Theo dõi trên

Bảo tàng Bình Thuận: Nâng cao chất lượng hoạt động để thu hút khách

29/10/2020, 09:40

BT- Bảo tàng Bình Thuận đi vào hoạt động từ đầu năm 2016 trưng bày 7 chủ đề gồm: Văn hóa Sa Huỳnh, trưng bày hiện vật văn hóa khảo cổ học Đa Kai; trưng bày hiện vật văn hóa Chăm; hiện vật văn hóa các dân tộc thiểu số; hiện vật văn hóa dân tộc Kinh; hiện vật tàu đắm trên vùng biển Cà Mau, Bình Thuận; hiện vật trưng bày ngoài trời như: bia đài, tượng Kút, máy bay A37… Từ đó đến nay, nhờ không ngừng sưu tầm, bổ sung hiện vật, nâng cao chất lượng phục vụ nên bảo tàng đã ngày càng đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu và đặc biệt là giáo dục, tuyên truyền cho các em học sinh.

                
   Hỏi đáp giữa học sinh và thuyết minh viên.

Để nâng cao sự hấp dẫn từ đó thu hút khách tới tham quan, bên cạnh việc tìm tòi, sưu tầm bổ sung các hiện vật, Bảo tàng Bình Thuận đã quan tâm xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tận tình. Nhiều em học sinh hay khách tham quan tới đây đã bị thu hút và cảm thấy hào hứng bởi cách thuyết minh, hướng dẫn, giải thích của các hướng dẫn viên. Từ đó giúp tạo sự liên kết giữa hình ảnh, hiện vật với việc truyền tải thông tin về giá trị văn hóa, lịch sử như văn hóa cổ Sa Huỳnh phát hiện ở Bình Thuận có niên đại 2.500 – 3.000 năm, có nét đặc trưng cơ bản nhất là chôn người chết và vật tùy táng trong các mộ chum lớn bằng chất liệu gốm đất nung hình quả trứng. Hay trong thời kỳ thô sơ, con người làm cách nào đã khoan được những lỗ nhỏ xuyên qua các thanh đá được chế tác, mài nhẵn, đẹp có độ dài 10 – 15cm để xỏ dây đeo làm trang sức…

Ngoài ra, các em học sinh được cảm nhận thực tế âm hưởng từ bộ đàn đá cổ Đa Kai, 5 thanh và bộ đàn đá Sa Huỳnh, 8 thanh là nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người. Đồng thời, các em cũng được biết đến không gian văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận, là dân tộc bản địa, sinh sống lâu đời trong suốt tiến trình lịch sử gần 2.000 năm, với một nền văn hóa đặc sắc, riêng biệt…

Không chỉ văn hóa cổ, đến với Bảo tàng Bình Thuận, các em còn thích thú tìm hiểu về chiếc máy bay A37 do Mỹ chế tạo và sử dụng trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1967 – 1975. Đây là chiếc máy bay do Quân đội Việt Nam cộng hòa tháo chạy bỏ lại khi quân giải phóng đánh chiếm Đà Nẵng; là chiếc máy bay cùng loại trong phi đội máy bay A37 do anh hùng Nguyễn Thành Trung chỉ huy tập kích sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, tạo thời cơ góp phần giải phóng miền Nam 30/4/1975.

Cùng với việc tiếp thu kiến thức, tư liệu trong sách giáo khoa và trực tiếp được nghe thuyết minh viên kể lại những câu chuyện sống động, cụ thể thông qua hiện vật, được quan sát thực tế chi tiết từng hoa văn điêu khắc, đắp nổi trên hiện vật, đã giúp các em học sinh lĩnh hội nhiều kiến thức và càng yêu thích môn lịch sử hơn.

Thời gian tới, Bảo tàng Bình Thuận sẽ không ngừng đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, sưu tầm, bổ sung hiện vật cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các hướng dẫn viên… Để từ đó là điểm đến hấp dẫn để tham quan, nghiên cứu, học tập.

Uông Trung Hòa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tàng Bình Thuận: Nâng cao chất lượng hoạt động để thu hút khách