Theo dõi trên

Từ chuyện một nữ thứ trưởng về hưu

12/09/2017, 09:13 - Lượt đọc: 24

BTO- Sau khi bị kỷ luật Đảng và bị miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa sẽ được nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội. Có người nói câu chuyện lùm sùm bấy lâu nay của bà thứ trưởng tạm đi vào hồi kết. Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng, có một vấn đề lớn khác chưa thể kết, đó là việc các cơ quan có trách nhiệm sẽ xử lý tiếp theo như thế nào khối tài sản “khủng” có được, chủ yếu nhờ lợi dụng chức quyền trong vụ cổ phần hóa nhà máy đèn Điện quang. Hạ cánh thật đấy mà đâu đã yên?

Bà Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: Báo Tiền Phong

Từ vụ việc bà Hồ Thị Kim Thoa với việc kê khai tài sản, giám sát kê khai tài sản đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm. Trước hết, kê khai tài sản chỗ này chỗ kia đang nặng về hình thức, thiếu công khai minh bạch. Theo đó, việc giảm sát kê khai tài sản còn nhiều kẽ hở, thiếu trung thực. Để khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước ta chủ trương, sắp tới đây, với các cán bộ cấp cao, lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản thực chất. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 85 – QĐ/TW quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định ghi rõ: “Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ; góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng”.Theo đó, như thông tin của lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thực hiện Quy định này, khoảng 1.000 cán bộ cấp cao bắt buộc kê khai tài sản và giám sát tài sản, không có bất cứ vùng cấm nào. Sau Quy định này, diện cán bộ cấp lãnh đạo bộ, ngành và địa phương cũng sẽ được kiểm tra tài sản và giám sát kê khai tài sản, tùy theo diện cán bộ được quy định quản lý từng cấp. Dư luận băn khoăn và nghi vấn kết quả kê khai tài sản hơn 1,1 triệu cán bộ, nhưng chỉ phát hiện được 3 cán bộ kê khai không trung thực. Quả là kê khai và giám sát kê khai tài sản đang là vấn đề không hề đơn giản.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: kê khai tài sản là biện pháp bắt buộc, cần thiết, kê khai thực chất, không hình thức và có sự giám sát đầy đủ của cơ quan có trách nhiệm. Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm Tra Trung ương cho biết: Về quy định kiểm tra từ nay trở đi sẽ có lộ trình, kế hoạch cụ thể về việc kiểm tra, giám sát tài sản đối với cán bộ thuộc từng cấp quản lý. Bên cạnh đó, khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ này, cán bộ kia thì Ủy ban Kiểm tra sẽ tiến hành thực hiện. Cơ quan kiểm tra của Đảng yêu cầu cán bộ kê khai tài sản trung thực và trách nhiệm chính trị cao. Trung thực trong kê khai và công khai tài sản là một trong những thước đo về văn hóa và đạo đức chính trị chuẩn mực của cán bộ, của các chính trị gia.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, minh bạch và xác minh kê khai tài sản bằng giải pháp công nghệ là rất hữu hiệu trong phòng chống tham nhũng. Kê khai tài sản, tăng cường trách nhiệm giải trình sau kê khai được xác định là biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Tuy nhiên, những quy định về kê khai tài sản sẽ không phát huy được hiệu quả nếu thiếu các biện pháp xác minh và minh bạch hóa tài sản. Minh bạch tài sản thông qua ứng dụng kê khai tài sản bằng phương thức mạng điện tử đang được một số quốc gia thực thi như là biện pháp căn cơ.Những kinh nghiệm về giải pháp công nghệ trong kê khai và giám sát kê khai tài sản thời đại công nghệ số và cuộc cách mạng 4.0 rất cần được tham khảo và ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Vụ việc bà Thứ trưởng Bộ Công thương kê khai tài sản nhưng thiếu sự giám sát, không công khai, minh bạch có thể rút ra nhiều bài học. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và nhắc nhở tính hiệu quả của  giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả là tính công khai trong kê khai và giám sát tài sản,thông qua sự giám sát của nhân dân và các phương tiện truyền thông đại chúng. Tổng Bí thư khẳng định: Con đường công khai hóa, minh bạch hóa tài sản chính là thanh bảo kiểm đắc dụng trong phòng ngừa và chống tham nhũng.

  QUỐC TOÀN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ chuyện một nữ thứ trưởng về hưu