Theo dõi trên

Xây dựng đô thị thông minh, phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền

09/12/2019, 15:16

BT- Ngày 5/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã ban hành Quyết định số 3113/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến 2030. TP. Phan Thiết là địa phương được chọn triển khai thí điểm xây dựng đô thị thông minh trong thời gian tới.

Quyết định trên cho thấy việc triển khai xây dựng  đô thị thông minh là giải pháp cần thiết để tỉnh giải quyết các vấn đề đang vướng mắc; nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trong một mô hình đô thị hiện đại, góp phần thúc đẩy tỉnh nhà phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, để Bình Thuận phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã xác định việc triển khai xây dựng đô thị thông minh là một quá trình dài hạn theo chỉ đạo của Trung ương về phát triển đô thị thông minh dựa trên sự phát triển của công nghệ và nhất thiết phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Chúng ta đều biết, khi tốc độ phát triển của công nghệ càng nhanh thì vòng đời của các sản phẩm và dịch vụ ứng dụng công nghệ càng ngắn. Với sự ra đời và bùng nổ của hàng loạt các công nghệ mới theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các thành phố khi triển khai xây dựng đô thị thông minh thuần túy dựa trên một phương pháp tiếp cận truyền thống sẽ dễ rơi vào tình trạng lạc hậu về công nghệ do phải mất nhiều thời gian để xây dựng một kế hoạch triển khai tổng thể và chi tiết cho cả một lộ trình phát triển. Do vậy việc lựa chọn một phương pháp tiếp cận phù hợp sẽ cho phép tỉnh có thể triển khai xây dựng đô thị thông minh mà không phải chờ đợi đến khi hoàn chỉnh được một kế hoạch triển khai chi tiết. Cách tiếp cận linh hoạt này sẽ không đòi hỏi tỉnh phải ngay lập tức xây dựng một kế hoạch chi tiết xuyên suốt tất cả các giai đoạn với tổng dự toán kinh phí lớn, mà thay vào đó, có thể cân đối ngân sách theo từng giai đoạn và mục tiêu phát triển hợp lý. Thêm vào đó, một mô hình triển khai linh hoạt sẽ giúp triển khai ngay được các dự án phù hợp với nhu cầu và cải thiện liên tục các giải pháp…

Song giải pháp đầu tiên khi triển khai đề án là phải làm tốt công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa và hiệu quả của đô thị thông minh mà tỉnh đang triển khai xây dựng. Nếu chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, người dân không chỉ đóng vai trò góp  ý cho đô thị thông minh mà còn giúp định hình, quyết định tính khả thi của các dự án xây dựng đô thị thông  minh, đảm bảo tính minh  bạch  trong  các  hoạt  động  xây  dựng  đô thị thông minh; qua đó tạo cơ hội tối đa cả về thời gian và cách thức cho người dân được tham gia góp ý để họ có cái nhìn toàn diện hơn về đô thị thông minh, đóng góp ý kiến về các lĩnh vực trọng tâm và bày tỏ nhu cầu thực tế, cấp thiết của họ. Việc xác định được mục tiêu đúng đắn ngay từ đầu chắc chắn sẽ giúp việc triển khai các dự án, giải pháp nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ từ người dân. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, các ngành chức năng cần phải chú ý tăng cường tương tác với người dân, nội dung tương tác với người dân phải đơn giản, dễ hiểu, sinh động và đặc biệt là mang tính thực tiễn cao, nêu bật được lợi ích của từng giải pháp với cuộc sống của người dân. Tỉnh cần tận dụng tất cả các kênh thông tin truyền thông và sử dụng chúng một cách linh hoạt tùy theo đối  tượng người dân, trong đó chú  trọng  xây dựng các kênh tương tác mới mang tính sáng tạo để tiếp  tục duy trì các tương  tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Tăng cường đối thoại trong giai đoạn triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ, chia sẻ các thành tựu đạt được để người dân thấy được vai trò quan trọng của mình trong cả lộ trình xây dựng đô thị thông minh. Đồng thời sử dụng các kênh mạng xã hội, tin nhắn, diễn đàn trực tuyến để tương tác với người dân chủ yếu là tầng lớp thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi từ 25 - 35 tuổi vì đây chính là những tuyên truyền viên không chính thức về đô thị thông minh. Bên cạnh đó, các kênh truyền thông chính thức của tỉnh như Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh… cần có những nội dung phù hợp tập trung  vào từng đối tượng để tuyên truyền, đồng thời tiếp nhận, phản ánh các ý kiến rộng rãi của người dân đóng góp vào quá trình triển khai xây dựng đô thị thông minh…

Tóm lại để xây dựng đô thị thông minh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cần có sự nghiên cứu thận trọng, chặt chẽ; bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về phát triển đô thị thông minh; có sự chỉ đạo thống nhất giữa lãnh đạo các cấp của tỉnh, thành phố đảm bảo phù hợp với xu hướng chung, điều kiện của đô thị; có kế hoạch và lộ trình cụ thể cùng các bước đi vững chắc nhằm phát huy tối đa các nguồn lực và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển đô thị theo hướng ngày càng thông minh hơn. Song việc đầu tiên chúng ta cần xác định là xây dựng đô thị thông minh là một công cuộc xây dựng cần sự đóng góp, tham gia của mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức của tỉnh, thành phố. Do đó cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục để mọi thực thể của địa phương cùng tham gia vào quá trình xây dựng đô thị thông minh; đồng thời thu hút được các nguồn lực xã hội trong quá trình triển khai xây dựng; do vậy những việc đầu tiên chúng ta phải làm là làm tốt công tác tuyên truyền.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng đô thị thông minh, phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền