Theo dõi trên

Ước mong quê hương ngày càng giàu đẹp

16/10/2020, 09:09 - Lượt đọc: 36

BT- Tuần qua, TP. Phan Thiết rực rỡ cờ, hoa chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV. Lòng người cũng lạc quan, phấn khởi khi quê hương ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh đang dần hồi phục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đông đảo cán bộ, nhân dân hướng về đại hội Đảng bộ tỉnh với mong muốn đại hội sẽ lựa chọn được những người có tâm, có tầm vào Ban chấp hành, để lãnh đạo xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Dư luận cũng mong muốn Đảng bộ Bình Thuận với khí thế mới của nhiệm kỳ mới, sẽ có quyết sách đúng đắn để đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.

Trong 5 năm tới, du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận, nhưng sức cạnh tranh sẽ tốt hơn khi Bình Thuận tháo gỡ được “điểm nghẽn” về sân bay và đường cao tốc. Bình Thuận sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển mạnh khu du lịch quốc gia Mũi Né, phấn đấu đến năm 2030 Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Du lịch Bình Thuận sẽ tăng tốc mạnh hơn, nếu tháo gỡ được “điểm nghẽn” về chồng lấn quy hoạch titan với các dự án du lịch ven biển. UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa thống nhất sẽ kiến nghị Bộ Công thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến titan ngay trong quý 4/2020 này.

Cùng với du lịch, năng lượng được xác định là một mũi nhọn kinh tế mới của Bình Thuận. Theo Kế hoạch 216 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, dự kiến đến năm 2025 Bình Thuận sẽ nâng tổng công suất các nguồn điện (điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời, thủy điện) đạt khoảng 13,85 GW, sản lượng điện đạt khoảng 68 tỷ kWh. Trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió (kể cả điện gió ngoài khơi), điện mặt trời, điện khí LNG, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời trên mặt nước... Phấn đấu đưa Bình Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Với đường bờ biển dài 192 km, khí hậu nắng, gió quanh năm, là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, mà không mâu thuẫn, triệt tiêu mũi nhọn du lịch biển của địa phương.

Cùng với du lịch, năng lượng, 5 năm tới Bình Thuận sẽ phát triển đồng bộ công nghiệp và nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, theo hướng giảm dần sơ chế, tăng các sản phẩm chế biến sâu từ thanh long, cao su, hạt điều, đồ gỗ, hải sản khô, đông lạnh... Chú trọng phát triển các vùng chuyên canh nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 1 tỷ USD trong 10 năm tới.

Bình Thuận chắc chắn sẽ giàu từ biển, mạnh từ biển.           

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ước mong quê hương ngày càng giàu đẹp