Theo dõi trên

Ứng xử và trách nhiệm khi bình luận trên mạng xã hội

02/05/2019, 15:01 - Lượt đọc: 96

BTO- Không thể phủ nhận, mạng xã hội đem đến cho con người sự gắn kết, chia sẻ, hiểu biết không biên giới, cũng như những tính năng tuyệt vời của mạng xã hội trong cập nhật thông tin, liên kết xã hội. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo và chọn lọc, có cách ứng xử văn hóa thì chính mạng xã hội lại là con dao hai lưỡi, dễ khiến người dùng “sập bẫy”, mặt trái của nó lại chính là việc phát tán, lây lan không thể kiểm soát. Trên thế giới ảo, người dùng thường vô trách nhiệm trước những phát ngôn của mình, vô tư đưa ra nhận xét theo ý thích, không cần biết điều ấy tác động thế nào đến chủ nhân của tác động đó.

Chỉ cần một tài khoản cá nhân, người tham gia có thể tự do phát tán thông tin theo ý thích. Việc tung tin giả ngày càng lộng hành, để “câu like”, để bôi nhọ người khác, để trục lợi, hay có dụng ý gây bất an xã hội và mưu đồ chính trị. Thông tin về chuyện một “hot girl” là “bồ nhí” của một vị lãnh đạo tỉnh T vừa khiến dư luận trên mạng xã hội “dậy sóng”.

Cách đây ít ngày, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện trang fanpage mạo danh “Báo CA”, trong đó đăng clip về vụ một việt kiều về nước, tranh cãi với nhân viên sân bay TSN vì cho rằng hành lý của họ bị cắt khóa, lấy đồ tại sân bay Việt Nam nhưng thực chất không phải như vậy. Clip này làm ảnh hưởng tới hoạt động của hàng không Việt Nam và tạo ra hình ảnh méo mó, xấu xí về đất nước và con người Việt Nam.

Và rồi, “Trường hợp nữ sinh L ở tỉnh NA khi bị đăng clip nhạy cảm dẫn đến không chịu được áp lực đã tự tử là điển hình”... Một tác động khác nữa cũng khôn lường, đó là sự thiệt hại về kinh tế, uy tín, thương hiệu... đối với một số doanh nghiệp khi từng là nạn nhân của tin giả, tin sai sự thật trên Facebook.

Một thực tế dễ nhận thấy là trên các mạng xã hội tồn tại rất nhiều hội cuồng tín, phản động, tội phạm với những danh nghĩa khác nhau. Chúng dùng mạng xã hội để phục vụ mục đích xấu xa, bôi xấu hình ảnh cá nhân, tổ chức nào đó hoặc lợi dụng để can thiệp công việc riêng cá nhân, nội bộ của nước khác.

Chính vì vậy cần cẩn trọng trong cách hành xử khi tham gia mạng xã hội, nhất là tham gia bình luận. Trong trường hợp này, nếu có một người từng trải, ân cần đưa nạn nhân vào việc học tập, công việc… thì họ có thể ổn định tâm lý. Nếu càng để họ tự dằn vặt với nỗi đau, sự đau đớn càng tăng theo cấp số nhân.

Theo các chuyên gia trung tâm điều tra dư luận xã hội khuyến cáo, để tránh sa vào “bẫy” thông tin không chuẩn, người đọc cần tỉnh táo và cảnh giác, không thể cái gì cũng tin. Đặc biệt khi bình luận, nói xấu hoặc chia sẻ trạng thái, thông tin nào đó thì cần có sự kiểm chứng.

Một vấn đề khác cần đặt ra và tính đến, đó là, người đưa những thông tin thất thiệt, sai lệch lên mạng xã hội nhằm hạ uy tín và nhân phẩm của tổ chức và cá nhân người khác và gây hoang mang dư luận. Dùng mạng xã hội bêu xấu tổ chức và cá nhân người khác chủ yếu là xuất phát từ lòng vị kỷ, tranh giành, đấu đá giữa các cá nhân với nhau. Khi đó, người ta sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh Facebook đang phát triển rầm rộ thì con người lại càng vin vào đó, xem nó như là một “vũ khí” để tiêu diệt kẻ mình thù ghét. Trước sự việc này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nếu như đăng thông tin không chính xác nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác liệu có bị xử lý?

Thực tiễn cho thấy, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó.

Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước. Mặt khác, sự quản lý, giám sát của các cấp, các ngành, của chính cơ quan nơi người sử dụng công tác thì sự tham gia giám sát của xã hội, công chúng đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà nước là điều rất cần thiết. Khi một hành vi ứng xử không phù hợp diễn ra, công chúng, cơ quan, luật pháp và xã hội cùng lên án thì sẽ tạo ra sự răn đe đủ mạnh.

Mạng xã hội là một cuộc chơi sòng phẳng, cần có sự đầu tư nghiêm túc, hợp lý với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính tri, các cấp, ngành, địa phương cùng vào cuộc.

 Bảo vệ, xây dựng và hướng tới môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam thật sự cần thiết. Trên thực tế, sẽ không có một giải pháp nào khả thi nếu đứng độc lập. Vì vậy, việc ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội cần ban hành “Bộ quy tắc mềm” định hướng thực sự đi vào đời sống và phát huy hiệu quả thì cần có sự kết hợp của nhiều giải pháp với nhiều nguồn lực.

Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng xử và trách nhiệm khi bình luận trên mạng xã hội