Theo dõi trên

Xuất khẩu lao động, những việc cần làm ngay

21/10/2019, 10:21 - Lượt đọc: 89

BT- Tại Bình Thuận hiện có 38 doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động trực tiếp tại các địa phương trong tỉnh thông qua các phiên giao dịch việc làm. Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh hiện có 450 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Các thị trường người lao động của tỉnh đang làm việc phần lớn có thu nhập cao, ổn định và có công nghệ tiên tiến, an toàn, có điều kiện nâng cao trình độ tay nghề và thu nhập, chưa xảy ra tình trạng bị lừa đảo hoặc bị lợi dụng, lôi kéo của các thế lực thù địch. Trong quá trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại nước ngoài, các ngành chức năng và các địa phương đã chú ý tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của tỉnh về lao động đi làm việc ở nước ngoài; các thông tin về thị trường lao động, doanh nghiệp...

Tuy nhiên số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh còn rất ít, chất lượng lao động còn thấp, tham gia vào thị trường có thu nhập cao chưa nhiều (khoảng từ 30 - 35%/tổng số người đi lao động ở nước ngoài). Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực, sức cạnh tranh còn yếu. Việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ, nhất là tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động... tại một số địa phương còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung và hình thức nên chưa thu hút nhiều lao động tham gia. Quyền lợi của một số người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được bảo đảm thỏa đáng. Một bộ phận người lao động ý thức kỷ luật, tác phong làm việc còn kém; vi phạm kỷ luật lao động và luật pháp của nước sở tại, làm giảm uy tín, hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu lao động của các nước phát triển ngày càng tăng, đây là cơ hội tốt cho công tác xuất khẩu lao động cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng, tiếp tục góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển chọn lao động để hợp đồng đi làm việc tại các nước có tình hình chính trị ổn định, kinh tế phát triển, ít rủi ro, thu nhập cao, nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức... Các ngành chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chú trọng tuyên truyền, vận động thông qua kinh nghiệm từ “người thật, việc thật” để người lao động nâng cao nhận thức đúng đắn về quyền lợi và trách nhiệm khi đi làm việc ở nước ngoài. Chú trọng những xã, phường, thị trấn đã có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài có hiệu quả và các nhóm đối tượng học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông, sinh viên cao đẳng, đại học đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, bộ đội xuất ngũ, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công, hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ, thường xuyên nắm tình hình lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài về việc thực hiện hợp đồng, về nước đúng thời hạn khi kết thúc hợp đồng, hạn chế tình trạng bỏ ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp; kịp thời vận động người lao động thực hiện tốt hợp đồng, không vi phạm pháp luật của nước sở tại. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động trên địa bàn tỉnh; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới người lao động và dư luận xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cần đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư liên quan đến công tác xuất khẩu lao động để các quy định phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu lao động, những việc cần làm ngay