BT- Khi đọc hai câu thơ trong bài Nhớ quê của nhà thơ, tiến sĩ Phạm Quốc Ca: “Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá/ Con bò gầy rút từng sợi mùa đông”. Lòng tôi xúc động, bồi hồi nhớ đến quê hương mình, nhớ một khung cảnh nhà quê nghèo trong chiều mùa đông buốt giá, cỏ cây khô cằn trụi lá, cánh đồng nắng hạn; nơi tôi sinh ra, lớn lên cũng có cái gì đó hao hao như quê hương của thầy giáo vậy. Tôi lớn lên cùng với ruộng đồng và rơm rạ; trừ anh hai và tôi sinh trước 1975 là có giấy chứng sinh, ghi đúng ngày, đúng tháng của một nhà hộ sinh trong tỉnh. Bảy đứa em còn lại sinh sau 1975, khi hỏi ngày tháng năm sinh cả ba và má tôi đều trả lời là vụ gặt, vụ cấy nào đó, gắn liền với những ngày mùa vất vả, tất cả đều do bà mụ vườn đỡ để mẹ sinh các em. Giấy khai sinh sẽ được làm sau đó.

                
Ảnh minh họa.

Cuối năm khi mà lúa đã vào bồ, rơm rạ đã về sân. Nhiều nhà đều có đống rơm đứng lù lù ngoài cổng. Những đứa trẻ cùng trang lứa với tôi hoặc lớn hơn một tí đều đã từng nằm dưới, trên và trong đống rơm để chơi những trò chơi trốn tìm hoặc ngủ gục vào những buổi trưa mùa đông. Rơm là cái thứ được coi là xác của cây lúa, nhưng nó lại vàng óng có mùi thơm ấm áp, rất riêng và quyến rũ. Nhìn vào cây rơm, biết nhà ai nhiều hay ít lúa, đón được năm đó được mùa hay thất thu. Để giữ rơm cho được lâu, ít hư người dân quê tôi thường dựng thành cây rơm đứng bên góc vườn hay góc sân. Khi rơm đã được phơi khô, người dân dùng mõ gãy 2 răng xúc rơm hất lên thành đống. Tôi thường được ba phân công trèo lên đống rơm đã chất cao, rải rơm xung quanh cây cột gỗ chính giữa và giẫm lên cho rơm chặt vào nhau. Nhiều tháng liền, nhất là vào những ngày Tết Nguyên đán rơm là nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Có nhà buộc trâu, bò nơi chuồng riêng rồi rút từng nắm rơm cho ăn, cũng có nhà buộc trâu, bò bên cây rơm để tự rút ăn, rồi đến bữa trưa, bữa chiều thì cho đi uống nước. Cây rơm ngoài các công dụng trên, trẻ nhỏ chúng tôi hồi đó còn chia phe ra bày binh bố trận ra mà chiến đấu, thường chọn cây rơm là nơi ẩn náu và cũng là nơi hò hẹn của các chàng trai và các cô thôn nữ. Cây rơm còn là nơi trú mưa trú nắng của các bầy gà, là nơi tìm giun, dế để ăn, có khi đẻ cả ổ tới lúc dẫn bầy con ra kêu chíp chíp thì người nhà mới biết. Cây rơm khi bị mục, nấm mọc lên ăn rất ngon và rất bổ nữa vì là do tự nhiên không có sự can thiệp của hóa chất.

Tôi xa quê đã 30 năm, nhớ quê, nhớ người thân, nhớ khung trời tuổi thơ khờ dại đầy gian nan khổ cực, trong đó hình ảnh cây rơm thật khó phai mờ trong ký ức thời thơ ấu. Mỗi khi về thăm quê hương, thăm làng xóm tôi cũng thấy những bó rơm chất thành từng đống to, nhưng không phải rơm từ lúa của xã Hàm Mỹ mà là từ nơi khác đem về, người làng tôi mua cho vào gốc thanh long để ấm gốc và cũng để ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại. Hôm nay, quê tôi thật sự không còn những cây rơm như thuở nào, thật là một nuối tiếc cho mai sau. 

Trúc Quyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây rơm