Theo dõi trên

Thuyền to thì sóng lớn

11/10/2019, 10:03 - Lượt đọc: 624

BT- Cách đây 5 năm, vào tháng 8/2014 Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực, giúp ngư dân 28 tỉnh ven biển có cơ hội đóng tàu công suất lớn vươn khơi sản xuất, góp phần giữ gìn chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.

5 năm qua, bên cạnh những tàu 67 hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế biển, có không ít tàu 67 thua lỗ, hoạt động cầm chừng, hoặc nằm bờ, nhiều ngư dân lâm cảnh nợ nần chồng chất, nhiều khoản vay theo Nghị định 67 nay chuyển sang nợ quá hạn, nợ xấu. Các ngân hàng lo lắng, nhiều chủ tàu không trả được nợ đã bị ngân hàng khởi kiện ra tòa. Dư luận yêu cầu Chính phủ có giải pháp tháo gỡ kịp thời, để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển sản xuất.

Bình Thuận là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng tàu 67, đến nay đã có 114 tàu 67 được đóng mới (18 tàu vỏ thép, 8 tàu vỏ composite, 88 tàu vỏ gỗ), trong đó theo ngành chức năng khảo sát có 40 tàu hoạt động có lãi, 33 tàu hòa vốn và 35 tàu thua lỗ. Phía ngân hàng cho biết đến nay có 28 chủ tàu không trả được nợ đến hạn và đã được đề nghị cơ cấu lại nợ (dư nợ 22 tỷ đồng), nợ xấu phát sinh trên 17 tỷ đồng và dự báo còn tiếp tục tăng lên.

Vì sao một chủ trương lớn và đúng đắn khi đi vào cuộc sống lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí không thành (như chương trình đánh bắt xa bờ trước đây là một ví dụ)? Vì sao đã được hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, hỗ trợ dầu theo QĐ 48 của Chính phủ... nhưng rất nhiều tàu 67 vẫn thua lỗ, mất khả năng trả nợ?

Dân gian có câu "thuyền to thì sóng lớn". Theo một lão ngư thì tàu 67 đều có công suất lớn, chi phí chuyến biển cũng tăng thêm mấy phần, để đủ phí tổn chuyến biển, phải đánh bắt được nhiều cá hơn, nhưng biển cạn kiệt không còn cá nữa, đồng nghĩa tàu 67 đi biển không hiệu quả, ngư dân không có tiền trả nợ ngân hàng chứ không phải không muốn trả nợ.

Nhưng một vài chuyên gia lại cho rằng, ngoài khó khăn về ngư trường, nguồn lợi thủy sản giảm sút, thiên tai, thời tiết thất thường, giá dầu tăng... còn do kinh nghiệm khai thác vùng khơi  của chủ tàu hạn chế, cách thức tổ chức sản xuất khi vươn khơi cũng còn vấn đề.

Nói đến kinh nghiệm tổ chức đánh bắt xa bờ phải nhắc đến ngư dân đảo Phú Quý (Bình Thuận). Do nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt, nghề cá Phú Quý chuyển ra khai thác xa bờ, nhưng không phải đơn lẻ, mạnh ai nấy làm mà liên kết thành các tổ đội, nghiệp đoàn, gắn với tổ chức dịch vụ hậu cần trên biển... Điển hình như nghiệp đoàn nghề cá xã Phan Thanh, để được tham gia chủ tàu phải đồng ý các điều lệ của tổ chức, cam kết hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu nạn cứu hộ. Thành viên nghiệp đoàn có cả tàu đánh bắt và tàu hậu cần, cá đánh bắt được có thể bán ngay trên biển cho tàu nghiệp đoàn với giá thỏa thuận, vừa tiết kiệm chi phí, cá lại tươi tốt hơn. Từ khi có nghiệp đoàn, sản lượng đánh bắt tăng hơn 30% do tăng thời gian bám biển sản xuất.

Ngoài nghiệp đoàn xã Tam Thanh, ở xã Long Hải (Phú Quý) có 2 tổ đội đánh bắt xa bờ, mỗi tổ có chừng 20 tàu, mỗi chuyến biển từ 10 - 15 ngày chủ yếu ở ngư trường Trường Sa và DK1. Các thành viên tổ đội gọi điện liên lạc với nhau thường xuyên để thông báo vị trí tàu, ngư trường, tình hình đánh bắt, sẵn sàng hỗ trợ nhau, khi tàu nào máy móc gặp sự cố thì tàu ở vị trí gần nhất phải đến ứng cứu. Được biết, Phú Quý có gần 400 tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu ở Trường Sa, trong đó có 80 tàu hậu cần cung cấp thực phẩm, nước đá, xăng dầu và thu mua hải sản trên biển.

Trong điều kiện đánh bắt xa bờ ngày càng khó khăn do thiên tai, tranh chấp trên biển, ngư trường cạn kiệt, không chỉ riêng tàu 67 nằm bờ mà rất nhiều ngư dân khác cũng trong hoàn cảnh thất bát. Vì vậy phát triển mô hình tổ đội đánh bắt, tăng hiệu quả, giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, là rất cần thiết được nhân rộng.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuyền to thì sóng lớn