Theo dõi trên

Cần thiết giữ gìn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

09/09/2019, 10:59

BTO- Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay. Việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống là vô cùng cần thiết. Không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều dân tộc trên thế giới cũng rất quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn trang phục của họ, bởi đây chính là bản sắc, là linh hồn, cốt cách của các dân tộc thể hiện qua trang phục.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam sinh sống. Trong đó đông nhất là dân tộc Chăm (gần 41.000 người), kế đến là dân tộc Raglai (hơn 19.300 người), K’ ho (gần 12.700 người), Hoa (hơn 10.7000 người)… Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận định cư sinh sống tập trung ở 17 xã thuần và 43 thôn xen ghép thuộc 9/10 huyện, thị, thành phố. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ nghi, lễ hội riêng, tạo nên tính thống nhất, đa dạng trong nền văn hóa tại địa phương.

 

Trong xu thế hội nhập và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có trang phục truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, pha tạp. Hiện dân tộc K’ ho chỉ còn một bộ phận nhỏ sinh sống ở La Dạ (Hàm Thuận Bắc) duy trì nghề dệt truyền thống. Điều này đồng nghĩa với việc trang phục truyền thống sử dụng từ sản phẩm dệt ở đây được bảo tồn đậm nét hơn so với các cộng đồng người K ho ở các địa phương khác trong tỉnh. Nguyên liệu để dệt đều được mua sẵn, không phải qua các công đoạn như cán bông, se chỉ và nhuộm chỉ màu như trước đây. Tuy vậy số lượng làm ra chủ yếu đáp ứng trong gia đình, chứ không đủ cung cấp số lượng lớn ra ngoài. Vì thế đa số trang phục sử dụng hàng ngày như khăn, chăn, váy… chủ yếu là trao đổi, mua bán với người K ho ở Di Linh (Lâm Đồng) hay người Chăm ở Ninh Thuận. Còn dân tộc Hoa và Raglai, đa phần chỉ sử dụng trang phục truyền thống trong các dịp tết, lễ hội, cưới hỏi, tang ma.

 Riêng dân tộc Chăm, trang phục truyền thống vẫn được các vị tu sĩ, chức sắc, trí thức và một số người lớn tuổi sử dụng hàng ngày. Trong các dịp tết, lễ hội đa số phụ nữ Chăm đều mặc trang phục truyền thống tham dự. Nghề dệt của người Chăm đang được duy trì ở các làng Chăm theo đạo Hồi giáo (Bà Ni) ở các địa phương trong tỉnh, tập trung là người Chăm ở xã Phan Hòa (Bắc Bình). Nhu cầu may mặc trang phục của người Chăm không còn mang tính tự cung tự cấp từ sản phẩm nghề dệt truyền thống như trước nữa, mà họ có thể mua các loại vải có sẵn bán trên thị trường.

Có dịp ghé thăm thôn 3 – thôn thuần đồng bào dân tộc Chăm ở thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, hỏi thăm mãi mới có một vài hộ còn lưu giữ nghề dệt truyền thống. Lý giải cho điều này, các bà, các chị cho rằng, thời buổi kinh tế thị trường, nam nữ thanh niên trong thôn đều lo làm kinh tế cải thiện thu nhập cho gia đình, vì thế họ không muốn học nghề dệt. Dẫu biết trang phục truyền thống không thể bỏ, nhưng khi dịch vụ phát triển, có thể giao thương, trao đổi được với nhiều vùng khác để mua, may. Thêm nữa, để trở thành một người thợ giỏi, yêu cầu sự khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ, chưa kể bỏ khá nhiều thời gian mới hoàn thiện được một tấm vải, chiếc khăn.

Với xu thế giao lưu, tiếp biến văn hóa đang diễn ra đa chiều giữa các vùng miền như hiện nay, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một, biến đổi và mất dần những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc. Tương tự với nghề may, nghề thêu hoa văn trên vải cũng đang mất dần theo thời gian. Vì thế việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, gắn với đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là việc làm cần thiết, cấp bách, đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhằm lưu giữ được trang phục truyền thống tồn tại bền vững theo thời gian và được sử dụng thường xuyên, phổ biến trong cộng đồng.

Thùy Linh – Clip Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần thiết giữ gìn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số