Theo dõi trên

Xâm hại tình dục trẻ em: Ai phải chịu trách nhiệm?

23/04/2019, 11:03 - Lượt đọc: 126

BTO-  Bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn nạn trên toàn cầu. Trên thế giới, ước tính có 120 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân bị bạo lực tình dục, gần một tỷ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt thể chất...Theo số liệu của Bộ Công an, mỗi năm có khoảng 1.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được tố cáo. Nhiều chuyên gia cho rằng con số này trên thực tế phải cao hơn bởi nhiều nạn nhân chọn cách im lặng vì sợ, hoặc ngại tố cáo.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã đề cập nhiều đến vấn nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt. Về lâu dài vẫn phải có sự chung tay của toàn xã hội để tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ em.

Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 10 bị xâm hại tình dục tập thể khá đau lòng trong học sinh THPT ở Quảng Trị. Còn đối với vụ ông ĐMH có hành vi dùng vũ lực, dùng tay giữ má nạn nhân để ép hôn trái ý một nữ sinh trong thang máy chung cư (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhưng chỉ với mức xử phạt 200.000 đồng không có tính răn đe, gây bức xúc dư luận; Đối với vụ án NTT hiếp dâm bé gái 10 tuổi tại Chương Mỹ, Hà Nội cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Vụ việc ngày 01/4/2019, đoạn video khoảng 1 phút được trích xuất từ camera an ninh trong thang máy ở chung cư ghi lại cảnh ông NHL (cựu viện phó VKSND TP Đà Nẵng), “nựng” bé gái trong thang máy cũng khiến nhiều người bức xúc... thật đáng buồn bởi một người hiểu biết luật lại “vi phạm luật”. Vụ xâm hại tình dục nữ sinh lớp 9 (14 tuổi, trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), nguyên thượng tá công an thực hiện hành vi đồi bại giữa tháng 8/2018, lãnh án 3 năm tù...

Một câu chuyện khác, nhà trường được cho là nơi an toàn với trẻ, thế nhưng, thời gian gần đây, không chỉ xảy ra những vụ bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, đáng sợ hơn thế là những vụ xâm hại tình dục ngay phía sau cánh cổng trường. Câu chuyện đáng buồn của ngành giáo dục: “Trong môi trường giáo dục sạch sẽ là thế, nhưng lại để xảy ra các vấn đề như vậy, khiến bất cứ ai cũng phải ghê tởm. Là một hiệu trưởng, đi rao giảng đạo đức, phòng chống xâm hại tình dục,  lại có hành vi xâm hại nhiều em, nhiều lần, đến giờ mới bị phanh phui. Để đến khi các em phải sợ hãi, đòi bố mẹ chuyển trường, nghỉ học, mọi chuyện mới được đưa ra ánh sáng”. Thật bất ngờ, khi sự giả dối, xấu xa được che đậy bởi cái danh của “người thầy”.

Trẻ em bị xâm hại tình dục gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển, thậm chí hủy hoại cuộc sống của các em trong tương lai. Các em có nguy cơ cao bị trầm cảm, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể dẫn đến tự tử. Bên cạnh đó, gia đình và xã hội cũng bị ảnh hưởng... Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ ngày 01/6/2017,quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em… Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, xâm hại tình dục trẻ em là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Một số chuyên gia về bảo vệ trẻ em cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực nêu trên, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như: cha mẹ đánh, la chửi nặng lời, cấm đoán phi lý, bắt lao động quá sức... Từ đó, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và dễ bị xâm hại. Ngoài ra, những hệ lụy của những trang web “đen”, trò chơi điện tử bạo lực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy đồi đạo đức, xâm hại trẻ em như hiện nay.

Những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói trên cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới để bảo vệ trẻ trước những hành vi xâm hại, giúp trẻ được sống, học tập và lớn lên trong môi trường an toàn. Muốn vậy, tại các địa phương cần có mạng lưới đội ngũ cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, phát hiện nguy cơ cao, tuyên truyền những kiến thức cho chính những bậc cha mẹ và chăm sóc trẻ. Cùng với đó, trong nhà trường cũng cần lồng ghép các giờ dạy về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ. Cuối cùng, cần đẩy mạnh cơ chế giám sát. UBND các xã, huyện phải giám sát chặt các văn hóa phẩm đổi trụy, các phim ảnh dâm dục. Cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực thi nghiêm minh các vụ việc, tránh đánh tráo khái niệm, giảm nhẹ tội, đó là sự bất công, không minh bạch, khiến nhiều vụ xâm hại tiếp tục bùng phát.

Hơn hết, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp dưới đã có những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật.

Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xâm hại tình dục trẻ em: Ai phải chịu trách nhiệm?