Theo dõi trên

Trị lờn thuốc

20/03/2019, 09:43

BT- Với con tôm, năm 2018 là một năm khốn đốn, khi con đường xuất tiểu ngạch vào Trung Quốc bị trở ngại, có nhiều thời điểm bên kia biên giới hoàn toàn không nhận hàng. Nhưng với trái thanh long cùng thời gian trên thì lại không. Hơn thế, giá lại rất cao. Ngay thời điểm này cũng thế, giá thanh long đang đứng ở 18.000 - 19.000 đồng/kg, nhà vườn có động lực cho miệt mài chăm sóc vườn, hy vọng có hàng bán giá cao.

Vì thế, dù báo chí loan tin việc Bộ Công Thương đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu với mặt hàng rau quả, trong đó thanh long là chính chỉ tăng 0,8% trong năm 2019 cùng với những lý giải, cảnh báo xuất khẩu thị trường Trung Quốc sẽ thu hẹp so những năm trước, bỗng trở nên không quan trọng lắm với chính nhà vườn, những người trong cuộc. Lời cảnh báo về siết chặt tiểu ngạch, về truy xuất nguồn gốc, về sản xuất phải sạch bỗng trở nên rất quen trong hàng ngày, nhưng lại chưa đẩy lên thành quyết tâm phải thực hiện.

Câu nói của các nhà vườn thanh long vào ngày hôm qua đã chứng minh rất rõ. Đại ý rằng không có hàng để bán đây, siết chặt tiểu ngạch làm gì. Mà chuyện siết chặt này cứ lâu lâu lại nghe, thanh long không bán được vài ngày rồi sau đó thì giá lên, lại bán được. Thanh long sản xuất VietGAP cũng có giá bán đâu khác gì thanh long thường. Đó là lý do mà nhiều năm qua, việc vận động dân sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP miệt mài nhưng kết quả thu về không như mong muốn. Một cán bộ nông nghiệp nhận định là diện tích thanh long mở rộng ở cấp số nhân nhưng sản xuất thanh long     VietGAP đang ở cấp số cộng, dù tỉnh có chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất này rất nhiều. Mấu chốt vấn đề vẫn là từ thị trường, làm sao thanh long VietGAP bán với giá cao hơn thanh long thường 1.000 - 2.000 đồng/kg thôi, hay ít nhất có sự phân biệt rõ ràng thì không cần vận động, họ cũng tìm đến. Nhưng ở đây lại không như thế, vì vậy cứ  mỗi lần biên giới phía Bắc “hắt hơi” thì câu chuyện “siết chặt tiểu ngạch” lại được xới lên. Có thể nói đó là cảnh báo duy nhất, gần nhất vì phần lớn thanh long Bình Thuận xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nhằm để nhà vườn thận trọng và chuyển biến nhận thức. Tuy nhiên, thật khó khi chuyện siết chặt ấy không dứt khoát, cứ chờn vờn theo kiểu lúc đóng cửa hoàn toàn, lúc mở ra thoải mái, thanh long vẫn bán được, tạo suy nghĩ trong dân rằng cần gì phải sản xuất theo chuẩn này, chuẩn kia. Một tình trạng tương tự như lờn thuốc.

Năm 2019 này, xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc sẽ mở rộng, xuất khẩu tiểu ngạch sẽ bị siết chặt đi vào hồi quyết liệt, chứ không ầu ơ như trước. Vì chính các cơ quan chức năng đã tự phê bình tình trạng trên qua báo chí là “Việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và các quốc gia khác đã được nước bạn đưa ra từ lâu nhưng phản ứng của cơ quan quản lý có liên quan hết sức chậm chạp và có thời gian chỉ nói suông, nói nhiều hơn làm”. Do đó, bây giờ việc thiết thực nhất là ngành chức năng cùng địa phương, hội đoàn… xuống từng trang trại, HTX, hộ dân để thông tin về sự thay đổi của thị trường Trung Quốc, yêu cầu của thị trường ấy ra sao và doanh nghiệp, người dân cần phải làm gì. Có nghĩa thực hiện theo  nguyên tắc cơ bản của thị trường, tức bán những gì thị trường cần, chứ không phải bán những gì nông dân có. Diễn biến trong xuất khẩu ở thị trường rộng lớn này có thể sẽ xảy ra nhiều trở ngại nhưng nếu không trị tình trạng lờn thuốc trên thì rất khó vượt lên ở tầm cao, để nâng giá trị trái thanh long.

HẢO CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trị lờn thuốc