Theo dõi trên

Anh Sáu Tình - dấu ấn trong đời người

05/07/2018, 09:08 - Lượt đọc: 39

BT- Vừa rồi tôi đến dự ngày giỗ thứ 32 của anh Sáu Tình (tức Trần Văn Tình) tại gia đình anh, gặp lại chị Sáu nay đã 88 tuổi vẫn còn trí nhớ tốt và sống cạnh 2 người con gái đều thành gia thất ở khu phố 5, phường Tân An (La Gi). Nhìn di ảnh người xưa, tôi nghĩ đến một nhân cách sống, một ý chí mạnh mẽ đã trọn đời cống hiến cho lý tưởng cách mạng, một trái tim thấm đậm tình người. Tôi có may mắn được gần anh Sáu để tham gia công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, từ năm 1983, tức sau ngày anh được nghỉ hưu, thôi giữ các chức vụ Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hàm Tân mà anh từng đảm nhận liên tục từ 1976- 1982. Nếu tính cả thời gian anh Sáu từ ở cương vị Bí thư huyện từ huyện khu Lê Hồng Phong, Hòa Đa (Bắc Bình) 1964 - 1968 và huyện Hàm Tân từ 1969 -1982 cũng khoảng 15 năm, trải qua các giai đoạn trên chặng đường lịch sử cách mạng tỉnh Bình Thuận.

Khi viết lại những dòng chữ này, tôi chỉ góp nhặt những mảng riêng từ tấm lòng anh đã trang trải cho cuộc đời. Theo tôi, đó mới thực sự là phẩm chất cao quý của con người làm hành trang dấn thân cho sự nghiệp cách mạng. Sau ngày đình chiến theo Hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản quận Hàm Tân tháng 7/1954, anh Sáu Tình được tỉnh bố trí nằm lại, hoạt động bí mật, không phải xuống tàu đi tập kết ra Bắc ở cửa Lộc An (Xuyên Mộc). Huyện ủy Hàm Tân ban đầu gồm 6 cán bộ đã đổi thành tên gọi mới bằng câu thơ cổ: Tiên (Nguyễn Tiềm), Tri (Nguyễn Đăng Kỳ),Thiên (Nguyễn Chu), Hạ (Nguyễn Hồng Phấn), Sự (Nguyễn Mai) và người thứ 6 là Tình (Trần Văn Ấm). Từ đó tên gọi anh là Sáu Tình là thế, dù anh là anh trai cả trong gia đình. Anh Sáu Tình phụ trách mảng Tân Lý, Tân Long cũng là địa bàn quê anh. Anh kể, phải bao lần bám con rạch nước ven xóm biển Tân Long đợi bà má Điểm là người từng sống trong kháng chiến để bắt lại liên lạc. Hoàn cảnh bà có người con trai tên Lan mắc phải bệnh cùi, đang thời kỳ lở loét bị dân cư xa lánh nên phải sống cách biệt trong túp lều nép dưới bụi rậm ở chân động cát cuối xóm, lại trở thành nơi anh trú ẩn. Nhờ vậy mà anh kết nối được với phong trào và có nguồn lương thực tiếp tế. Còn câu chuyện về cuộc hôn nhân đầu của anh lại thật trắc trở và thương tâm. Địch càn quét vào khu căn cứ rồi tung tin là Sáu Tình bị diệt để khủng bố dư luận. Một hôm, anh lần theo bờ sông Dinh, luồn lách qua những xóm vườn Tân Lý để về ngôi nhà của mẹ. Anh nhìn qua khe cửa lá, từ sự ngạc nhiên đến cảm giác bàng hoàng, rờn rợn khi thấy giữa nhà có chiếc bàn thờ còn nghi ngút khói hương. Dưới ánh đèn dầu đủ sáng, soi rõ tấm ảnh của anh và một chiếc khăn tang lạnh lẽo. Mẹ anh đã khuyên người con dâu tội nghiệp về lại nhà cha mẹ đẻ để còn có ngày tiếp đi bước nữa… Và chị đã nghe theo! Anh bồi hồi trước quyết định đầy nhân hậu của mẹ cũng vừa để xóa dấu vết mà bọn tề điệp đang lùng sục, liên lụy đến gia đình và tổ chức.

Sau ngày giải phóng, tôi có dịp bên anh đi thăm gặp những người đồng chí của anh trong kháng chiến từ Bảo Lộc, Đà Lạt, Phan Rang, Bắc Bình trên chặng đường dài, nhọc nhằn. Nằm đêm ở vùng quê Cầu Quẹo (xã Hồng Thái) heo hắt ánh đèn dầu, anh Sáu nhớ lại nhiều kỷ niệm, những lần vào sinh ra tử trên mảnh đất Khu Lê, Hòa Đa ngày ấy. Còn chị Sáu vừa là dân công, vừa là cơ sở tiếp tế cho căn cứ Hồng Lâm, mấy lần vào tù ra khám chịu đựng, biết bao cực hình tra tấn nhưng vẫn vững vàng, chờ đợi. Hai đứa con gái sinh ra đều phải gởi cho người chị ruột cưu mang. Dù sau này đường đường là vợ của một đại biểu Quốc hội, một “phu nhân” Bí thư huyện, nhưng ngày ngày chị Sáu vẫn kẽo kẹt trên đôi vai với chiếc gánh sâm nam (loại nước giải khác đông đặc vo từ một loại lá rừng), đi khắp các con đường chợ La Gi, bởi nó vừa sức lao động lại vừa khả năng vốn liếng. Vậy mà ròng rã 8 năm trời, khi sức khỏe giảm sút chị mới thôi nghề này. Cho nên không có gì lạ, từ đó cho mãi đến nay chị Sáu và các con vẫn sống trên mảnh đất nằm khuất sâu trong một con đường hẻm nhỏ hiện nay. Tôi còn hình dung được căn nhà cũ cấp 4 đã xuống cấp, anh Sáu mua lại lúc ấy giá khoảng 3 cây vàng. Trong khi đó có nhiều căn nhà xây tầng 2 tầng 3 mặt tiền, nằm ngay trung tâm phố chợ được hóa giá giải quyết cho cán bộ, sau này trị giá cả trăm cây vàng, anh không màng đến. Hồi ấy tài sản, vật dụng gia đình của những hộ lén lút vượt biên, nhà vắng chủ bị kiểm kê, thu hồi nào ti vi, tủ lạnh, quạt máy, tủ giường, honda… được bán hóa giá để giải tỏa kho chứa với giá rẻ bèo nhưng anh Sáu không hề “tranh thủ”. Chị Sáu kể, một hôm có người mang đến nhà chiếc máy may cũ, loại hàng hóa giá, chị mừng khôn xiết vì rất đắc dụng cho gia đình. Dù biết đó là lòng tốt của anh em cơ quan, nhưng anh vẫn bắt phải trả lại cho bằng được… Hôm anh nằm bệnh viện Thống Nhất về, anh gởi lại Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ mấy lọ dịch truyền tăng lực có giá trị cao, bảo là nhường cho anh em khác cần hơn. Bởi anh nhớ lại những ngày anh vật lộn với cơn bệnh thập tử nhất sinh trong chiến khu nhưng sống được là nhờ những bài thuốc nam của đồng đội tìm kiếm cứu anh.

Nói đến anh Sáu Tình, biết bao câu chuyện đời thường mà anh để lại và ai cũng gọi đó là người “hiền”. Nhưng tôi nghĩ với thế hệ mai sau biết đâu nghe lại những câu chuyện như thế này không khác gì huyền thoại?

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh Sáu Tình - dấu ấn trong đời người