy cát lên trên, còn thân hình thì từ từ tụt xuống cát, đến một độ sâu nhất định khoảng 3 đến 5 tất, khi cảm nhận được độ ẩm cần thiết thì ếch dùng nước bọt của mình phun ra làm thành một tấm màn che ở phần trên đầu để chống cái nắng khô trên cát chờ mùa mưa sang năm. Bắt ếch ngày trước có nhiều cách, mà rộ nhất là vào đầu mưa lúc ếch lên bắt cặp và đẻ trứng, cái bắt, cái ăn thời chiến cũng khổ hơn bây giờ nhiều. Lớp phải cảnh giới đề phòng địch phục kích, lớp phải tìm đúng nơi có nhiều ếch để bắt, khi bắt được rồi cũng chỉ có luộc hay nướng xé thịt chấm muối ớt để ăn lấy chất đạm. Được nhiều thì lấy khạp quậy nước muối rồi đổ ếch vào ngâm một đêm, sáng ra con ếch vừa sạch nhớt vừa được thấm muối, lấy dây xỏ đem phơi hay bẻ lá cây trải ra trên cát rồi đổ ếch lên trên, được năm bảy nắng thì tom lại để dành làm thực phẩm dự trữ. Thời đó dân bị dồn đưa vào Bàu Ốc, Lương Sơn, bám trụ chỉ còn các đội công tác và du kích địa phương, khó khăn nhất là nước và lương thực. Dân ra cát trồng mì, bắp, đậu, khoai, đến khi thu hoạch đều để lại một phần cho bộ đội, còn gạo thì phải liên hệ với cơ sở để đến đêm vào ấp nhận tiếp tế. Khổ nhất là nước uống và tắm giặt, mỗi lần đi bàu lấy nước cũng giống như một trận đánh, một trận hành quân. Đi luồn trong râm để tránh bị phát hiện, đến gần bàu và địa điểm lấy nước đã được chọn trước, chia quân quan sát điểm lấy nước suốt từ trưa đến chiều muộn thật kỷ mới bắt đầu xuống lấy và đi về trong đêm. Đồ đựng để lấy nước chỉ là cái bòng cột dây đeo trên lưng, bên trong bòng dùng tấm ny lon xếp lại làm 6, để vô trong rồi đổ nước cho đầy xong cột túm miệng mang về cứ. Tại cứ thì dùng loại mái sành 6 vú hay thùng phuy 3 niềng, đào sâu cát đặt xuống dưới để đựng nước để dành, trên miệng cột bao ny lon, chặt cây nhỏ sắp lên trên rồi lấp cát lại. Mỗi tổ, toán đều phải để dành nước kiểu này, người thì không biết nước ở đâu nhưng chuột và sóc thì lại biết rất rõ, mùa nắng mở mái lấy nước, lông sóc nổi lềnh bềnh, vớt ra đem bỏ, nấu sôi nước 3 ngày uống vẫn còn mùi nằng nặng. Chuyện tắm giặt cũng lắm nhiêu khê, có chuyện tắm khô nghe kể mà thấy ngùi ngùi. Có những trận mưa bay, tắm trần không đủ nước, phải rung thêm trên tán lùm cây để có thêm nước mà kỳ cọ. Nói chung tinh thần là phải vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cho đến thắng lợi cuối cùng.

Nghe chú tư Đạt hào sảng kể lại một thời oanh liệt của chú cùng đồng đội và nhân dân bám trụ chiến đấu trong những điều kiện ngặt nghèo, tôi càng thấm thía và yêu hơn miền quê hương bom đạn nhọc nhằn của mình. Hôm nay,  bữa tiệc bánh xèo với nhân ếch òn xào bông thiên lý dường như cũng đậm đà hơn, để nhớ về một thời gian khổ.

Nguyễn Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chiến khu và con ếch òn