Theo dõi trên

Vì sao “cát tặc” lộng hành?

14/04/2017, 08:28 - Lượt đọc: 12

BT- Trong các loại “tặc”: lâm tặc, hải tặc, đinh tặc… thì “cát tặc” đang lộng hành nhất trên khắp cả nước, hoạt động ngày càng liều lĩnh, manh động, lúc lén lút đêm khuya, lúc công khai thách thức, có cả dấu hiệu bảo kê, lợi ích nhóm, tội phạm có tổ chức. Dư luận bức xúc đến nỗi Chính phủ vừa phải mở một đợt cao điểm tấn công đẩy lùi “cát tặc” trên khắp cả nước (từ 15/3  - 1/6).

Ở Bình Thuận thời gian gần đây, hầu như tuần nào trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương như: Phát thanh – truyền hình, báo in, báo điện tử đều có các tin – bài phóng sự phát hiện các điểm khai thác cát trái phép ở khắp nơi trong tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh đều chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra gồm: Tài nguyên – Môi trường, Cảnh sát môi trường, địa phương liên quan để xác minh, xử lý thông tin báo nêu. Hầu hết vụ việc báo chí phản ánh đều đúng sự thật. Nhiều cán bộ huyện – xã bị kiểm điểm, kỷ luật vì buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che cho sai phạm, để “cát tặc” lộng hành suốt thời gian dài.

Tuy chưa phát hiện trường hợp nào lợi dụng chính sách xã hội hóa nạo vét luồng lạch, cửa sông, cửa biển, để nạo hút cát vô tội vạ đem bán (hoặc xuất khẩu) như đã xảy ra ở một số tỉnh – thành. Nhưng khai thác cát trái phép diễn ra phổ biến trên địa bàn Bình Thuận. Khai thác cát lậu trên sông Lũy (Bắc Bình), trên sông Cái (Hàm Thuận Bắc), trên sông La Ngà (Đức Linh), trên sông Dinh (Hàm Tân), trên sông Cà Ty, Phú Hài (Phan Thiết)… làm cho sông, suối bị sạt lở, mất đất sản xuất của dân, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Nhà nước thì vừa mất tài nguyên, vừa thất thu thuế. Vì sao “cát tặc” vẫn lộng hành? Chẳng lẽ chính quyền bó tay?

Điều dễ thấy nhất là nhu cầu cát xây dựng, đất, cát bồi nền, san lấp mặt bằng phục vụ làm nhà ở nhân dân, xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới là rất lớn. Và quy luật thị trường: có cầu ắt có cung. Lợi nhuận từ khai thác cát trái phép rất cao, là nguyên nhân trực tiếp khiến tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt, liên tiếp, dù chính quyền nhiều lần tổ chức truy quét, tịch thu phương tiện, xử phạt đối tượng vi phạm. Vài tuần nay, giá cát xây dựng tăng vọt gấp 2 – 3 lần (lên mức 500.000 đồng/m3), ảnh hưởng lớn đến thị trường xây dựng và càng kích thích “cát tặc”.

Nhu cầu các loại vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi rất lớn, nhưng thủ tục cấp phép khai thác cát, sỏi được quy định trong Luật Khoáng sản lại rườm rà, mất nhiều thời gian, gần giống như những khoáng sản quý hiếm, có giá trị cao như: vàng, bạc, than đá, titan… dẫn đến khai thác cát trái phép, cả vào đêm khuya, ngày nghỉ, để đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng bức thiết hàng ngày.

Trong một hội nghị trực tuyến bàn biện pháp quản lý khoáng sản, tôi được nghe một chủ tịch huyện bày tỏ bức xúc khi nhu cầu các loại vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện rất bức xúc, nhưng thủ tục xin phép khai thác quá khó khăn, phiền hà… Ít lâu sau, tôi nghe tin vị chủ tịch huyện này bị cấp trên kiểm điểm trách nhiệm trong quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn mình. Loại trừ đi yếu tố tiêu cực, thử đặt mình vào người trong cuộc, tôi nghĩ rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến vị chủ tịch này bị kiểm điểm.

Dư luận cho rằng: Đã đến lúc phải bàn đến việc sửa Luật Khoáng sản để khắc phục các bất cập, lấp các lỗ hổng trong quản lý thứ khoáng sản rất phổ biến và thiết yếu trong xây dựng này.

Mặt khác pháp luật không nghiêm minh nên “cát tặc” lờn luật, thậm chí đe dọa chính quyền, hành hung người thi hành công vụ. Từ năm 2013 - 2016, cả nước phát hiện hơn 2.700 vụ khai thác cát trái phép, nhưng chỉ truy tố hình sự 1 vụ (ở TP. Hà Nội), còn lại đều xử lý hành chính. Lý giải vì sao khó xử lý hình sự “cát tặc”, nhiều địa phương cho rằng: Vì việc xác định “gây hậu quả nghiêm trọng” rất khó!

Cuối cùng, không thể không chấn chỉnh trách nhiệm của chính quyền trong quản lý khoáng sản trên địa bàn mình. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo: Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, thì kiên quyết xử lý người đứng đầu, phát hiện người nào bảo kê, tiếp tay thì tùy tính chất mà xử lý nghiêm minh theo quy định.

K.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao “cát tặc” lộng hành?