Theo dõi trên

Bình Thuận với vùng bản lề miền Ðông Nam bộ

17/07/2020, 08:22 - Lượt đọc: 1,662

BT - Tỉnh Bình Thuận theo địa lý tự nhiên thì phíatây,tâynam có đường giáp ranh với tỉnh Đồng Nai dài nhất. Trong tiến trình mở đất Đàng Trong có mối quan hệ rất lớn với vùng đất tỉnh Biên Hòa/Đồng Nai (theo Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán Triều Nguyễn), được ghi sau: “Năm Thành Thái thứ 12 (1900) mới đặt huyện Tuy Lý thổ huyện, năm 16 (1904) triệt bãi, đem tổng nông tang của huyện ấy tháp nhập vào huyện Tánh Linh (huyện Tánh Linh nguyên thuộc Đồng Nai Thượng tỉnh, năm ấy mới trích nhập tỉnh Bình Thuận). Năm thứ 17 (1905) lại trích phủ Di Dinh nguyện thuộc Đồng Nai Thượng tỉnh cho lệ nhập tỉnh Bình Thuận”. Với Địa chí Bình Thuận (2006) thì xác định Bình Thuận là một tỉnh thuộc vùng đất cực Nam Trung bộ. 

Dấu xưa thời mở đất

Trong sử liệu, thế kỷ 17 dưới triều Lê thứ 27, Trịnh - Nguyễn phân tranh gây cuộc nội chiến kéo dài, dân tình xứ Đàng Trong với vùng đất khô kiệt nằm bên dãy Trường Sơn, phải còng lưng phục dịch, đói khổ nên tìm đường lánh nạn vào đất phương Nam. Nhưng có một số nhóm lưu dân theo đường biển bằng thuyền nhỏ, tắp vào định cư ở Xích Thổ (Đất Đỏ), Mô Xoài (vùng Bà Rịa), rồi tiến dần lên Biên Hòa... Đến năm 1867 các tỉnh Nam kỳ trở thành nhượng địa của Pháp thì người Kinh từ phía Nam và miền Trung mới di cư ngược lên vùng rừng núi Gia Loan, lưu vực sông La Nha (La Ngư, La Ngà) - phía nam Chiêm sơn tỉnh Bình Thuận. Đây là vùng đất phì nhiêu của các bộ lạc Chơ Ro, Mạ, Stiêng, K’ho và xen kẽ có các nhóm nhỏ Êđê, Mnông, Chăm (Chăm H’roi), Khmer… Dân tộc ít người ở vùng cao này thường được gọi là người Man sống theo các sách, buôn, thôn… Thời kỳ này, khi lực lượng Trương Định chống Pháp bị thất bại, tướng quân Phan Trung (Phan Cư Chánh/Chính) nuôi chí phục thù, chiêu mộ nghĩa binh nhưng ẩn tích lui về vùng Gia Loan chờ thời cơ. Với hơn 1.000 sĩ dân khai khẩn đất mới ở Tánh Linh để tự túc lương thực với diện tích rộng 3.000 mẫu. Trong “Doanh điền biểu văn” của doanh điền sứ Nguyễn Thông, năm Tự Đức thứ 30 (1877) có ghi: “… vòng theođôngbắc đến Lạc Dã, vòng qua phíađôngnam Biển Lạc có tên gọi chung là Lạc Dã kéo dài song song với La Ngư”. Theo Đại Nam Nhất thống chí tỉnh Biên Hòa mô tả về địa thế: “tỉnh Biên Hòa, phía đông giáp biển cả, phíatây đến sơn man, phíanam giáp tỉnh Gia Định, phíabắc giáp tỉnh Bình Thuận, dựa vào núi, trông ra sông, nắm đất man, chặn chỗ hiểm….”. Năm 1866, thấy nguy cơ từ lực lượng Phan Trung ở Tánh Linh, Pháp áp lực triều đình Huế buộc quan tỉnh Bình Thuận phải giải tán, lệnh rút quân đi nơi khác và sáp nhập đất “người Mọi” ở Tánh Linh (1890) vào Biên Hòa (theo Địa chí Đồng Nai). Cũng theo làn sóng lưu tán đó, một nhóm giáo dân Quy Nhơn lánh vào đất Hàm Thắng, dựng nhà thờ Cù Mi năm 1887 (nay thuộc xã Tân Thắng - Hàm Tân) phát triển dân cư phíanam bờ biển Bình Thuận. 

Theo công trình biên soạn Địa chí Đồng Nai (2001), nhân kỷ niệm 300 năm lấy dấu mốc hình thành là năm Mậu Dần 1698 khi vùng đất này thuộc lãnh thổ cai quản của chúa Nguyễn. Nhưng từ khi trở thành nhượng địa của Pháp, theo tổ chức hành chánh Nam Kỳ, hạt Biên Hòa được xác lập gồm 17 tổng. Trong đó có các địa danh còn lưu lại trên phần đất phía nam Bình Thuận như Tổng Phước Thành có các thôn Gia An, Trà Tân, Dõ Đắt/Võ Đắc… (nay thuộc huyện Đức Linh, Tánh Linh) và có tên Tổng Bình Tuy, bao gồm địa bàn Định Quán, Túc Trưng… 

         

Còn đó những địa danh…

Thời kỳ VNCH, từ sau năm 1955, bản đồ hành chính tỉnh Bình Thuận với ranh giới được xác định cụ thể hơn. Theo ý đồ chiến lược quân sự của Mỹ, ban đầu Bình Thuận (đến Cà Mau) thuộc Vùng III chiến thuật. Đến 1957, sau khi thành lập tỉnh Bình Tuy (1956) thì Bình Tuy thuộc Vùng III chiến thuật (miền Đông Nam bộ) và tỉnh Bình Thuận thuộc Vùng II chiến thuật (miền Nam Trung bộ). Bình Tuy có chung ranh giới với các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Các địa danh Võ Đắt, Trà Tân, Gia An thuộc tổng Phước Thành và tên tổng Bình Tuy của hạt Biên Hòa trước đây, tiếp tục tồn tại trên đất Bình Thuận. So với thực tế, nhiều làng, xã mới mọc lên nhưng khoảng cách các địa danh xưa khá tách biệt để thấy đó là những buôn, sách cư dân bản địa lâu đời từng có mặt trên vùng đất hoang vu này.        

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương thành lập quận núi Chứa Chan/Gia Lào (thuộc tỉnh Biên Hòa), quận lỵ đặt tại Gia Ray (Ông Đồn). Sau đó đổi thành quận Võ Đắc/Đắt. Đồng thời ra nghị định tách vùng thượng lưu Đồng Nai ra khỏi Bình Thuận để thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Đến năm 1912, bãi bỏ quận Võ Đắc để thành lập quận Xuân Lộc, quận lỵ dời về thành phố Long Khánh ngày nay. Năm 1964, dưới chế độ VNCH, địa danh Võ Đắt/Đắc là quận lỵ Hoài Đức, về sau là Đức Linh (Bình Thuận) đến năm 1983, quận lỵ dời về thị trấn Võ Xu thì địa danh này không còn nữa.

Ngoài những địa danh xưa xuất hiện, vừa trên đất Đồng Nai vừa nằm ở phíanam Bình Thuận.Về đất đai thổ nhưỡng, lâm sinh của Bình Thuận và Đồng Nai cùng mang tính tương đồng ổn định. Rừng Lá Buông là nguồn thiên nhiên quý giá ở khu vực Gia An, Suối Kiết, Láng Gòn (Bình Thuận) và từ chân núi Chứa Chan, Ông Đồn kéo dài đến Bà Tô - Xuyên Mộc (Đồng Nai), bao quanh chân núi Bể và núi Mây Tàu đã làm nên chiến khu hùng vĩ trong 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược. Năm 2018, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) được tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cho Khu căn cứ Rừng Lá. Theo sách “Gia Định thành thông chí”, vùng này có con sông được gọi là sông Lá Buôn (Bối Diệp giang). Tên gọi Lá Buông do từ rạch Lá Bôn, âm Nôm đọc là Buôn nhưng bản đồ thời VNCH 1965 ghi sai chính tả thành sông Lá Buông và sử dụng quen thuộc đến sau này. Không những thế mà trong dân gian 2 tỉnh còn có câu phong dao “Cơm Nai - Rịa, Cá Rí - Rang” (Cơm Đồng Nai - Bà Rịa, cá Phan Rí - Phan Rang) để chỉ giá trị độc đáo thổ sản của địa phương.

Bình Thuận có lợi thế chiều dài 192 km bờ biển, giàu tài nguyên thiên nhiên là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội đầy triển vọng và bền vững. Nhưng giá trị truyền thống “tụ nghĩa” của một vùng đất nhiều dân tộc, vùng miền cũng làm nên bản sắc văn hóa rất riêng. Nghiên cứu về vùng giáp ranh với miền Đông Nam bộ thời khai khẩn đất hoang của lưu dân tứ xứ, càng thấy được sức thuyết phục trong hòa nhập, nghĩa tình giữa các cộng đồng dân cư và các tộc người thiểu số bản địa ở vùng đất tiềm năng này. 

PHAN CHÍNH

 Tham khảo từ các sách:

- Địa chí Bình Thuận, Địa chí Đồng Nai.

- Đại Nam nhất thống chí Bình Thuận và Biên Hòa.

- Gia Định thành thông chí. (Trịnh Hoài Đức - do Phạm Hoàng Quân dịch).

- Nam Kỳ địa hạt Nông thôn… (Nguyễn Đình Tư dịch).



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2024
BTO-Chiều 27/3, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết và Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết nhân Lễ Phục sinh năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận với vùng bản lề miền Ðông Nam bộ