Theo dõi trên

Ưu tiên phát triển hạ tầng, điều tất yếu để phát triển du lịch

25/11/2019, 11:25

BT- Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; theo đó Bình Thuận là một địa phương trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia và thành phố Phan Thiết trở thành đô thị du lịch trọng điểm để trở thành khu vực ưu tiên phát triển du lịch của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa tỉnh sẽ nhận được hỗ trợ ngân sách Trung ương để phát triển hạ tầng du lịch trong đó có các dự án quan trọng như đường cao tốc và sân bay, đồng thời sẽ được các nhà đầu tư quan tâm đến những tiềm năng, lợi thế mà Bình Thuận đang sở hữu, nhất là lĩnh vực đất đai và du lịch.

Với dân số 1,2 triệu người và gần 6 triệu lượt khách/năm, du lịch rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong kinh tế tỉnh Bình Thuận. Với vị trí gần thành phố Hồ Chí Minh, nhiều du khách nội địa đi nghỉ cuối tuần ở Bình Thuận để thưởng thức hải sản, nghỉ ngơi tại các cơ sở lưu trú giá cả hợp lý và tận hưởng những bãi tắm đẹp; do vậy nếu được tập trung đầu tư phát triển bài bản, du lịch có thể được mở rộng để thể hiện một cách tự nhiên bản sắc sinh hoạt thường nhật của tỉnh, trở thành một điểm đến nổi tiếng và hấp dẫn hơn, qua đó tạo ra một môi trường tươi đẹp phù hợp cho cả người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, doanh thu du lịch của tỉnh ước đạt trên 8,5 nghìn tỷ VNĐ/năm, khi so sánh với số liệu Việt Nam nói chung, doanh thu du lịch tỉnh Bình Thuận chiếm hơn 2% doanh thu du lịch của cả nước. Xét về doanh thu ngành du lịch, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra sẽ tăng hơn gấp đôi hoặc cao hơn nữa so với doanh thu hiện nay.

Với mục tiêu trở thành vùng du lịch trọng điểm của quốc gia và cao hơn là một điểm đến tầm cỡ quốc tế trên bản đồ du lịch toàn cầu, song có lẽ đây không phải là một mục tiêu dễ dàng đối với Bình Thuận, bởi lẽ bên cạnh những thuận lợi đáng kể, Bình Thuận đang đối mặt với nhiều khó khăn phải vượt qua để phát huy tối đa tiềm năng du lịch. Dù hiện nay Bình Thuận đã có hệ thống giao thông kết nối tương đối đầy đủ cho các du khách nghỉ cuối tuần từ những tỉnh, thành lân cận, song thời gian đi lại và điều kiện giao thông vẫn là một thách thức đối với du khách quốc tế và du khách nội địa từ các tỉnh, thành xa hơn. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý rác thải của tỉnh hiện chưa hiệu quả và cần được cải thiện để giảm thiểu ô nhiễm cho các bãi biển và điểm du lịch trong tỉnh. Mặt khác tác động từ biến đổi khí hậu là một thách thức dẫn tới tình trạng xâm thực diễn ra tại các bãi biển xinh đẹp của Bình Thuận, đây thực sự là một vấn đề cần được kiểm soát...

Đánh giá và phân tích kỹ lưỡng những thuận lợi và khó khăn thách thức mà tỉnh phải đối mặt trong quá trình triển khai công tác quy hoạch tổng thể để phát triển trở thành khu du lịch quốc gia của Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong năm 2019, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1775/QĐ-UBND phê duyệt đề cương nhiệm vụ Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch đúng lộ trình, đảm bảo tiến độ theo phê duyệt của Thủ tướng. Trong nhiều nhiệm vụ và giải pháp, thì điều kiện cần đầu tiên để thúc đẩy phát triển du lịch là phải đẩy mạnh xây dựng phát triển hạ tầng một cách đồng bộ, gắn với bảo vệ môi trường, tập trung phát triển nguồn nhân lực và các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới UBND tỉnh sẽ triển khai đồng bộ xây dựng hạ tầng giao thông và đầu tư vào các điều kiện hỗ trợ khác. Để làm được việc này, tỉnh đã tập trung phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai những dự án trọng điểm như xây dựng sân bay; nâng cấp tuyến đường sắt, xây dựng các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam và cũng ngay trong năm 2019, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết triển khai xây dựng một số tuyến đường giao thông nối từ trung tâm du lịch phía Nam từ Kê Gà đến TP. Phan Thiết với tổng kinh phí đầu tư tới hàng nghìn tỷ đồng để thu hút đầu tư và phục vụ phát triển du lịch Nam Phan Thiết. Cùng với việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, Bình Thuận sẽ tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thiết lập và hoàn thiện chương trình quản lý chất thải, xây dựng kế hoạch bảo vệ bờ biển… để làm nền tảng quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững của ngành du lịch Bình Thuận, qua đó sẽ đảm bảo các yếu tố giao thông thuận tiện, môi trường xanh, sạch, an toàn, bảo tồn văn hóa và gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên đặc trưng của tỉnh... Song bên cạnh đó, tỉnh cần có các giải pháp đem lại trải nghiệm tốt hơn cho du khách, đưa ra các quy định về điều kiện giao thông cần thiết, phát triển các loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như xe golf chạy bằng điện hoặc xe ba bánh chạy bằng điện để thay thế dần các loại hình giao thông truyền thống khác trong quá trình phục vụ du khách. Tóm lại tỉnh phải ưu tiên phát triển đồng bộ từ hạ tầng giao thông đến bảo vệ môi trường, đồng thời phát triển các dịch vụ công ích quản lý chất thải, duy trì điều kiện vệ sinh để bảo vệ môi trường và các tài nguyên quan trọng; đồng thời nghiên cứu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng để có được nguồn nhân lực trình độ cao song song với phát triển dịch vụ chất lượng cao, cung cấp nhân lực có chuyên môn cho ngành du lịch với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh về quê hương và con người Bình Thuận giúp cho du khách nâng cao hiểu biết về Bình Thuận nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng.

Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã đem tới cho du lịch Bình Thuận cơ hội vươn lên tầm cao mới, đặt ra cho Bình Thuận mục tiêu trở thành một điểm đến nổi tiếng và hấp dẫn và là một khu vực quan trọng đóng góp cho sự phát triển ngành du lịch của vùng duyên hải Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung. Song để đạt được mục tiêu này, cần có lộ trình và giải pháp cụ thể, trong đó tập trung xây dựng phát triển hạ tầng một cách đồng bộ, gắn với bảo vệ môi trường, tập trung phát triển nguồn nhân lực và các dịch vụ du lịch chất lượng cao để thúc đẩy phát triển du lịch phải được ưu tiên hàng đầu là điều tất yếu.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên phát triển hạ tầng, điều tất yếu để phát triển du lịch