Theo dõi trên

Tự cứu trước khi trời cứu

29/05/2020, 07:39 - Lượt đọc: 61

BTO- Dịch bệnh vừa tạm lắng, Bình Thuận lại phải chống chọi với đợt nắng hạn nghiêm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây. Tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri nghe bà con phản ánh: do ảnh hưởng dịch covid-19, cộng với nắng hạn kéo dài, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là để tưới cây thanh long rất khan hiếm, nhiều người phải mua nước xe bồn về tưới cho thanh long. Ao đào, giếng khoan cạn kiệt, ở nhiều vùng nông thôn ngay cả nước sinh hoạt để ăn, uống, tắm, giặt người dân cũng phải đi chở, đi mua từng can nhựa, thì lấy đâu ra nước cho cây trồng? Nhiều vườn thanh long đành bỏ mặc cành teo tóp, vàng úa. Hàng chục ngàn ha thanh long bị giảm sút năng suất, sản lượng. Hàng...

Còn nhớ năm 2016, Bình Thuận cũng gặp hạn nặng (tuy chưa bằng năm nay), thời điểm ấy giữa những vườn thanh long teo tóp, vàng úa ở thôn Xuân Phú (xã Phong Nẫm-Phan Thiết) vẫn có một vườn thanh long xanh mượt, dù lượng nước tưới dự trữ không nhiều hơn các hộ khác. Sự khác biệt đến từ hệ thống tưới nhỏ giọt. So với cách tưới thủ công cầm ống bơm phun tưới từng gốc thanh long, lượng nước tiêu hao rất lớn, trong khi lượng nước thẩm thấu vào lòng đất chỉ khoảng 30%. Vườn thanh long duy nhất ở xã Phong Nẫm lúc ấy áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt sử dụng dây Microdrip của Israel giúp nước được tưới đều cả khu vườn, có thể tưới nhiều lần trong ngày, giảm được từ 40 - 60% lượng nước tưới, tiết kiệm từ 40 - 60% chi phí điện chạy máy bơm nước. Dù giá đầu tư thiết bị tưới nhỏ giọt hơi cao, nhưng nhờ lợi công, lợi điện, lợi nước nên rất có hiệu quả kinh tế.

Ngoài công nghệ tưới nhỏ giọt trên, ở xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) còn áp dụng mô hình tưới phun mưa và tưới phun sương, tiết kiệm được từ 50 - 60% lượng nước tưới so với cách tưới truyền thống, giảm tiền điện, công tưới và không cần ủ rơm gốc thanh long.

Thấy rõ sự cấp thiết phải thay đổi cách tưới để chung sống với hạn, vào tháng 11/2016 tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh (QĐ 3398/QĐ-UBND). Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 có 18.285 ha diện tích cây trồng cạn chủ lực như: thanh long, xoài, tiêu, nho, điều, quýt, mãng cầu, rau màu... được tưới bằng công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, thay thế phương pháp tưới truyền thống để tiết kiệm nước.

Nhiều giải pháp thực hiện đã được đề ra như: đẩy mạnh ứng dụng KHCN; hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; rà soát bổ sung quy hoạch, trong đó lồng ghép giải pháp tưới tiết kiệm nước với Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tuyên truyền, đào tạo và tập huấn nông dân...

Tỉnh Bình Thuận nằm ở khu vực khô hạn nhất nước, lượng mưa thấp trong khi lượng bốc hơi gần gấp đôi lượng mưa, nên khó trông chờ vào mưa. Về mùa khô lượng nước tích trữ trong các công trình thủy lợi và nguồn nước mặt, nước ngầm khô cạn, hạn hán diễn ra gay gắt. Tuy nhiên cho đến thời điểm ban hành Kế hoạch hành động trên (2016), việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở Bình Thuận còn rất hạn chế (chỉ có 9.935 ha cây trồng/312.968 ha sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, còn lại vẫn áp dụng phương pháp tưới truyền thống, nên lượng nước tổn thất, lãng phí rất lớn).

Trước tình hình thiên tai hạn hán ngày càng khốc liệt do biến đổi khí hậu, yêu cầu chuyển đổi nhanh cách tưới truyền thống (lãng phí tới 70% lượng nước) sang tưới tiên tiến, tiết kiệm nước càng cấp thiết. Bình Thuận cần đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, những việc làm được, chưa làm được, đề xuất giải pháp mới thúc đẩy nhanh hơn sự chuyển đổi tất yếu này. Chắc chắn rằng sẽ có những mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiệu quả ở Bình Thuận đang cần được nhân rộng. Những công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã được nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tốt trên thế giới và tại Việt Nam, có thể áp dụng vào vùng đất thiếu mưa thừa nắng này.

ĐẶNG DŨNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự cứu trước khi trời cứu