Theo dõi trên

Xử lý, giải quyết từ cơ sở, tại cơ sở  

10/07/2018, 08:07 - Lượt đọc: 81

BT- Thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2018 đến nay, các tổ chức phản động, thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi, xúi giục người dân tham gia biểu tình, bạo loạn.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh, chỉ trong 2 tuần từ 7/6 - 19/6/2018 có đã có hàng nghìn bài viết, video clip đăng tải trên mạng xã hội như blog, facebook, youtube, forun… liên quan đến Bình Thuận, trong đó thông tin tiêu cực chiếm trên 30%. Tuy nhiên việc ngăn chặn, xử lý, phản bác lại các nội dung xuyên tạc, kích động của các phần tử xấu còn chậm, bị động, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt, sự kiện diễn ra trong các ngày 10 và 11/6/2018 khi hàng ngàn người ở Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết bị kích động đã tụ tập, tuần hành biểu tình lấy cớ phản đối dự Luật Đặc khu và gây bạo loạn, đập phá trụ sở, đốt xe và tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, gây ách tắc giao thông… Cùng với đó là hoạt động tuyên truyền, phát triển tổ chức “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Thuận đã gây tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, để lại hậu quả lâu dài và “tai tiếng”.

Có thể nói việc để xảy ra các vụ bạo loạn, gây rối an ninh trật tự ở một số địa bàn của tỉnh như vừa qua là có phần chủ quan, đã để “đốm lửa nhỏ thành đám cháy lớn”. Do vậy cần phải rút kinh nghiệm và phải luôn đề cao và thực hiện phương châm “xử lý và giải quyết ngay từ cơ sở, tại cơ sở”. Các cơ quan chức năng, trước hết là  công an lực lượng nòng cốt của Ban chỉ đạo toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các phương án xử lý tối ưu ngay trên từng địa bàn cơ sở; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong giải quyết, xử lý tình hình; kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại cơ sở các vấn đề có liên quan đến lợi ích chính đáng của người dân, hạn chế không để xảy ra “điểm nóng” trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt chú ý các địa bàn trọng điểm đã xảy ra biểu tình, bạo loạn thời gian qua; các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, nhà trường nơi tập trung nhiều công nhân, sinh viên có thể xảy ra đình công, lãn công; địa bàn tiềm ẩn khiếu kiện đông người phức tạp. Chú ý giải pháp phòng ngừa các hoạt động lôi kéo, kích động của các lực lượng thù định, cơ hội chính trị; các điểm nhóm, đối tượng cầm đầu tuyên truyền, phát triển tổ chức “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” trái phép.

Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của nhân dân về phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, vừa rộng rãi, vừa mở đợt tập trung, vừa tuyên truyền cá biệt; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị, trường học, tổ dân phố, cụm dân cư. Chú trọng hình thức tuyên truyền, vận động cá biệt đối với các đối tượng có nguy cơ phạm tội, tái phạm và tại các địa bàn trọng điểm về trật tự, an toàn xã hội. Yêu cầu của công tác tuyên truyền là phải tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, giúp người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác, không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; tham gia lên án, đấu tranh với các đối tượng có hành vi quá khích, manh động và các tổ chức phản động, thế lực thù địch. Trước mắt làm tốt việc nghiên cứu, thảo luận Luật An ninh mạng và Dự luật Đặc khu trong nội bộ, từ đó tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ bản chất của vấn đề để có ứng xử phù hợp, tránh bị kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, cơ hội.

Có giải pháp và chính sách nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách, nhất là các lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, bảo vệ chuyên trách các cơ quan, doanh nghiệp; phát huy vai trò bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở, những người có uy tín trong dòng họ; dân tộc, tôn giáo, các vị chức sắc tiêu biểu, các điển hình... làm chỗ dựa cho nhân dân trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội ở cơ sở.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý, giải quyết từ cơ sở, tại cơ sở