Theo dõi trên

Cảm xúc từ “Nhớ quê ta thời trăm năm trước”

21/05/2020, 09:07

(Nhân đọc bài thơ “Nhớ quê ta thời trăm năm trước” của tác giả Phan Chính, đăng trên Báo Bình Thuận cuối tuần số ra ngày 3/4/2020).

BT- “Nhớ quê ta thời trăm năm trước” là tên một bài thơ được nhà thơ - nhà biên khảo Phan Chính gởi đến bạn đọc thời gian gần đây.

 Phan Chính là một tác giả rất quen thuộc của bạn đọc báo chí và văn học Bình Thuận. Ông là tác giả của 4 tập thơ, trong đó “Bảng lảng gió giêng”, tập thơ  xuất bản năm 2016 đã được tặng giải B – Giải Văn học Nghệ thuật Dục Thanh năm 2018; cùng 5 tập lược khảo, bút ký.

Phan Chính là một trong số những người nghiên cứu sâu về Bình Thuận. Ông đã dành rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để tìm đọc những tư liệu sách vở, đối chiếu, đi thực tế để từ đó viết về những địa danh, những nét văn hóa, tín ngưỡng, đời sống của bà con những vùng miền khác nhau của Bình Thuận; đặc biệt về La Gi, vùng đất mà ông đã gắn bó rất nhiều năm trong cuộc đời mình.

“Nhớ quê ta thời trăm năm trước” là một thi phẩm, ghi lại những cảm xúc của ông sau những tháng ngày ông đã viết những biên khảo, bút ký về La Gi. Cảm xúc ấy là tiếng lòng của ông đối với quê hương. Cảm xúc ấy, đây đó phảng phất nỗi u hoài, song đẹp đẽ. Nỗi u hoài ấy khi tác giả nhớ đến những ngày xưa, thời mà La Gi mới ở những ngày đầu khai khẩn, còn hoang sơ, với những bóng rừng già, cùng biết bao nỗi vất vả, khó nhọc mà những nông dân, ngư dân ngày ấy nếm trải. Nhà thơ Phan Chính đã nhắc lại cho chính mình: Ông cũng gốc là một lưu dân xứ biển. Bởi cha mẹ ông là người Quảng Nam, vào La Gi sinh sống từ rất nhiều chục năm trước đây; và ông sinh trưởng trên chính miền đất La Gi này.

 Một số hình ảnh và chi tiết trong thi phẩm dễ gợi người đọc liên tưởng đến Hòn Bà, La Gi. Những hình ảnh đó là: “Bà chúa đảo”, “Theo con nước ra khơi”,   “Lưng núi cao ôm ngọn bấc…”. Bởi, khi đọc Nhớ quê ta thời trăm năm trước”, bạn đọc lại nhớ đến các bút ký: “Hoài niệm sông Dinh”, “Hòn Bà nỗi buồn xanh” cùng một số bài viết, lược khảo khác của tác giả Phan Chính.

“Hoài niệm sông Dinh”, ông đã viết: “Xóm làng có những nhóm lưu dân phiêu tán, từ miền Trung dạt theo đường biển trên những chiếc thuyền nan vào đây sinh cơ lập nghiệp”. Đọc thi phẩm “Nhớ quê ta thời trăm năm trước”, nghe nhà thơ nhắc đến Bà chúa đảo, bạn đọc có thể liên tưởng đến “Nữ thần Thiên Y A Na được coi như chúa đảo đang thờ”; đọc: “Con chim lạc bầy tìm đêm”, cùng với “Lưng núi cao ôm ngọn bấc bơ phờ”  bạn đọc dễ nhớ về những đoạn bút ký đẹp của Phan Chính trong “Hòn Bà nỗi buồn xanh”: “Ở đây chỉ có gió mặn mòi se sắt nhưng khi lùa vào hốc đá, lùm cây lại trở nên thê thiết đến chạnh lòng, làm cho tiếng chim càng về khuya nghe ríu rít mỏng mảnh như sương”. : “Vào mùa bấc thổi, biển động mạnh thì lưng đảo phía nam này trở thành bức bình phong chắn sóng gió cho những con thuyền chờ dịu cơn nước để trở về bến cảng”.

Bài thơ “Nhớ quê ta thời trăm năm trước” chỉ gồm 4 khổ thơ, cô đúc, với những ngôn từ nghệ thuật chắt lọc, những hình ảnh nên thơ đã gợi mở nhiều cảm xúc nơi người đọc về miền đất La Gi cùng những con người chịu thương, chịu khó của buổi đầu mở đất. Điều ấy có được, xuất phát từ những rung cảm sâu sắc của một nhà thơ - nhà biên khảo vốn đã rất nặng lòng với quê mình. Tình cảm sâu đậm với quê hương La Gi là điều mà rất nhiều bạn đọc cảm nhận được nơi tác giả. Phải chăng, đối với Phan Chính, thơ ở đây để ông nói lên tiếng lòng, tâm trạng của ông về quê hương La Gi; còn biên khảo, bút ký là những nghiên cứu, tìm hiểu của ông về địa danh, văn hóa của vùng đất mà ông đang sống. Điều ấy là sự hòa quyện, tiếp nối những nguồn mạch tư duy - cảm xúc trong ông.

 Khổ thơ kết bài là một khổ thơ đẹp, được tác giả gởi đến người đọc với một tình cảm nồng nàn:

“Con chim lạc bầy tìm đêm giấu nắng

Lưng núi cao ôm ngọn bấc bơ phờ

Khuya tịch liêu chao nghiêng trăng vằng vặc

Thương bóng mình, thương nhớ chuyện ngày xưa”.

Sau nhiều trăm trang lược khảo, bút ký viết về La Gi, để hôm nay, đọng lại trong nhà thơ - nhà biên khảo Phan Chính những rung cảm đằm sâu, những nỗi niềm về một miền quê hương của mình trong “Nhớ quê ta thời trăm năm trước” .

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảm xúc từ “Nhớ quê ta thời trăm năm trước”