Theo dõi trên

Anh dìu em về

29/04/2020, 09:51

BT- Hồi nhỏ ở quê, nhà không có cái gì để nghe nhạc. Dân quê hồi đó thường nghe nhạc trên đài. Nghe đài trở thành một kiểu coi giờ thay cho đồng hồ. Chẳng hạn năm lớp 3 hay 4 gì đó mình học buổi chiều, nên trưa tranh thủ ăn cơm rồi chạy bộ tới trường, trên đường đi thế nào cũng ghé rủ thằng Lâm. Có hôm đi sớm quá, thằng Lâm còn đang ăn cơm, thấy mình vô sân, nó và vội miếng cơm rồi chạy ra nói, mày đi sớm vậy, giờ này mới có cải lương à, còn lâu mới vô lớp. Mình ngơ ngác hỏi lại, mày nói cải lương gì? Nó nhe răng cười, đưa tay chỉ qua nhà cậu Mười sát vách, bảo, nghe đi nghe đi. Mình lắng tai nghe, thì ra nhà cậu Mười đang mở đài và lúc ấy đang là chương trình cải lương. Và mặc dù không biết khung giờ cải lương phát buổi trưa là từ mấy giờ đến mấy giờ vì nhà mình có đài đâu mà nghe, nhưng lập tức hiểu cách "nói giờ theo đài" của thằng Lâm, nên mình cười cười bước vô nhà xớ rớ chờ nó thay đồ lấy cặp rồi cùng đến trường.

Nói vậy để thấy, cái sự nghe đài cũng không phải nhà nào cũng có. Thằng Lâm "nghe giờ" như vậy là nhờ cái đài của ông cậu bên nhà ngoại chứ không phải nhà nó.

Thế rồi ít lâu sau, cái xóm chài phía dưới nhà mình khá lên. Có 1 nhà mua được cái cassette 1 hộc băng, nói theo kiểu vênh váo của những chủ nhân thời đó là cassette này thuộc loại "2 loa 1 tép". Sau đó có nhà giàu hơn sắm loại 2 loa 2 tép tức có 2 hộc băng, có thể sang băng tức là bật cuộn băng có nhạc rồi ghi sang cuộn băng trắng. Thuở đó chẳng hiểu tép là gì mặc nhiên cho nó là cái hộc băng, sau này mới biết đó là chữ tape, cũng là băng thôi.

Trở lại cái nhà đầu tiên ở xóm dưới có máy cassette, cứ chiều chiều lúc cả nhà vợ chồng con cái ngồi vá lưới là chiếc máy được bật lên. Theo chiều gió đưa, tiếng nhạc vang ra mấy nhà xung quanh đều được nghe ké. Mùa gió nam thì nhà mình nghe tiếng cassette này rõ nhất.

Hồi đó mua băng ở mấy tiệm dưới chợ Phan Rí hoặc trên chợ Hòa Đa, toàn các giọng ca Chế Linh, Duy Khánh, Hương Lan, Hoàng Oanh... Mà chủ máy cũng không có nhiều băng, có khi 1 cuộn nghe đi nghe lại đến nhão đứt mới thôi, lắm lúc đứt vẫn còn dán nối lại nghe tiếp chứ chưa thôi.

Nhờ cái cassette của gia đình đan lưới nọ mà mình nghe được giọng ca Chế Linh, nghe đi nghe lại cái bài anh xin đưa em về về quê hương ta đó, có khi gió tạt chỉ nghe được giai điệu chứ lời hát nghe không rõ, rồi đám trẻ con quanh xóm từ chỗ nghe nhạc lại kéo nhau hò reo chế lời, hôm nay anh đi chùa, chùa hôm nay cúng chuối, hôm nay anh đi chùa, chùa hôm nay cúng chè, thầy chùa nhắm mắt tụng kinh chúng em thi nhau mò chuối... Mãi sau này mới biết đó là bài Rước tình về với quê hương của Hoàng Thi Thơ.

Và như một trùng hợp không rõ vô tình hay hữu ý, cứ mỗi lần trời chuyển mưa đêm, là nhà nọ lại bật bài “anh dìu em về, đường về nhà em qua phiến đá xanh xao”. Mà thường lúc đó mình đã cơm nước xong, ngồi vào bàn định học bài, cầm sách lên hay giở tập ra lại nghe “Anh dìu em về đường về nhà em mưa lất phất mưa bay”... Mình lại dừng tay, ngồi yên lắng tai nghe, gió tạt nên giọng Chế Linh tiếng được tiếng mất, rốt cuộc nghe rõ nhất vẫn là mấy chữ đầu như vậy. Và rồi mình mơ màng hình dung, cái tình huống hai người dìu nhau đi dưới mưa như vậy là thuộc thể loại gì không hiểu nhưng vẫn thấy hay hay...

Rồi mình rời cái làng xưa, xa những nếp nhà dân chài, lâu rồi không còn nghe nhạc từ cái máy 2 loa 1 tép nào cả. Nhưng dọc đường gió bụi, chưa bao giờ mình nghe bản nhạc Anh dìu em về... nào mà thấy hay và xúc động như hồi ở quê.

Hôm rồi lục mấy tờ nhạc, thấy mình kịp lưu giữ 1 tờ mới tinh bài Mùa mưa đi qua, chính là cái bài Anh dìu em về đường, về nhà em qua phiến đá xanh xao ấy. Tác giả bài nhạc này là Du Uyên. Cơ mà Du Uyên là ai mình còn chưa kịp biết. 

Nguyễn Lam Điền



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh dìu em về