BT- Má tôi buôn bán ở chợ đã mấy chục năm nay. “Sự nghiệp” bán buôn của má dài hơn tuổi đời của tôi hiện tại. Má bán đủ thứ từ đồ ăn vặt cho con nít, như bánh ram, bánh ít đến món ăn sáng dân dã là bánh ướt, bún mắm. Những cô chú trên đường ra đồng cũng không quên tạt vào quán nhỏ của má mua dăm cái bánh chưng, vài chén bánh bèo ăn thêm sau bữa sáng mà người dân quê tôi hay gọi ăn “nửa buổi”.

Má hay bảo tôi rằng: “Bán buôn đắt ế là chuyện thường!”.

Những năm mưa thuận gió hòa, hay nói theo kiểu người nhà nông là những năm “trúng mánh”. Má nói “Trúng mánh” nghĩa là gieo lúa, lúa được mùa. Tỉa bắp, bắp sai hạt. Tưới cà, cà trổ đều bông. Nuôi gà, nuôi vịt, nuôi bò... nuôi con nào cũng được trời thương, trời giúp. Nên, cuối năm người dân làng mình sẽ bội thu. Nếu bội thu mà hàng hóa được giá nữa, thì cả làng vui. Vui thì ai cũng ham làm, cực đến mấy cũng ham làm. Ai cũng làm, thì má sẽ bán được nhiều hàng, cho nhiều người. Má tôi bán đắt!

Nhưng chuyện ghét thương của người còn không quản được, huống hồ lại là của trời. Đầu năm này khô hạn, đồng ruộng nứt nẻ. Mùa mưa vừa tới thì bão lũ lần lượt kéo về, vụ mùa không kịp thu. Người xung quanh ai ai cũng khổ. Khổ thì phải tiết kiệm, cho năm sau, cho năm sau nữa. Khổ thì hạn chế thứ này, thu hẹp thứ kia. Khổ thì ăn ít đi một chút, mua bớt đi một chút. Khổ thì má khổ giống mọi người. Khổ thì, má bán ế.

Nhưng dù bán “đắt” hay “ế”, mỗi ngày má đều có thói quen giữ lại một ít hàng hóa để cho đi.

“Cho những đứa nhỏ, khổ hơn mình”. (Chữ mình theo lời má, nghĩa là: Khổ hơn nhà của chúng tôi).

Từ nhỏ, tôi đã định nghĩa được thế nào là những đứa trẻ “khổ hơn mình” bằng phép so sánh. “Khổ hơn mình”, là khi má dặn tôi không được đi “dang nắng”, còn mấy đứa trẻ khổ thì đầu trần, chân đất, mang theo cả gùi phân trâu, phân bò nhặt được ở sau lưng. “Khổ hơn mình”, là khi tôi được ở nhà chơi banh rổ, chơi nhảy dây thun, còn mấy đứa kia mệt lử, mệt lả, dừng từng nhà chìa túi xin từng lon gạo, chai nước. “Khổ hơn mình”, là  khi tôi ranh mãnh, cố tình cắt cho đứt dép, năn nỉ đôi dép mới từ má, thì mấy đứa kia nài nỉ xin tôi những đôi dép cũ, để sửa lại mà mang. “Khổ hơn mình”, là khi, tôi ngán lắm những món bánh còn dư từ đôi giỏ bội của má, còn mấy đứa kia nhận bánh từ má bằng đôi mắt long lanh, gương mặt rạng ngời.

Và  “khổ hơn mình”, là cách má dạy tôi biết rằng, tôi còn may mắn hơn bao đứa trẻ khác.

Má tôi chẳng giàu có, tôi nhớ mình đã ao ước rất nhiều thứ, và má nợ tuổi thơ tôi những lời hứa, “sau này”, “hôm nào”, “khi nào” ... má mua cho nha, má làm cho nha. Nhưng má tôi vẫn chọn cách cho đi khi có thể. Tôi từng ngây thơ hỏi má: “Sao má cho mấy đứa đó hoài vậy má?”. Má thường đáp là: “Cho đi con. Nhìn thương lắm”.

Sau này đã lớn, mỗi lần về nhà với má, tôi vẫn bắt gặp mảng ký ức năm nào. Má vẫn cho, nếu còn thứ gì trong giỏ sau buổi chợ. Và bọn trẻ lạ ở đâu đấy, vẫn thường ghé thăm nhà tôi, gởi lại má tôi những nụ cười, và mang đi vài thứ bánh. Những loại bánh có giá tiền nhỏ, rất nhỏ, với nhiều người, nhưng không phải tất cả mọi người, trong đó có má tôi, có tôi, và có nhiều đứa trẻ nhỏ, “khổ” hơn tôi.

Những ngày qua, miền Trung quê tôi đang oằn mình trong cơn mưa lũ. Trời vẫn không ngừng trút nước. Nước sông vẫn không ngừng dâng cao. Những trận sạt lở nối tiếp diễn ra đau thương chồng chất. Những cơn bão lớn lại tiếp tục đổ về. Và, khúc ruột miền Trung chỉ còn lại tiếng khóc, gởi trời cao.

Trời cao không thấu, nhưng lòng người các nơi đều thấu. Người dân cả nước đồng lòng một dạ hướng về miền Trung. Mấy bữa nay nghỉ bán má gọi điện thoại nói: “Bão về, chỗ mình mưa suốt. Má với các cô chú xóm mình gom được ít quần áo, giày dép, sách vở. Má lên chùa phụ thầy làm chút quà, gởi miền Trung. Mấy đứa nhớ cẩn thận nha”. Tôi nghe xong mà lòng nghẹn.

Nhiều bạn bè tôi trong đoàn thiện nguyện nối dài theo dòng người chuyến xe cứu trợ hướng về vùng bão lũ. Trời không thương, nhưng người dân mình vẫn thương nhau. Mong người dân miền Trung sẽ mạnh mẽ, kiên cường, chiến đấu đến cùng với cơn bão dữ. Dẫu nỗi đau vẫn ở đấy, khó khăn là trùng trùng điệp điệp, nhưng tình thương cả nước sẽ sưởi ấm miền Trung. Những con người cần cù, chất phác, trên mảnh đất hẹp nằm giữa 2 đầu Tổ quốc, sẽ  mạnh mẽ dựng lại căn nhà, lắp lại mái tôn, nuôi lại con trâu, con gà, đốt lại bếp lửa ấm.

 “Đời vui đó, tiếng ca đoàn kết

Ta nắm tay nhau xây lại đời ta”.

Uyên Thư



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho đi